Từ những thôn làng “ba không”: Không điện - không đường - không trường trạm, xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) hôm nay đã khoác lên mình tấm áo mới. Những con đường liên thôn, liên xã được trải bê tông trơn láng, rộng rãi. Những ngôi nhà khang trang như nối dài thêm niềm vui, là minh chứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội nơi đây.
Những cánh tay nối dài của Đảng
Bà Kiều Thanh Nga - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đông Xuân. |
Đông Xuân là một trong hai xã dân tộc miền núi của huyện Quốc Oai với đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước khi “về” với Hà Nội, hầu hết các thôn của xã Đông Xuân đều thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Nhiều bản làng ba không “không điện - không đường - không trường, trạm” cùng với những hủ tục bao đời bủa vây khiến cái đói, cái nghèo mãi luẩn quẩn.
Tuy nhiên, giờ đây những “gam màu trầm” đã không còn nữa. Thay vào đó là những nét tươi mới, khởi sắc trong đời sống kinh tế, xã hội. Những thay đổi đó phần lớn là nhờ sự quan tâm, đầu tư các chương trình, chính sách hỗ trợ từ Trung ương và TP Hà Nội. Bên cạnh đó, vai trò những hạt nhân chính trị, những “đảng viên đi trước làng nước theo sau”.
“Thôn tôi hồ đẹp nên thơ/ Đường làng rộng đẹp là nhờ ông Kích”… Đó là những ca từ của một người dân thôn Đồng Bèn (xã Đông Xuân) khi chúng tôi hỏi đường về nhà ông Nguyễn Văn Kích, nguyên Bí thư Chi bộ, hiện là Trưởng ban Công tác mặt trận thôn.
Cách đây 46 năm, chàng trai Nguyễn Văn Kích theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ, tham gia vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1981, anh xuất ngũ, trở về cống hiến sức trẻ cho quê hương ở nhiều vai: Đội phó, Đội trưởng, Phó Chủ nhiệm đến Chủ nhiệm hợp tác xã, Trưởng thôn, Trưởng ban Công tác mặt trận... Đồng Bèn.
Năm 2008, khi xã Đông Xuân sáp nhập về huyện Quốc Oai (Hà Nội) ông Kích được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong thôn giới thiệu, bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn từ đó đến tháng 2/2023.
Trong quá trình làm cán bộ thôn, ông Kích luôn gương mẫu tích cực tham gia vào các phong trào hoạt động của địa phương. Trước chủ trương vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi, mặc dù diện tích đất của gia đình không nhiều nhưng với suy nghĩ vì sự phát triển chung của địa phương và nhân dân trong làng ngoài xã, ông Kích đã bàn với gia đình hiến đất để làm đường.
Thôn Đồng Bèn, cách trung tâm huyện Quốc Oai khoảng 20km. Với địa hình 70% diện tích là đồi núi, vào mùa mưa thường xảy ra tình trạng sạt lở đất ở các triền đồi trọc, ảnh hưởng đến giao thông và cuộc sống sinh hoạt của người dân. Mong muốn thay đổi, cải thiện tình hình, ông Kích đã chủ động vận động, phân tích để người dân hiểu và tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Kết quả, người dân trong thôn đã hiến 5.000m2 đất và đóng góp 350 ngày công góp phần hoàn thành 2 tuyến đường giao thông nội đồng, 3 hồ chứa nước thủy lợi và 1 nhà văn hóa của thôn được xây mới đi vào sử dụng. Nhờ đó, diện mạo thôn Đồng Bèn khang trang, văn minh và hiện đại hơn.
Canh cánh khi bà con dân tộc Mường còn giữ những hủ tục lạc hậu như ma chay để nhiều ngày mới đem chôn cất, đám cưới tổ chức rình rang, tảo hôn… ông Kích đã vận động mọi người thực hiện nếp sống mới.
Ông kể: “Trước đây, khi nhà có người mất, dân làng để thi thể hơn 48 tiếng đồng hồ mới đem chôn cất, gây mất vệ sinh. Hoặc đám cưới sẽ mổ trâu, bò và tổ chức rình rang nhiều ngày.
Tôi đến từng nhà để giải thích, phân tích cho bà con hiểu các hủ tục không chỉ tốn kém về mặt kinh tế, còn gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần con người...”.
Sau 5 năm ròng rã tuyên truyền, đến nay các hủ tục lạc hậu được xóa bỏ hoàn toàn, người dân tập trung làm ăn, phát triển kinh tế lành mạnh. Thôn Đồng Bèn không còn hộ nghèo, chỉ còn 2 hộ cận nghèo.
Ngoài phát triển kinh tế, ông Kích còn vận động bà con giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trong các phong tục tập quán, trang phục, tiếng nói và ẩm thực. Đặc biệt, bà con đã gìn giữ được 12 chiếc cồng chiêng mang đậm nét văn hóa của người Mường.
Ý thức được văn hóa chính là hồn cốt dân tộc, lớp trẻ sẽ tiếp nối truyền thống ấy nên ông tham mưu với lãnh đạo thôn tổ chức lớp dạy đánh cồng chiêng. Mỗi tháng, trẻ em trong thôn được đến nhà văn hóa học cách đánh cồng chiêng cũng như biểu diễn nhạc cụ truyền thống.
Không chủ quan với thế lực thù địch
Ông Nguyễn Văn Kích luôn gương mẫu, tiên phong trong các hoạt động phong trào của địa phương. |
Với đất nông nghiệp chiếm phần lớn diện tích đất tự nhiên, 90% dân số là người Mường sống ở nông thôn, bởi vậy Đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) là điều kiện quan trọng thúc đẩy Đông Xuân phát triển. Năm 2013 bắt tay vào xây dựng NTM, Đông Xuân đã gặp không ít khó khăn.
Nhưng càng khó khăn, Đông Xuân lại càng quyết tâm cao. Địa phương đã đồng bộ ban hành các nghị quyết, quyết định, quy chế phân công nhiệm vụ; kiện toàn bộ máy từ xã xuống thôn trong công tác xây dựng NTM.
Đặc biệt, từ lãnh đạo xã xuống thôn những đảng viên luôn “vững tay lái, chắc tay chèo”, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm. Thành quả cho những nỗ lực cố gắng đó, năm 2018, Đông Xuân về đích NTM, đồng thời liên tục trong nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã được công nhận là trong sạch vững mạnh.
Bà Kiều Thanh Nga, Bí thư Đảng ủy xã Đông Xuân, cho biết, dù khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, song với sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Đông Xuân có nhiều bước phát triển vượt bậc về kinh tế.
Dẫn chứng trong năm 2022, bà Kiều Thanh Nga cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Năng suất lúa vụ xuân đạt 54 tạ/ha, chăn nuôi đã có bước phát triển toàn diện, số hộ chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp được giữ vững và phát triển. Tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 61,5 triệu đồng/người/năm, tăng 7,5 triệu đồng so với năm 2021.
Hàng tháng, Đảng bộ xã đều xây dựng nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời nhất là nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế. Trong đó chủ đạo là công tác quản lý, sử dụng đất đai, sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thu nhập khác.
“Đông Xuân chú trọng tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, cải cách hành chính, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, tổ chức quản lý mới, có bước đi mới, nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, có hiệu quả. Đồng thời, xã đưa các tiến bộ, xây dựng các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho nhân dân trong toàn xã...”, Bí thư Đảng ủy xã Đông Xuân nhấn mạnh.
Xã Đông Xuân có 90% dân số là người dân tộc thiểu số. Bà con sống thật thà, chất phác. Trong quá trình phát triển về kinh tế, du lịch, Đảng ủy xã thường xuyên giao ban với lực lượng Công an xã, tăng cường tuyên truyền để bà con cảnh giác, tránh bị lôi kéo bởi các thế lực thù địch.
“Đơn cử tuyên truyền cho người dân biết về các hành vi xuyên tạc, kích động của thế lực thù địch, nhóm người lạ, hay nhận biết những luồng thông tin bịa đặt gây hoài nghi trong đồng bào dân tộc thiểu số, khiến họ mất niềm tin vào chế độ; tránh những mâu thuẫn, bức xúc của người dân tộc thiểu số với người Kinh. Ngoài ra, còn là hành vi “bới lông, tìm vết” những sai lầm, khiếm khuyết của một số cán bộ vùng cao trình độ còn hạn chế để kích động đồng bào tụ tập, gây rối an ninh trật tự...”, bà Kiều Thanh Nga chia sẻ.
Bí thư Đảng ủy xã Đông Xuân cũng thông tin, năm 2022 vừa qua thôn Đồng Bèn cùng như nhiều thôn trên địa bàn xã đã đón hàng nghìn khách du lịch, khách lưu trú về tham quan trải nghiệm. Vì vậy, công tác đảm bảo an ninh trật tự được đặc biệt chú trọng. Đảng ủy, UBND xã giao công an xã phối hợp chi bộ thôn nắm chắc thông tin về du khách lưu trú, trải nghiệm vừa đảm bảo chất lượng du lịch, vừa giữ vững an ninh trật tự địa phương.
Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Bèn Bùi Văn Quyền cho hay, mỗi đảng viên đẩy mạnh tuyên truyền đến bà con, kiên quyết không nghe theo kẻ xấu lôi kéo, kích động, xúi giục thực hiện những hành vi chống phá, gây rối, mất an ninh trật tự tại địa phương.
Đồng thời, báo cáo với Đảng ủy và chính quyền xã ngay khi có biểu hiện, hành vi của tổ chức lợi dụng tôn giáo, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số chống đối chính quyền.
Phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc
Nhờ chú trọng công tác tạo nguồn phát triển Đảng, chất lượng đảng viên mới kết nạp là người dân tộc thiểu số tại xã Đông Xuân ngày càng được nâng lên. Đa số đảng viên có trình độ học vấn từ THPT. Tỷ lệ đảng viên được đào tạo về chuyên môn ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức Đảng ngay tại các chi bộ thôn.
Năm 2022, Đảng ủy Đông Xuân đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Quốc Oai chuyển Đảng chính thức cho 6 đồng chí. Bên cạnh đó, xét và đề nghị cấp trên ra quyết định kết nạp 5 quần chúng ưu tú.
Đảng bộ xã Đông Xuân hiện có 12 chi bộ trực thuộc, qua đánh giá phân loại, có 2 chi bộ đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (6,6%); 7 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ (58,33%) và 3 chi bộ hoàn thành nhiệm vụ (25%); không có chi bộ không hoàn thành nhiệm vụ.
Trong năm 2023, Đông Xuân sẽ phấn đấu kết nạp 6 đảng viên mới. Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 80% trở lên. Bên cạnh đó, tỷ lệ tổ chức Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 90% (trong đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 20% trở lên), không có tổ chức Đảng yếu kém và không hoàn thành nhiệm vụ.
Về Đông Xuân những ngày này thấy sự phấn khởi của Đảng bộ và nhân dân khi niềm vui nối tiếp niềm vui. Những con đường bê tông nối dài vào tận thôn xóm, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát… Không chỉ xây dựng, phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo cho quê hương, Đảng bộ và nhân dân xã Đông Xuân còn thực hiện tốt mục tiêu quản lý dân chủ, xây dựng nếp văn hóa mới trong đời sống nhân dân.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh ngay từ cơ sở sẽ luôn tạo được lòng tin ở nhân dân, được dân mến, dân yêu, đồng thời là “bức tường lửa” chặn thế lực thù địch chống phá nền tảng tư tưởng, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh.