Tự xây dựng phần mềm Tiếng Việt
Tại Hội thi “Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ XII” năm 2012 - 2013 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, đề tài "Phần mềm Từ điển tiếng Việt, đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa" trực tuyến của nhóm tác giả Trường THCS xã An Vũ vinh dự đoạt giải Nhất. Giải thưởng này đánh dấu một thành công lớn của ngành giáo dục tỉnh Thái Bình và cả nước.
Chủ nhiệm đề tài, cô giáo Mai Thị Bích Nguyện - Hiệu trưởng - cho biết: Đề tài được khởi sự từ năm 2012. Động lực để thực hiện đề tài này là qua thực tế tiếp xúc, trải nghiệm giáo dục, tôi thấy một vấn đề bất cập là học sinh dùng từ không rõ nghĩa, diễn đạt không đúng văn cảnh giao tiếp làm người nghe không hiểu ý diễn đạt.
Thực tế này xuất phát từ việc học sinh ít vốn từ ngữ; quá trình giảng dạy của giáo viên ít chú tâm rèn giũa kỹ năng ngôn ngữ, vốn từ cho học sinh; hoặc học sinh có từ điển nhưng do những cuốn từ điển hiện hành tra cứu không tiện ích, cồng kềnh, phức tạp. Hoặc do kinh tế khó khăn, học sinh không mua được cuốn từ điển ưng ý.
Cô Nguyện cho biết thêm: Phần mềm “Từ điển tiếng Việt, đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa” với khoảng 24.000 từ sử dụng bộ mã nguồn mở cho phép xử lý dữ liệu, quá trình trao đổi thông tin giữa máy chủ và máy trạm nhanh chóng.
Phần mềm này cho phép tra cứu những từ cần tìm hiểu nghĩa, các từ đồng âm, từ đồng nghĩa, gần nghĩa hoặc từ trái nghĩa với từ cần tra cứu. Lý thú và cuốn hút học sinh ở chỗ, ngoài phần định nghĩa từ, phần ví dụ minh họa đi kèm còn giúp người sử dụng dễ hiểu, dễ nhớ.
Nhận thấy phần mềm “Từ điển tiếng Việt, đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa” của cô giáo Nguyện rất bổ ích, lý thú, nên đến nay 100% giáo viên, học sinh trường THCS An Vũ đã tìm đến phần mềm này để phụ trợ công tác giảng dạy, học tập. Không ít phụ huynh ở vùng trũng An Vũ cũng đã sử dụng thành thạo phần mềm này, áp dụng vào dạy học cho con em mình.
Theo cô Nguyện, thành công lớn nhất của phần mềm tiếng Việt là đã được đông đảo giáo viên, học sinh, phụ huynh đón nhận sử dụng.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, chuyên ngành Ngữ văn, nhưng cô Nguyện lại có niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Không chỉ dừng lại ở đó, cô Nguyện đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung nhiều từ mới vào phần mềm này. Ngoài ra, cô Nguyện và cộng sự đang ấp ủ, nghiên cứu thực hiện 2 đề tài khác nữa, cũng nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.
Giỏi việc nước, đảm việc nhà
Nếu tính về thâm niên công tác, giảng dạy thì đến nay, tuổi nghề của cô Nguyện đã 20 năm có lẻ. Trước lúc đặt chân đến vùng trũng nghèo An Vũ, cô Nguyện đã từng cống hiến 15 năm giảng dạy ở trường THCS An Bài (huyện Quỳnh Phụ).
Mới đó thôi nhưng ở “đất mới” An Vũ, năm nay đã là năm thứ 6 cô công tác, giảng dạy và đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng của ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia.
Cô Nguyện cho biết: An Vũ là một vùng trũng nghèo của Quỳnh Phụ, cây lúa, củ khoai vẫn là kinh tế chính của người dân nơi đây. Học sinh theo học ở trường THCS An Vũ đa phần có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên sự học của nhiều em có nguy cơ “đứt gánh” giữa chừng.
Một thực tế không phủ nhận được là những gia đình khá giả hơn đã chuyển con em đến những ngôi trường khác theo học, bởi phụ huynh sợ trường mình chất lượng không tốt bằng trường khác.
Xuất phát từ thực tế đó, cô Nguyện và đội ngũ giáo viên trong trường đã cùng nhau “vực” dậy thành tích của trường. Quyết tâm của thầy cô trường THCS An Vũ đã được đền đáp.
Nhiều năm trở lại đây, trường THCS An Vũ trở thành điểm sáng của ngành giáo dục huyện Quỳnh Phụ; lượng học sinh giỏi của trường từ xếp thứ 37, 38 nay đã xếp thứ 10 trong huyện. Hiện trường THCS An Vũ có 11 lớp với hơn 300 học sinh.
Trong câu chuyện với nhiều học trò của trường, chúng tôi được biết, bản thân cô Nguyện đã thực hiện những chuyến thực tế về gia đình học sinh để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của học sinh, vận động học sinh tới lớp, tới trường.
Cô Nguyện kể: “Kỷ niệm không thể nào quên là lần về nhà một học sinh nghèo, nhìn thấy học trò trước mâm cơm đạm bạc, tôi đã ứa nước mắt và hiểu lý do vì sao học trò này lại nhiều lần nghỉ học, dù giấy xin phép vẫn đều đặn từng ngày với lý do là ốm”. Sau đó, để hỗ trợ kinh phí cho học sinh này tới trường, cô Nguyện đã trích lương hàng tháng để giúp em.
Sau đó, cô Nguyện đã vận động các thầy cô giáo trong trường đóng góp, thành lập quỹ hỗ trợ học sinh nghèo của trường, tạo thêm động lực cho học sinh an tâm theo đuổi con chữ.
Đề xuất của cô Nguyện được đông đảo giáo viên trong trường ủng hộ nhiệt tình. Nhiều học sinh nghèo cảm động trước tấm lòng của các thầy giáo, cô giáo trong trường, đã nỗ lực học tập, nhờ vậy tỷ lệ học sinh nghèo vượt khó của trường THCS An Vũ tăng lên từng năm.
Tiếp xúc với nhiều giáo viên trong trường, chúng tôi được biết, cô Nguyện còn thực hiện nhiều chuyên đề cho toàn ngành học tập, trong 5 năm qua, cô Nguyện đã xây dựng 5 chuyên đề cấp huyện, tỉnh; cố vấn nhiều chương trình, cuộc thi nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, kỹ năng mềm cho học sinh….
Đặc biệt hơn, thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong 3 năm từ 2011 - 2013, cô Nguyện luôn được bình bầu là điển hình tiên tiến của huyện Quỳnh Phụ, ngành giáo dục tỉnh Thái Bình.
Nhiều năm qua, cô Nguyện vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh Thái Bình… vì đã có những đóng góp tích cực, những sáng tạo xuất sắc trong ngành giáo dục.
Chồng là chiến sĩ quân đội thường xuyên xa nhà, bao nhiêu vất vả, lo toan cuộc sống gia đình đều do một mình cô Nguyện gánh vác. Ở vị trí người mẹ, người vợ, người giáo viên, cô Nguyện đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Lý do, động lực để cô thành công, đó là "bản thân phải làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ và nhiệm vụ xã hội giao phó, để tạo nên một hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm công tác, phục vụ Tổ quốc, nhân dân”.