Bóng đá Việt Nam nguy cơ đổ vỡ dây chuyền

GD&TĐ - Sau thất bại của đội tuyển quốc gia ở AFF Cup 2020, bóng đá Việt Nam lại đối mặt thử thách lớn trong cuộc chiến bảo vệ tấm Huy chương Vàng SEA Games.

Thanawat Suengchitthawon của Thái Lan hiện thuộc quân số của câu lạc bộ Leicester (Ngoại hạng Anh).
Thanawat Suengchitthawon của Thái Lan hiện thuộc quân số của câu lạc bộ Leicester (Ngoại hạng Anh).

Đã có khoảng trống rất lớn về chuyên môn xuất hiện giữa đội tuyển quốc gia và lứa U22.

Cú sốc từ “vùng trũng”

Đội tuyển Việt Nam đang trong cuộc “phiêu lưu” ở vòng loại thứ 3 World Cup 2002 đã phải dừng cuộc chơi ở bán kết giải đấu ao làng AFF Cup 2020, sân chơi còn không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA. Vậy nên, cho dù đưa ra bất cứ lý do nào, thành tích từ nhà vô địch xuống vị trí đồng hạng Ba vẫn là thất bại cay đắng, nhất là thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo được đánh giá rất cao, sở hữu đội hình đồng đều, nhiều cầu thủ ngôi sao đang được một số đội bóng nước ngoài săn đón.

Theo lịch thi đấu của SEA Games 31 đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành, đội tuyển U22 Việt Nam sẽ tham dự SEA Games 31 từ ngày 6/5 đến ngày 22/5. Vòng bảng, đội tuyển U22 Việt Nam sẽ đá trên sân Việt Trì (Phú Thọ) hoặc Thiên Trường (Nam Định), từ bán kết sẽ thi đấu trên sân Mỹ Đình.

Có thể xem thất bại của đội tuyển quốc gia ở AFF Cup 2020 là một trận đấu đơn lẻ. Để đánh giá thành công, có nhiều yếu tố quyết định, trong đó có vấn đề thời gian và ở nhiều góc độ. Nhưng trong cả giải đấu thì sao? Đội tuyển Việt Nam đến Singapore với vị thế nhà vô địch đã cho thấy giới hạn. Hay đúng hơn, đội tuyển quốc gia nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung đã “chạm trần” về chuyên môn. Bóng đá luôn vận động! Nếu bạn dậm chân tại chỗ cũng đồng nghĩa sự tụt hậu.

3 năm qua, bóng đá Việt Nam đã thống trị Đông Nam Á với 2 danh hiệu lớn nhất là chức vô địch AFF Cup 2018 và Huy chương Vàng bóng đá nam SEA Games 2019. Nó mang tới cảm giác rằng chúng ta đang ở trên đỉnh và tất cả chỉ là sự khởi đầu. Đánh giá một chiều, có phần quá “ưu ái”, hay đúng hơn là mục đích kiếm view của truyền thông nhằm thỏa mãn mục tiêu cá nhân nào đó càng khiến mọi thứ trở nên nguy hiểm.

Sau AFF Cup 2020, chúng ta chắc chắn không dám nhận danh xưng số 1 Đông Nam Á. Để bước lên ngôi Vương “vùng trũng” một lần nữa không phải là mục tiêu dễ dàng cho chiến lược gia người Hàn, và các học trò, cho dù ông tuyên bố sẽ “buông bỏ” đội U23 Việt Nam sau SEA Games 31.

Vấn đề then chốt nằm ở yếu tố con người và chiến lược phát triển. Hãy để ý danh sách 30 cầu thủ mà huấn luyện Park Hang Seo đăng ký tham dự AFF Cup 2020. Chúng ta chỉ có vỏn vẹn 6 cầu thủ thuộc lứa U23 là: Thanh Bình, Việt Anh, Văn Xuân, Hoàng Anh, Văn Chuẩn và Văn Đạt. Trong đó, chỉ có Văn Xuân ra sân ở những phút cuối trận lượt về bán kết, những cầu thủ còn lại đều không có cơ hội, thậm chí không được đăng ký ở các trận đấu. Tất nhiên, với áp lực thành tích, sự thận trọng của ông Park là điều dễ hiểu. Nhưng nó cho thấy vấn đề không mới của bóng đá Việt Nam, khoảng trống kế cận.

Trong góc nhìn khác, ông Park cũng không thể đòi hỏi nhiều hơn nữa từ bóng đá Việt Nam. Những gì tốt nhất, đẹp nhất đã nằm trong tay ông trong hơn 3 năm qua, điều đó góp phần mang đến vô số thành tích rực rỡ cho bóng đá Việt Nam và bản thân ông thầy người Hàn. Nhưng nhìn lại hành trình đã qua, ông Park cũng không khác những người tiền nhiệm, quen giành lấy những gì tốt nhất từ cơ sở, vắt kiệt sức họ trong tất cả các cuộc chiến, trong khi đáng ra ông phải nhọc công tìm tòi, tôi luyện những phương án thay thế chất lượng. Mâu thuẫn ngầm, nổi sóng về sử dụng cầu thủ giữa câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia đã xảy ra.

Những Thanh Bình, Việt Anh, Văn Xuân, Hoàng Anh… không được chuẩn bị kỹ càng để trưởng thành trước đó thì chắc chắn ông Park không thể sử dụng họ ở AFF Cup 2020, điều đó chẳng khác nào “tự sát”, hay đem dê đến cho bầy sói.

Bên cạnh vấn đề bóng đá Việt Nam không thể một sớm, một chiều có được lứa cầu thủ tốt như đội hình chinh chiến ở Thường Châu (2018), câu chuyện về sự “bảo thủ, trì trệ”, ngại đổi mới của chiến lược gia người Hàn cũng đã được nhiều chuyên gia lên tiếng. Những con người cũ, căng sức cho nhiều mặt trận cùng lối chơi quen thuộc đã bị bắt bài và hệ quả tất yếu, chúng ta trở thành cựu vương ở AFF Cup 2020.

Từ đó, thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2020 lại mang đến một nỗi lo khác. Không phải câu chuyện của sự thất vọng vì đánh mất ngôi vương mà âu lo khi nhìn về tương lai, ở một khoảng thời gian rất gần, SEA Games 31 diễn ra vào tháng 5/2022 tại Hà Nội.

Asnawi Mangkualam (giữa), một trong những trụ cột không thể thiếu của đội tuyển Indonesia.

Asnawi Mangkualam (giữa), một trong những trụ cột không thể thiếu của đội tuyển Indonesia.

Trông người lại ngẫm đến ta!

Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021, đội tuyển U23 Việt Nam tham dự vòng loại U23 châu Á và dù giành vé vào vòng chung kết nhưng màn trình diễn của thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo không cho thấy sự thuyết phục.

Trước Đài Loan (Trung Quốc), U23 Việt Nam phải nhờ bàn thắng của hậu vệ Văn Xuân phút 81 mới có thể giành chiến thắng. Cả trận đấu, các học trò của ông Park đã chơi bế tắc và không để lại nhiều dấu ấn. Ngay cả những phút cuối trận khi chơi hơn người, U23 Việt Nam cũng không tạo ra được thế trận sáng hơn.

Trong trận đấu quyết định, U23 Việt Nam đã đánh bại U23 Myanmar bằng bàn thắng duy nhất của tiền đạo Hồ Thanh Minh ở phút thứ 59. So với trận thắng 1-0 trước U23 Đài Loan, chiến thắng lần này của thầy trò huấn luyện viên Park Hang seo vẫn chưa thực sự mang lại những tín hiệu lạc quan.

Thậm chí, những sự lo lắng còn tăng lên khi các cầu thủ Việt Nam trong hiệp 1 trình diễn một lối chơi tương đối rắn. Điều khiến người ta lo lắng chính là ông Park đang không có những cầu thủ tốt nhất để hướng đến những mục tiêu lớn hơn.

U22 Việt Nam, có thể là đội U22+ sẽ gánh trọng trách bảo vệ tấm Huy chương Vàng tại SEA Games 31 diễn ra vào tháng 5/2022, sau đó sẽ là tham gia vòng chung kết U23 châu Á 2022 diễn ra vào tháng 6/2022. Quan trọng hơn, đây là thế hệ sẽ bổ sung nhân sự lớn cho đội tuyển quốc gia trong một vài năm tới.

Về mặt lý thuyết, lứa cầu thủ này sẽ lĩnh xướng nhiệm vụ làm nòng cốt của tuyển Việt Nam chinh phục tấm vé dự World Cup 2026, hoặc 2039. Thế nhưng, đây lại là thế hệ được đánh giá thấp hơn rất nhiều so với lứa U23 trước đây, hiện đang nắm giữ các vị trí trụ cột ở đội tuyển tham dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022, thua cả 6 trận.

Lê Văn Xuân (bên phải) là cầu thủ duy nhất của lứa U23 được ra sân ở AFF Cup 2020.

Lê Văn Xuân (bên phải) là cầu thủ duy nhất của lứa U23 được ra sân ở AFF Cup 2020.

Trong hợp đồng mới của huấn luyện viên Park Hang Seo có sự điều chỉnh ông sẽ không dẫn dắt đội U23 nữa nhưng sẽ chỉ chính thức bắt đầu từ sau SEA Games 31. Do vậy, sau khi kết thúc các trận vòng loại World Cup 2022, ông sẽ tiếp tục công việc của mình với hai tháng để chuẩn bị cho U22 Việt Nam trước SEA Games. Tuy nhiên khi chính ông Park đã từng nói về chuyện chất lượng cầu thủ trẻ hiện tại của bóng đá Việt Nam chưa đáp ứng được để phục vụ cho đội tuyển quốc gia đó chính là nỗi lo.

Tiếng là đương kim vô địch nhưng thực chất thành phần vô địch ba năm trước tại Manila (SEA Games 30) chỉ còn thủ môn Văn Toản. Cũng ba năm trước, thành phần dự SEA Games có hơn nửa đội hình của đội tuyển quốc gia nhưng SEA Games 31 trên sân nhà thì có nhiều cầu thủ còn không có suất đá V-League ở câu lạc bộ. Dù ông thầy người Hàn đã đăng ký 6 cầu thủ U23 tại AFF Cup 2020 thì cơ hội thi đấu của họ chỉ là con số 0. Mà phải nhấn mạnh rằng, đó là những cái tên sáng giá nhất của đội trẻ Việt Nam lúc này.

Điều đáng lo ngại giờ đây không chỉ là chuyện tụt hậu so với Thái Lan, Indonesia hay Malaysia mà có khi còn là cả Lào, Campuchia.

Hãy cùng để ý tới Indonesia. Cuộc cách mạng của HLV Shin Tae-yong đã tạo ra sự khác biệt lớn cho đội bóng này. Càng đáng chú ý hơn khi Indonesia mang tới AFF Cup 2020 đội hình có tới 12 cầu thủ từ độ tuổi 22 trở xuống. Thậm chí, nhiều cầu thủ trong số đó đang là trụ cột của đội bóng xứ vạn đảo như Witan Sulaeman, Egy Maulana, Pratama Arhan, Asnawi Mangkualam, Alfeandra Dewangga hay Elkan Baggott… Đặc biệt, đội trưởng Asnawi tại AFF Cup chỉ mới 20 tuổi và được xem là của để dành cho cả SEA Games 32 nữa.

Thái Lan cũng tạo cơ hội ra sân cho nhiều cầu thủ trẻ tại AFF Cup 2020, trong đó có trung vệ Kritsada Kaman và tiền vệ Thanawat Suengchitthawon thường xuyên đá chính. Nếu không chịu áp lực danh hiệu, lật đổ sự thống trị của đội tuyển Việt Nam, huấn luyện viên Polking có thể còn sử dụng đội hình trẻ hơn thế tại Singapore.

Thái Lan theo truyền thống luôn không bao giờ thiếu tài năng, giờ đây họ còn khai thác mạnh mẽ nguồn lực Thái kiều. Đội hình đến Việt Nam vào tháng 5 tới của người Thái dự kiến có khoảng 4 - 6 gương mặt trẻ đang thi đấu ở châu Âu, tất nhiên ở các giải đấu hạng thấp.

Malaysia mang đến AFF Cup 5 cầu thủ U23 và trong số này, Arif Aiman Hanapi (19 tuổi), Luqman Hakim Shamsudin (19 tuổi), Akhyar Rashid (22 tuổi) đã chiếm được vị trí chính thức trong đội hình. Ngoài ra, người Mã còn có một lực lượng rất trẻ tuổi đôi mươi thi đấu rất ấn tượng tại vòng loại U23 châu Á ở Mông Cổ vào cuối tháng 10/2021.

Myanmar cũng thế, họ sẽ dự SEA Games với chín cầu thủ mới dự AFF Cup trong độ tuổi U23 và đều là những trụ cột trên đội tuyển. Tiềm năng nhất là Campuchia đã tính xa cho SEA Games 32-2023 tổ chức tại Phnom Penh nên AFF Cup vừa qua đã đưa thành phần U23, trong đó có 15 cầu thủ vẫn đủ tuổi đá SEA Games 2022.

Tựu chung, những gì huấn luyện viên Park Hang Seo có được cùng bóng đá Việt Nam trong 3 năm qua gói gọn trong một nhóm cầu thủ tài năng với nòng cốt là lứa đã giành vé dự Vòng chung kết U20 thế giới 2017 và thế hệ giành ngôi Á quân U23 châu Á 2018. Nó chỉ mang tính thời điểm chứ không phải sự tiến bộ bền vững. Nếu vậy thì thành công cũng chỉ mang tính chu kì mà thôi...

Đây là điều đáng báo động!

Ở kỳ SEA Games được tổ chức ở Philippines năm 2019, độ tuổi môn bóng đá nam tham dự đại hội là U22+2. Ngoài lứa cầu thủ trong độ tuổi 22, các đội được phép sử dụng 2 cầu thủ ngoài 22. Việc SEA Games 31 chuyển sang năm 2022 sẽ đặt ra bài toán cho ban tổ chức cân nhắc lựa chọn môn bóng đá nam dành cho lứa U22+2 hoặc U23+3 tham dự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ