Bphone học được gì từ các vụ “nổ” trước của Bkav?

SmartHome, Btalk hay cả WhiteHat đều từng là những vụ “nổ” của Bkav. Giờ Bphone nên học gì từ đó khi được đánh bóng là smartphone cao cấp thương hiệu Việt đẳng cấp thế giới?

Bphone học được gì từ các vụ “nổ” trước của Bkav?

Bkav không còn gắn liền tên tuổi với phần mềm diệt virus mà thời gian gần đây đã tham gia vào những mảng thị trường nóng hơn như ứng dụng nhắn tin gọi điện miễn phí (OTT), nhà thông minh hay sắp tới đây là điện thoại.

Mỗi lần tung ra sản phẩm mới như vậy, Bkav đều có những tuyên bố tự tin đến mức gây sốc, hay như cư dân mạng gọi là “nổ”.

Trong mảng OTT, ứng dụng Btalk được Bkav trao cho sứ mệnh thay thế Viber và các ứng dụng nhắn tin gọi điện miễn phí thông dụng khác ở Việt Nam.

Với hệ thống nhà thông minh, Bkav SmartHome liên tục khẳng định mình là đơn vị hàng đầu, tân tiến nhất với công nghệ vượt trội. Còn khi diễn đàn WhiteHat được mở ra, Bkav cũng thể hiện mong muốn tập hợp và mở rộng cộng đồng hacker “mũ trắng” để tăng cường an ninh mạng quốc gia.

Tuy nhiên, sau mỗi lần “nổ” to ban đầu như vậy thì sản phẩm Bkav đều trở thành “bom xịt” theo nhiều cấp độ thất vọng khác nhau, nhiều hình thái khác nhau.

Thực tế đó mang lại những nghi ngại nhất định đối với Bphone hiện tại, chiếc smartphone cao cấp thương hiệu Việt được Btalk đánh bóng trở thành điện thoại đẹp nhất thế giới và gần như sẵn sàng cạnh tranh trực tiếp với iPhone 6.

Có những bài học, vệt xe đổ nhãn tiền mà Bphone cần nhận biết để không trở thành một cú “xịt” nữa của Bkav.

Bài học Btalk

Sau hơn một năm “tham chiến”, có thể thấy Btalk đang bế tắc. Hơn 50.000 lượt tải Btalk trên kho Google Play (Android) không đến nỗi ít nhưng còn thua xa Zalo hay Viber, và có thể thấy phần đông trong số những người từng dùng Btalk là vì cú “nổ” tung trời ban đầu.

Hiện nay Btalk vẫn chưa thể phát triển sang nền tảng iOS, trong khi Btalk trên nền Android thường xuyên phải nhận than phiền về tình trạng “crash” hoặc đồng bộ danh bạ.

Nói về cảm nhận thì dường như Btalk là một trường hợp “sinh non” của Bkav khi có quá nhiều lỗi, mặc dù về cơ bản ứng dụng này đã đầy đủ các các chức năng OTT, thậm chí còn hỗ trợ nhắn tin và gọi điện thông thường rất nhanh.

Bkav vội vàng trong cả việc tách ra thêm ứng dụng con đi kèm Bmessage, chẳng để làm gì ngoài việc để cho giống Facebook có thêm Facebook Messenger.

Vì vậy, điều mà nhóm phát triển Bphone có thể rút ra từ chính Btalk là “bề ngoài” đánh đồng đẳng cấp cộng thêm những lời tâng bốc ban đầu không đồng nghĩa với thành công. Những hé lộ về Bphone đều hứa hẹn chiếc điện thoại này sẽ có thiết kế đẹp thật, nhưng sự chuyên nghiệp và chuẩn mực trong mọi chi tiết mới quyết định đến sự đón nhận của người dùng đối với sản phẩm.

Bài học SmartHome

Người ta chưa thể có kết luận rằng Bkav SmartHome thành công hay thất bại, vì nhà thông minh là một lĩnh vực còn quá mới mẻ. Điều dễ nhận thấy là Bkav nhắm tới thị trường cao cấp, với thiết bị thiết kế sang trọng, nhôm nguyên khối, đầu tư mặt kính Gorilla Glass… Và thực ra với mức giá được đánh giá là cao như hiện nay thì Bkav SmartHome cũng chỉ mới phù hợp với thị trường cao cấp.

Nơi Bkav SmartHome được triển khai nhiều nhất là các khu đô thị hạng nhất như Phú Mỹ Hưng, Royal City hay Ecopark, trong các chương trình hợp tác bán kèm căn hộ, biệt thự. Trong khi đó, các gian hàng Bkav SmartHome nhìn chung vẫn vắng vẻ và đìu hiu. Nếu Bkav SmartHome bán chạy, chắc hẳn Bkav sẽ còn “nổ” to hơn nữa.

Dù sao trong chuyên ngành nhà thông minh “trẻ trung”, Bkav vẫn chưa có đối thủ cạnh tranh và có thể vạch chiến lược riêng cho kế hoạch phía trước. Nhưng sẽ nguy nếu Bphone tiếp cận thị trường theo hướng của SmartHome.

Một mức giá chỉ cần hơi “quá đà” một chút, theo dự đoán là khoảng 13 triệu đồng, nhiều khả năng sẽ đẩy người dùng về với những tên tuổi lớn sẵn có như iPhone 6 hay Galaxy S6…

Bài học WhiteHat

Đối với WhiteHat thì khó khăn dễ thấy nhất của diễn đàn an ninh mạng này chỉ là quá chuyên ngành, vì thế mà không đông vui được như kỳ vọng. WhiteHat hiện nay chỉ thu hút được khoảng hơn 25.000 người đăng ký thành viên, mặc dù cũng không có tiêu chuẩn so sánh chính xác cho một diễn đàn hacker “mũ trắng”.

Giả sử WhiteHat có những chuyên mục trao đổi cách bảo vệ máy tính, điện thoại thông thông thường hơn, gần gũi hơn, đồng thời được chăm chút hơn một chút, ít nhất là được như Bkav Forum, thì có thể cộng đồng hacker “mũ trắng” này đã đông hơn nhiều.

Điều Bphone rút ra được từ câu chuyện WhiteHat có lẽ trước hết là quá trình chăm sóc sản phẩm sau khi xuất xưởng cũng quan trọng không kém, bằng phụ kiện và có thể bằng nhiều cách khác nữa…

Theo ITC News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ