Bức xúc môi trường làng nghề

Bức xúc môi trường làng nghề

(GD&TĐ) - Có thể nói người dân trong các làng nghề hiện nay vừa là “thủ phạm” đồng thời cũng là “nạn nhân” của ô nhiễm môi trường. Tình trạng này đã và đang trở nên bức xúc hơn bao giờ hết…

Vượt quá tiêu chuẩn cho phép 

Theo thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, nước ta có khoảng 3.000 làng nghề, giải quyết việc làm cho hơn 11 triệu lao động. Các làng nghề đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp qua đó chuyển dịch cơ cấu và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương, nâng cao đời sống của người dân, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên đi đôi với sự phát triển của các làng nghề thì vấn đề ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí của các làng nghề lại ngày càng trở nên bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân sống trong các làng nghề và các vùng lân cận.

Người dân ở các làng nghề thường mắc các loại bệnh về đường hô hấp, ngoài da, khô mắt, điếc…chiếm đến trên 60 - 70%. Khảo sát mới đây của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường - Đại học Bách khoa Hà Nội, cho thấy có tới 100% mẫu nước thải ở các làng nghề có thông số vượt quá tiêu chuẩn cho phép, nguồn nước mặt và nước ngầm ở những nơi này đều có dấu hiệu ô nhiễm. Một đơn cử là phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, 123 cơ sở sản xuất kinh doanh của làng nghề tái chế kim loại chưa xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải; chất thải rắn cũng không được thu gom; hầu hết các cơ sở cũng chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hay cam kết bảo vệ môi trường.

Hay tại Hưng Yên với 85 làng nghề trong đó có 35 làng nghề được UBND tỉnh công nhận thì hầu như làng nghề nào cũng trong tình trạng ô nhiễm và ô nhiễm nặng, bởi chủ yếu các nghề tái chế phế liệu, thuộc da… đều là các ngành nghề có lượng chất thải độc hại rất cao. Đa số nguồn nước thải không qua xử lý mà thải thẳng xuống ao, hồ, cho nên có rất nhiều thành phần độc hại, vượt tiêu chuẩn cho phép…

Cần có giải pháp tổng thể và đồng bộ

Hội thảo xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về xử lý các chất độc hại tại làng nghề do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), phối hợp với Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng tổ chức vừa qua đã chỉ ra một số nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm hiện nay. Các làng nghề có mật độ dân cư đông đúc, các xưởng sản xuất thường phải xen lẫn với khu dân cư, do hạn hẹp về mặt bằng, địa hình nên rất khó bố trí xử lý chất thải.

Mặt khác, dưới áp lực của dân số, một số khâu trung gian điều tiết chất thải như ao hồ, sông ngòi bị san lấp làm diện tích ở, số lượng ao hồ có xu hướng giảm dần nên quá tải, dẫn đến nước thải ứ đọng, tràn cả ra khu dân cư; tình trạng này đã khiến cho ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

Bên cạnh đó, công nghệ và quy trình sản xuất thô sơ lạc hậu cũng là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm. Phần lớn sản xuất ở các làng nghề có quy mô hộ gia đình đơn lẻ, vốn đầu tư nhỏ, lao động thủ công là chủ yếu, thiếu những công nghệ hiện đại, do đó chưa tận dụng được tối đa nguồn nguyên liệu trong sản xuất, một phần nguyên liệu dôi dư trở thành phế thải, từ đó mà gây ra ô nhiễm môi trường.

Thêm nữa công tác quản lý môi trường tại các làng nghề còn chưa hiệu quả, nhận thức và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực làng nghề, nâng cao đời sống, sức khỏe nhân dân, cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ về quản lý và kỹ thuật có tính bền vững như tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức; thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất trong làng nghề; thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo Nghị định 67/NĐ-CP; phối hợp kiểm tra các dự án, đề án cho các nơi làm thí điểm…Việc quy hoạch không gian làng nghề phải gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Quy hoạch xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp tập trung và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm; mạnh dạn quy hoạch theo hướng lồng ghép các hoạt động du lịch với sản xuất làng nghề sinh thái. 

Tháng 4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2015, xử lý triệt để ô nhiễm tại 47 làng nghề ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng theo Chương trình mục tiêu Quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015. Cho thấy đây là một trong những động thái quyết liệt và mạnh mẽ của Nhà nước để giải quyết tổng thể môi trường làng nghề ở nước ta trong thời gian tới. 

Anh Quang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ