Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT và ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT chủ trì hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của 500 đại biểu là của lãnh đạo các phòng, ban thuộc Sở GD&ĐT; lãnh đạo Phòng GD&ĐT; Hiệu trưởng các trường Tiểu học - THCS, THPT, trường Trung học nhiều cấp học, Giám đốc các Trung tâm GDTX, Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.
Kết quả thực hiện năm học 2022 - 2023, tỉnh Tiền Giang triển khai có hiệu quả việc tổ chức dạy học Chương trình GDPT 2018 cho các lớp 6, 7, 10 bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được từng bước bổ sung tăng cường, đáp ứng nhu cầu học tập và hoạt động của ngành, các điều kiện đáp ứng cho việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 ngày càng được hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Cán bộ quản lý và giáo dục đã tích cực trong việc thay đổi nhận thức, hành động, đáp ứng Chương trình GDPT 2018, luôn cố gắng trong việc tiếp cận nội dung, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, tích cực học tập về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng tốt chuẩn đào tạo theo quy định hiện hành.
Hoạt động của tổ chuyên môn được các trường quan tâm chỉ đạo, việc sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học đã từng bước đi vào thực chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Trung học.
Toàn tỉnh có 37 giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn bậc THCS là 2,05%, bậc THPT là 18,15%, đủ điều kiện để thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu tại hội nghị. |
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024 kết hợp cả 2 kỳ tuyển sinh lớp 10 đại trà và lớp 10 chuyên làm gọn nhẹ kỳ thi tuyển sinh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Có 17.740/20.441 thí sinh trúng tuyển (đạt tỷ lệ 86,79%).
Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tỉnh Tiền Giang xếp thứ 13/63 tỉnh, thành trong cả nước. Xếp thứ 2/13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng môn Ngữ văn xếp thứ 6, môn Toán xếp thứ 11 trên cả nước.
Tỉnh còn một số khó khăn như Tài liệu Giáo dục địa phương còn chậm tiến độ; còn gần 14% học sinh tốt nghiệp THCS bên ngoài xã hội; thiếu giáo viên chuyên môn Mỹ Thuật, Âm nhạc bậc THPT; điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ ở một số trường THPT không thể cho học sinh lựa chọn môn theo sở thích; tổ chức hoạt động trải nghiệm còn gặp nhiều khó khăn…
Phát biểu tại hội nghị, Phó GĐ Sở GD&ĐT Nguyễn Phương Toàn lưu ý vai trò của hiệu trưởng nhà trường trong các hoạt động như: tổ chức, xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Theo khung kế hoạch thời gian năm học do Bộ GD&ĐT quy định, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn về kế hoạch, thời gian thực hiện nhiệm vụ năm học để các trường lên kế hoạch. Sắp tới, Sở GD&ĐT sẽ họp chuyên môn để phân tích chất lượng từng cơ sở giáo dục; các trường có thành tích cao sẽ chia sẻ kinh nghiệm.
Sở GD&ĐT Tiền Giang đã ký kết với Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh triển khai bồi dưỡng cho 356 giáo viên dạy Lịch sử - Địa lý và 744 giáo viên dạy môn KHTN bậc THCS.
Tỉnh Tiền Giang có 172/172 phường xã đạt chuẩn Phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và 3; 11/11 huyện, thành, thị đạt chuẩn Phổ cập THCS mức độ 2. Tỉnh đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2. Hoàn thành công tác Phổ cập giáo dục THCS và xóa mù chữ bền vững. 100% cơ sở giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, quản trị nhà trường…