Bước phát triển mạnh mẽ của GDTC và phong trào thể thao học đường

Bước phát triển mạnh mẽ của GDTC và phong trào thể thao học đường

(GD&T Đ) - Có thể nói, từ lâu công tác giáo dục thể chất (GDTC) trong nhà trường phổ thông đã trở thành mối quan tâm của Đảng và Nhà nước ta. Điều 20 Luật TDTT ghi rõ: “GDTC là môn học chính khoá thuộc chương trình GD nhằm cung cấp kiến thức, kĩ năng vận động cơ bản cho người học thông qua các bài tập và trò chơi vận động, góp phần thực hiện mục tiêu GD toàn diện trong nhà trường”. Trên thực tế, các Bộ, ban ngành cùng các nhà trường đã tích cực xây dựng CSVC, chuẩn hoá đội ngũ GV thể dục, đưa việc nâng cao sức khoẻ, thể lực của HS trở thành mục tiêu quan trọng, xuyên suốt từ bậc tiểu học đến hết THPT. Tuy những năm gần đây môn GDTC đã được cải thiện rõ rệt, nhưng nội dung chương trình giảng dạy vẫn còn nghèo nàn, chất lượng bài học còn thấp, đơn điệu, mật độ vận động chưa cao...

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT nhiều môn thể thao như taewkondo đã phát triển mạnh mẽ trong các nhà trường phổ thông
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT nhiều môn thể thao như taewkondo đã phát triển mạnh mẽ trong các nhà trường phổ thông

* Bức tranh chung về công tác GDTC và thể thao trường học

Hội nghị Tổng kết Công tác GDTC và phong trào Hội khoẻ Phù Đổng trong nhà trường phổ thông giai đoạn 2008-2012 sẽ diễn ra tại Cần Thơ vào ngày 7/8 tới chính là dịp để Bộ GD&ĐT nhìn nhận lại những công tác đã triển khai hiệu quả và chỉ ra những mặt chưa hiệu quả hoặc thậm chí chưa thể triển khai trong công tác GDTC trong không chỉ 4 năm qua.

Đánh giá về giai đoạn 2008-2012 cho thấy Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo xây dựng chương trình thể dục mới cho các cấp học từ lớp 1 đến lớp 12, tổ  chức viết và hoàn thiện hệ thống sách GDTC các cấp. Cùng với việc đổi mới chương trình và SGK phổ thông, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đổi mới chương trình và giáo trình đào tạo GV tiểu học, THCS, THPT với mục đích nâng cao trình độ sư phạm cho các GV thể dục. Trong quá tình đổi mới về công tác thiết bị dạy học bộ môn, Bộ GD&ĐT đã thực hiện chủ trương khuyến khích GV ứng dụng CNTT trong dạy học. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã quan tâm chỉ đạo và hướng dẫn các hoạt động nghiên cứu khoa học GDTC từ cấp trường. Nhiều Hội nghị nghiên cứu khoa học GDTC toàn ngành đã được tổ chức với sự tham gia và đóng góp ý kiến của đông đảo các nhà khoa học, những người quan tâm tới GDTC trong nhà trường. Bên cạnh việc tăng cường đội ngũ GV thể dục, việc xây dựng CSVC cũng đã được quan tâm đầu tư. Tính đến tháng 6/2012 cả nước đã có 53.000 GV TDTT (104 thạc sĩ, 27.556 ĐH, 14.827 CĐ, 3.135 trung cấp, 674 sơ cấp). Nhà tập luyện và thi đấu đa năng cũng tăng gần 2 lần (833 năm 2008 – 1446 năm 2012), nhưng mới chỉ đạt 5,6% trong các nhà trường trên toàn quốc (27.500 trường học), nhưng tỷ lệ này vẫn còn quá thấp trong điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường ở VN hiện nay. Đáng kể nhất đó là số bể bơi đã được tăng từ 18 bể năm 2008, thì đến năm 2012 đã có 353 bể bơi... Tuy nhiên, số lượng sân tập, nhà thi đấu, bể bơi... này vẫn còn quá ít so với đòi hỏi thực tế hiện nay.

Thực hiện sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT, công tác GDTC và thể thao tại các nhà trường phổ thông của các thành phố, tỉnh và địa phương đã có những chuyển biến rõ rệt. Nhiều trường học của một số tỉnh tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã có CLB TDTT với những trang thiết bị đầy đủ, đội ngũ GV ngày càng được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ sư phạm. Chẳng hạn như tỉnh An Giang - một tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc - cũng là một trong những đơn vị chỉ đạo điểm về GDTC. Trong nhiều năm qua công tác GDTC và thể thao trong nhà trường phổ thông của An Giang luôn được quan tâm phát triển: 100% các trường phổ thông trong tỉnh thực hiện đúng và giảng dạy đủ chương trình môn thể dục do Bộ ban hành, thường xuyên tổ chức giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm giữa các trường trong địa bàn nhằm nâng cao trình độ cho cho GV, cũng như kinh nghiệm thi đấu cho các em HS... 

Vovinam, môn thể thao mới chính thức được đưa vào hệ thống thi đấu tại HKPĐ lần thứ VIII-2012
Vovinam, môn thể thao mới chính thức được đưa vào hệ thống thi đấu tại HKPĐ lần thứ VIII-2012

Ngoài ra, cũng phải kể đến các hoạt động hiệu quả của ngành GD Sơn La, nhiều năm qua họ đã thường xuyên mở các khoá bồi dưỡng cho các GV thể dục, trong đó chú trọng bồi dưỡng về kỹ năng, động tác, bồi dưỡng về kiến thức, về phương pháp sư phạm. Hướng đi của Sơn La có cái đặc biệt là chú trọng đến phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi của HS... Đồng thời có hướng đi riêng khi đặc biệt chú trọng đến hoạt động ngoại khoá trong các trường học, gây dựng phong trào thể thao từ cơ sở trường học, đến huyện, tỉnh... và hoàn thành tốt công tác GDTC và thể thao trong các trường học...

Bên cạnh những gì đã làm được, thực tế phải thừa nhận là công tác GDTC trong nhà trường phổ thông thời gian qua vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục. Đó là việc trong thực tiễn công tác GDTC và thể thao trường học vẫn chưa được quan tâm đúng tầm. GDTC vẫn con bị coi nhẹ và thiếu bình đẳng nếu so với các mặt GD khác. Đội ngũ cán bộ khoa học và nhà giáo có trình độ cao của ngành còn quá mỏng, nhiều GV, giảng viên còn chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Hệ thống văn bản pháp quy chỉ đạo nội dung phương pháp và chế độ GV chậm được đổi mới và hoàn thiện. Nhiều địa phương và nhà trường chưa thực hiện đúng chế độ ưu đãi nghề nghiệp đối với cán bộ, GV. Một mặt nữa là điều kiện CSVC, sân bãi phục vụ GDTC và thể thao trường học còn trong tình trạng quá thiếu và lạc hậu... Điều này phổ biến ở hầu hết các trường phổ thông, kể cả ở các trường đã đạt chuẩn quốc gia...

Những lớp phổ cập bơi cho HS nhằm góp phần hạn chế đuối nước đang được các cấp, ngành, trường học quan tâm đầu tư mạnh mẽ.
Những lớp phổ cập bơi cho HS nhằm góp phần hạn chế đuối nước đang được các cấp, ngành, trường học quan tâm đầu tư mạnh mẽ.

* Phát triển vượt bậc của phong trào HKPĐ 

HKPĐ lần thứ VIII đang diễn ra tại TP Cần Thơ là một minh chứng cụ thể. Hội khoẻ lần này đã thu hút được 63/63 tỉnh, thành cả nước tham gia. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, điều đáng chú ý ở kỳ HKPĐ lần này là quy mô và số lượng VĐV tham gia ngày càng đông, chất lượng VĐV cũng đã được tăng lên rõ rệt so với các kỳ Hội Khoẻ trước. Có được điều đó chính là nhờ trong suốt 4 năm qua, hàng loạt các hoạt động thể thao đã được Bộ GD&ĐT tổ chức thành công trên toàn quốc, trong đó đáng chú ý có Hội thi VH-TT các trường PTDT nội trú toàn quốc lần thứ VI tại Quảng Ngãi thu hút được sự tham gia của 54 trường PTDT nội trú với gần 4000 cán bộ GV và HS tham dự. Bên cạnh đó là các giải thể thao HS như: giải điền kinh, bơi lội, giải bóng đá cho HS tiểu học, THCS, THPT, giải cầu lông, giải bóng bàn... thu hút hàng ngàn VĐV tham gia với chất lượng ngày càng được cải thiện. Đó là chưa kể các hoạt động TDTT cũng do Bộ GD&ĐT phát động từ cơ sở trường đến quận (huyện), tỉnh (thành phố) và toàn ngành... Đối với phong trào trong nước là thế; hoạt động giao lưu học hỏi với các nước bạn trong khu vực và quốc tế về GDTC HS cũng luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2008 - 2012, Bộ GD&ĐT đã thành lập các đội tuyển đại diện HS VN tham gia một số giải thể thao khu vực, châu lục và quốc tế... Ngoài việc cử các đoàn VĐV HS tham dự các giải thể thao kể trên, năm sau (2013) VN còn vinh dự nhận đăng cai tổ chức Đại hội thể thao HS Đông Nam á theo sự phân công của Hội đồng thể thao HS ASEAN...

Có thể nói trong 4 năm qua (2008-2012), công tác GDTC và phong trào HKPĐ đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực góp phần vào thành tích chung của sự nghiệp GD-ĐT. Thống kê cho thấy 80% số trường học trong toàn quốc đã tổ chức HKPĐ cấp trường; 70% số quận, huyện trong toàn quốc đã tổ chức HKPĐ cấp quận, huyện; 100% tỉnh, thành tổ chức HKPĐ cấp tỉnh theo định kỳ 2 năm/lần; 100% các tỉnh, thành tham gia HKPĐ toàn quốc lần thứ VIII. Nhìn chung phong trào HKPĐ ngày càng được mở rộng và được dư luận quần chúng, các cơ quan chính quyền, các bậc phụ huynh ủng hộ, các em HS tham gia tích cực và đạt hiệu quả cao về mọi mặt. HKPĐ cũng đã dần được xã hội hoá, huy động được sự đóng góp, ủng hộ của nhiều nguồn lực, tranh thủ được sự tài trợ của nhiều tổ chức trong nước để xây dựng CSVC, phát triển phong trào TDTT ngày một sâu rộng, thiết thực và có sự hoà nhập với hoạt động của khu vực và trên thế giới.

 Trung Toàn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ