"Bước đi tiếp theo của ASEAN là buộc Trung Quốc rút khỏi vùng biển của Việt Nam. - Wall Street Journal dẫn lời ông Lê Lương Minh - Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu".
Tổng thư ký ASEAN cũng cho hay việc làm trên sẽ có tác động tích cực nhằm khôi phục niềm tin vào việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đa quốc gia thông qua đàm phán, đối thoại.
Ông Minh nhấn mạnh hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc gây trở ngại hội đàm trong khu vực, từ đó cho thấy Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký kết với ASEAN năm 2002 là không đủ hiệu quả để ngăn chặn các sự kiện tương tự.
"Việc thiếu tiến triển trong các nỗ lực đàm phán giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc là đáng thất vọng. Sự kiện gần đây nhất khiến việc tham vấn và đàm phán mang tính thực chất càng trở nên quan trọng" - Ông Minh nói.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra ở Myanmar, lần đầu tiên trong 19 năm, các Ngoại trưởng ra tuyên bố riêng về Biển Đông, thể hiện sự quan ngại sâu sắc về những sự việc đang diễn ra và kêu gọi các bên liên quan không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Sau đó, lãnh đạo các nước thành viên thống nhất ra tuyên bố chung Naypytaw, trong đó kêu gọi các bên sử dụng biện pháp hòa bình và không làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, đồng thời cần sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC).