Bồi dưỡng nhân lực, củng cố vật lực đón năm học mới

GD&TĐ - Dù chưa có kế hoạch thời gian năm học, nhưng đến thời điểm này, các nhà trường, địa phương đã chủ động chuẩn bị điều kiện cho năm học 2022 - 2023.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Chuẩn bị tốt nhất trong điều kiện có thể

Từ 1/8, các thầy cô Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Kim Bon, huyện Phù Yên, Sơn La đã đến trường, chính thức chuẩn bị các công việc cho năm học mới. Thầy Hiệu trưởng Cầm Văn Thân cho biết, cùng với việc bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, thầy cô cũng rà soát cơ sở vật chất các điểm trường để có phương án tu sửa; vận động, tuyên truyền phụ huynh học sinh (HS) mua sách giáo khoa (SGK) phục vụ năm học mới.

Trường đã chuẩn bị đầy đủ phòng cho khoảng 80% HS ở bán trú; 20% còn lại, nhà trường kết hợp với phụ huynh hợp đồng với nhà dân xung quanh, bảo đảm các em có chỗ ở phù hợp.

Với đặc thù có 2 cấp tiểu học và THCS, việc chuẩn bị triển khai chương trình mới của nhà trường cũng nhiều công việc hơn. Thầy Cầm Văn Thân chia sẻ tin vui khi đã hoàn thiện phòng tin học với 30 máy tính. Về giáo viên (GV) dạy Tin học, Ngoại ngữ, trường chờ công tác luân chuyển của huyện, bảo đảm ít nhất có 1 GV mỗi môn học trước khi bắt đầu năm học mới.

Vì chỉ có điểm lẻ ở cấp tiểu học nên năm học tới, HS lớp 3 sẽ được chuyển hết về học tại trường trung tâm để các em được thụ hưởng điều kiện dạy học tốt nhất. Với lớp 7, mọi điều kiện đã sẵn sàng vì đã có thời gian chuẩn bị từ triển khai chương trình mới lớp 6.

“Trước năm học mới, chúng tôi mong muốn được quan tâm, đầu tư thêm để tu sửa cơ sở phòng học, mua sắm trang thiết bị dạy học, vì với đặc thù của trường, nguồn xã hội hóa hầu như không có. Thêm nữa, mong sẽ được bố trí sớm nhất đội ngũ GV Tin học, Ngoại ngữ để sẵn sàng triển khai chương trình mới với lớp 3 tới đây” - thầy Cầm Văn Thân mong mỏi.

Công tác chuẩn bị được tính toán, sắp xếp theo hướng tốt nhất trong điều kiện đang có, nhưng khó khăn của Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Kim Bon cũng còn nhiều. Với đặc thù 100% HS dân tộc, khó khăn đầu tiên là huy động HS để bảo đảm tỷ lệ ra lớp cao nhất. Cùng với đó, cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn, đặc biệt các điểm trường lẻ đã xuống cấp; trang thiết bị dạy học phục vụ cho Chương trình GDPT 2018 cũng chưa đáp ứng đầy đủ...

Thông tin từ thầy Nguyễn Bá Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Long (Bắc Ninh), từ đầu tháng 8, nhà trường tập trung GV theo nhóm môn, kiểm tra, rà soát lại trang thiết bị đồ dùng dạy học bộ môn, để bảo dưỡng kịp thời nếu hỏng hóc. Về cơ sở vật chất, vì đã tiến hành tu sửa từ năm học trước nên hiện nay mọi thứ đã sẵn sàng cho năm học mới. Năm học 2022 - 2023, tổ hợp môn học không có môn Âm nhạc, Mỹ thuật, nhưng nhà trường vẫn báo cáo Sở GD&ĐT để trang bị cơ sở vật chất, đội ngũ sẵn sàng cho năm tiếp theo.

Sáng 2/8, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Kim Bon tập huấn chuyên môn hè 2022 chuẩn bị năm học mới.

Sáng 2/8, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Kim Bon tập huấn chuyên môn hè 2022 chuẩn bị năm học mới.

Cần toàn xã hội vào cuộc, hỗ trợ công cuộc đổi mới

Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết: Chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, địa phương đã hoàn tất công tác lựa chọn SGK theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Đội ngũ cán bộ quản lý, GV đang được bồi dưỡng và hiện đã hoàn thành 6 mô-đun; còn lại 3 mô-đun thời gian tới sẽ hoàn thành, bảo đảm đội ngũ đáp ứng yêu cầu dạy học theo Chương trình GDPT 2018.

Về cơ sở vật chất, thực hiện Quyết định 877 của UBND tỉnh, các điểm trường lẻ đã sáp nhập dần, tạo thuận lợi cho triển khai chương trình mới. Trang thiết bị dạy học còn khó khăn, nên tinh thần là kế thừa những thiết bị cũ và bổ sung thiết bị tối thiểu, cần thiết nhất để triển khai Chương trình GDPT 2018…

Về khó khăn, chia sẻ của ông Đỗ Tường Hiệp, Đắk Lắk thuộc miền núi, địa bàn rộng; có nhiều điểm trường lẻ ở cấp mầm non, tiểu học. Các trường vùng thuận lợi cơ sở vật chất đáp ứng phần tối thiểu; nhưng trường vùng sâu, vùng xa thì còn nhiều khó khăn, đặc biệt thiết bị dạy học chỉ đáp ứng được một phần để triển khai chương trình mới. Với GV, địa phương đã bảo đảm được đội ngũ dạy ở tiểu học; còn GV dạy môn tích hợp, môn Âm nhạc ở THPT cần phải có sự chuẩn bị tiếp theo. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương, đặc biệt là vùng khó.

“Ngành Giáo dục sẽ tích cực tham mưu UBND tỉnh để có chủ trương đầu tư cơ sở vật chất; tăng cường xã hội hóa, đặc biệt trong kiểm định chất lượng và công nhận trường chuẩn quốc gia để huy động các nguồn lực cho cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ, tạo điều kiện thuận lợi để thầy cô biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng, đáp ứng tốt nhất khi triển khai chương trình mới. Đẩy mạnh truyền thông để mọi người hiểu đổi mới chương trình, SGK là cần thiết, quan trọng nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức, cần sự vào cuộc của toàn xã hội để hỗ trợ cho công cuộc đổi mới này.

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần thúc đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục gắn với đổi mới quản lý, dạy học, kiểm tra đánh giá… Phân cấp mạnh về quản lý, nêu cao tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục…” - ông Đỗ Tường Hiệp chia sẻ.

Cùng với nỗ lực của địa phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk mong muốn Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ bổ sung chỉ tiêu biên chế sự nghiệp GD-ĐT còn thiếu; bổ sung biên chế GV Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật để bảo đảm số lượng GV thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Bộ GD&ĐT tiếp tục tham mưu Chính phủ để triển khai Chương trình kiên cố hóa trường học, nhà công vụ GV giai đoạn 2021 - 2025. Với UBND tỉnh Đắk Lắk, mong tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình mới và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch.

“Điều lo lắng nhất là những vấn đề phát sinh khi năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 10, lại thêm việc thay đổi với môn Lịch sử. Nhưng khó khăn ban đầu là không thể tránh khỏi. Tôi tin với sự quan tâm của các cấp quản lý, nỗ lực của tập thể nhà trường, rào cản sẽ được tháo gỡ dần và mọi việc sẽ ngày càng tốt lên” - thầy Nguyễn Bá Khương cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ