Bữa cơm nhỏ nuôi ước mơ lớn

Bữa cơm nhỏ nuôi ước mơ lớn

(GD&TĐ) - Trong chuyến công tác về huyện Quỳ Châu (Nghệ An) mới đây, khi tìm hiểu về những điển hình trong thực hiện bước hai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tất cả mọi người đều khẳng định, đó là ngành Giáo dục – Đào tạo huyện nhà.

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn mà chính từ tấm gương của các thầy, cô giáo trong ngành Giáo dục  - Đào tạo huyện Quỳ Châu còn là điểm tựa về tinh thần, vật chất cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến lớp. Thông qua những hành động việc làm hết sức ý nghĩa và thiết thực như, phong trào hỗ trợ áo ấm cho các học sinh nghèo và phong trào bữa cơm cô thầy...

Bữa cơm thầy cô ở Trưởng Tiểu Học Châu Hạnh 2
Bữa cơm thầy cô ở Trưởng Tiểu Học Châu Hạnh 2

Hôm chúng tôi đến Trường Tiểu học Châu Hạnh 2 đúng vào ngày các thầy cô giáo tổ chức bữa cơm cho các em học sinh. Nhìn các em vui mừng đón nhận từ các cô giáo những món ăn rất đạm bạc như đậu phụ, rau xanh, cá kho… khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Những món ăn này đối với các em học sinh ở khu vực có điều kiện như thành phố thì rất bình thường. Nhưng đối với các em học sinh nơi đây hết sức giá trị. Nhìn em Lô Văn Huy, học sinh lớp 3C, vội vàng mở lồng cơm độn sắn khô ra để đón nhận thức ăn từ cô giáo Lương Thị Tiến, chúng tôi hết sức cảm động. Huy cúi đầu ăn liền một mạch cảm tưởng như cả tuần nay em không được ăn cơm.

Sau bữa cơm tìm gặp và trò chuyện với Huy, chúng tôi được biết, nhà em ở bản Thuận Lập cách trường hơn 5km, em mồ côi bố từ nhỏ, gia đình đặc biệt khó khăn, một mình mẹ nuôi bốn anh em ăn học. Đầu năm học 2011, em có ý định nghỉ học ở nhà phụ giúp mẹ, nhưng nhờ các thầy cô giáo trong trường đến nhà động viên và hỗ trợ em cả quần áo, sách vở nên em mới tiếp tục đi học. Cả tuần nay gia đình em ăn toàn cơm độn sắn và măng rừng hôm nay được các thầy cô trong trường chiêu đãi thức ăn khiến em hết sức hồ hởi.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, hầu hết học sinh ở Trường Tiểu học Châu Hạnh 2 hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, đều thuộc diện hưởng chế độ 135. Những năm trước đây tỷ lệ học sinh bỏ học lớn, số học sinh đến trường cũng không đều, bữa đi bữa nghỉ, có em chỉ học buổi sáng còn buổi chiều về phụ giúp gia đình. Có em bữa trưa ở lại để học buổi chiều chỉ kiếm mấy củ sắn nướng ăn qua bữa, em nào sang lắm thì được gói cơm trộn muối vừng hoặc măng rừng, quần áo mặc thì không đủ che ấm.

Trước tình hình đó, ban đầu một số thầy cô giáo ở lại trường mua mỳ tôm nấu cho các em cùng ăn, một thời gian sau các thầy cô giáo bàn nhau mỗi tháng góp mỗi người mười ngàn đồng mua thức ăn hỗ trợ các em. Từ việc làm này đã tạo được sự đón nhận và mong chờ của các em học sinh. Nhờ vậy tỷ lệ học sinh bỏ học giảm mạnh và chất lượng cũng được nâng lên.

Thế nhưng, điều kiện của các giáo viên ở đây cũng rất khó khăn, nếu ngày nào cùng nấu cơm cho các em thì không thể. Nên từ 10 ngàn sau nâng lên 15 ngàn và đến nay mỗi tháng các thầy cô giáo đóng góp mỗi người 20 ngàn nhưng cũng chỉ bảo đảm mỗi tuần hỗ trợ các em 2 bữa.

Cô giáo Sầm Thị Viên, hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Khổ lắm nhà Báo ạ, mỗi tuần hai bữa cũng không dám thông báo trước cho các cháu biết. Bởi vì vẫn còn tình trạng một số em biết hôm nay không có cơm thầy cô là nghỉ học ở nhà. Do đó, hàng tuần nhà trường tổ chức nấu xen kẻ không thông báo trước để các em đến trường được đông nhất”.

Cô Hiệu trưởng nói thêm: Tuy những bữa cơm đạm bạc thế này nhưng đã góp phần nâng cao chất lượng học tập của các em nhiều lắm đấy. Từ một trong những trường tỷ lệ học sinh bỏ học cao và chất lượng học tập thuộc diện tốp yếu của Quỳ Châu, đến nay trường đã đạt chuẩn quốc gia, vươn lên thành những trường có chất lượng tốt nhất trong toàn huyện và ba năm gần đây không còn tỷ lệ học sinh bỏ học nữa. Có được kết quả đó, theo chúng tôi tất cả đều xuất phát từ tấm lòng cao quý của đội ngũ thầy cô giáo nhà trường đối với học sinh.

Bữa cơm nhỏ nuôi ước mơ lớn ảnh 2
 Giáo viên Trưởng Tiểu học Châu Hạnh 2, Quỳ Châu tặng áo cho học sinh khó khăn trong ngày khai giảng năm học 2010-2011

Thực tế hoàn cảnh của các thầy cô giáo Trường Tiểu học Châu Hạnh 2 cũng rất khó khăn. Hầu hết là nuôi con nhỏ, cá biệt như cô giáo Lương Thị Yết, chồng mất sớm bản thân bị bệnh hiểm nghèo lại nuôi hai con ăn học đại học. Thế nhưng trong các phong trào hỗ trợ áo ấm, sách vở cho học sinh nghèo hàng năm cô đều tích cực hưởng ứng.

Ở Quỳ Châu mọi người còn biết đến tấm gương của cô giáo Phan Thị Nhung, hoàn cảnh cũng rất khó khăn nhưng cô đã xung phong nhận em Lô Thị Hồng, mồ côi mẹ về nuôi cho đi học. Hay thầy giáo Lữ Văn Ngọc, tuy chưa có gia đình nhưng vào các ngày nghỉ, kỳ nghỉ thầy về quê đi đến từng gia đình để xin quần áo cũ để cho các em học sinh trong trường.

Theo cô giáo Võ Thị Lộc, Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Quỳ Châu, chính nhờ học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác mới có những hành động, việc làm cao cả như vậy. Cô còn cho biết, từ tấm lòng yêu quý học sinh và từ việc làm ấm áp tình thầy trò của các thầy cô giáo Trường Tiểu học Châu Hạnh 2 đã khởi nguồn cho bữa cơm cô thầy đối với các trường trong toàn huyện.

Đến nay hầu hết các trường khó khăn trong toàn huyện đều có phong trào bữa cơm cô thầy. Và từ những hành động, việc làm của các thầy cô giáo Trường Tiểu học Châu Hạnh 2 đã lan tỏa mạnh mẽ đối với các trường và các ban, ngành, đoàn thể ở Quỳ Châu về công tác chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Hiện nay tất cả các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể ở Quỳ Châu đều nhận hỗ trợ, đỡ đầu một đến hai trường khó khăn.

Tiêu biểu như Ban CHQS Quỳ Châu, từ số tiền tiết kiệm học tập làm theo Bác, cơ quan quân sự huyện đã nhận hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn Trường Tiểu học Châu Hạnh 1 và Trường Tiểu học xã Châu Thắng. Mỗi năm Ban CHQS huyện hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn hai trường này các phần quà như sách, vở, quần áo… trị giá hàng chục triệu đồng.

Thông qua những việc làm của các thầy cô giáo và các ban, ngành, đoàn thể ở Quỳ Châu thực sự là điển hình, tấm gương tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Những việc làm tuy nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa của các thầy cô giáo nơi đây xứng đáng là những tấm gương sáng để mỗi chúng ta noi theo và càng có ý nghĩa hơn trong lúc ngành giáo dục nước ta đang thực hiện Cuộc vận động “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Phùng Ngọc Thăng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.