Bồi đắp tâm hồn, đẩy lùi bạo lực

GD&TĐ - Làm sao để phòng, chống bạo lực học đường? Cách nào giúp con trẻ giải quyết những khúc mắc với bạn bè bằng sự ôn hòa, thiện chí?... Giải quyết được những câu hỏi này sẽ góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho trẻ phía sau cổng trường học.

Học sinh THPT Nguyễn Du tham gia chuyên đề về sử dụng mạng xã hội thông minh.
Học sinh THPT Nguyễn Du tham gia chuyên đề về sử dụng mạng xã hội thông minh.

Ẩu đả vì muôn vàn lý do

Vào 11 giờ 30 phút ngày 17/9 tại cổng Trường THPT Hùng An (Bắc Quang, Hà Giang) có 2 nhóm học sinh ẩu đả. Trong lúc hỗn loạn, N.T. (SN 2003, là học sinh lớp 12, Trường THPT Hùng An) đã bất ngờ dùng 1 con dao bấm đâm trúng ngực nam sinh cùng trường sinh năm 2004.

Tại TP Vĩnh Long, sau giờ tan học, H.A dẫn xe ra khỏi nhà xe và va vào đuôi xe của bạn cùng trường tên H. Sau khi ra khỏi cổng trường được một đoạn, H.A bị một nam sinh khác - chở H - đuổi theo chặn đầu xe. Trong lúc A. định tăng ga bỏ chạy thì bị H. dùng dao đâm 1 nhát vào lưng. Dù bị đâm chảy rất nhiều máu nhưng A. vẫn tự chạy xe vào bệnh viện cấp cứu, còn H. về nhà. Sự việc đang được cơ quan công an điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Trước đó, năm học 2019 - 2020 cũng xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường khác ở một số địa phương trong cả nước. Không chỉ học sinh nam đánh nhau mà trên thực tế cũng có nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau.

Nhiều vụ ẩu đả bắt nguồn từ những lý do hết sức đơn giản: Nghĩ mình bị “nhìn đểu” nên chửi, đánh bạn; bị bạn bình luận trên trang cá nhân chê xấu nên hẹn nhau ra “nói chuyện” bằng nắm đấm; vì chuyện tình cảm tuổi học trò… Từ đánh nhau, cào cấu, giật tóc, xé quần áo… đến dùng hung khí như nón bảo hiểm, gậy, dao… để đánh bạn. Nhiều sự việc để lại hậu quả rất nặng nề về mặt thể chất cũng như tâm lý của các em học sinh. Thậm chí trước những sự việc vậy, nhiều học sinh còn vô tư lấy điện thoại ra quay rồi tung lên mạng xã hội.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM, bạo lực học đường được xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, do các em chưa được giáo dục đầy đủ về đạo đức, nhân cách, lối sống và chưa có đủ kỹ năng để ứng phó, giải quyết các tình huống xảy ra hằng ngày. Nhiều trường học, thầy cô đa phần tập trung vào dạy về kiến thức, chưa dành nhiều thời gian để dạy kỹ năng, tổ chức các hoạt động trải nghiệm ý nghĩa và nhiều trường học chưa coi trọng tư vấn tâm lý học đường.

Bên cạnh đó, một phần do gia đình chưa thực sự quan tâm đến con cái, không nắm bắt được tâm tư, tình cảm của con để tìm hiểu kĩ, kịp thời uốn nắn, giáo dục con. Cùng với đó, do sự thay đổi về tâm sinh lý lứa tuổi nên các em luôn muốn khẳng định mình, dễ dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát và thiếu kiềm chế bản thân. Từ những chuyện va chạm hằng ngày ở trường, trong cuộc sống, tưởng chừng đơn giản, có thể trao đổi, nói chuyện với nhau bằng sự thiện chí của bạn bè và vui vẻ, nhiều em có xem bạo lực là cách để giải quyết mọi mâu thuẫn, để khẳng định cái tôi. 

Song song với việc truyền thụ kiến thức, Trường THPT Nguyễn Du tổ chức nhiều chuyên đề về văn hóa Việt Nam cho học sinh. Ảnh minh họa: P.Nga
Song song với việc truyền thụ kiến thức, Trường THPT Nguyễn Du tổ chức nhiều chuyên đề về văn hóa Việt Nam cho học sinh. Ảnh minh họa: P.Nga 

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui

TS Phạm Thị Thuý là giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia (tại TPHCM); Đồng thời là chuyên viên tham vấn tâm lý. Theo TS Thuý, để phòng, chống bạo lực học đường cần có sự cộng hưởng từ phía nhà trường, gia đình, xã hội.

Nhà trường cần tổ chức nhiều các hoạt động chuyên đề dạy học sinh về kỹ năng sống. Cần có nhiều cuộc đối thoại giữa thầy cô với học sinh, học sinh với nhau. Gia đình cần quan tâm con cái nhiều hơn, nắm bắt tâm lý lứa tuổi, tâm tư của con trẻ, hiểu hơn về các mối quan hệ bạn bè của con. Để có thể làm một người bạn đồng hành, gợi ý cho con đưa ra những cách xử sự phù hợp.

Hãy trò chuyện với con cái nhiều hơn và hãy làm gương cho con nói không với bạo lực. Tự bản thân cha mẹ lựa chọn cách giải quyết các mâu thuẫn một cách có văn hóa, văn minh, bằng sự thiện chí để giáo dục trẻ. Bên cạnh đó,  cần đối xử với trẻ bằng tình yêu thương chứ không phải là sự khắt khe, dẫn đến độc đoán, gây ức chế cho trẻ.

Bên cạnh đó, TS Phạm Thí Thuý nhấn mạnh, “tư vấn tâm lý học đường được quan tâm hơn nữa ở các nhà trường. Đây là một trong những “nút thắt” rất quan trọng để giúp học trò vượt qua những áp lực trong học tập, lắng nghe như tâm sự  “điều chưa nói”, những tâm tư của học sinh và có cách hỗ trợ các em giải quyết sự việc phù hợp. Những người tham gia tư vấn tâm lý học đường phải là người có chuyên môn, được đào tạo bài bản chứ không nên kiêm nhiệm”.

Thầy Huỳnh Thanh Phú cũng chia sẻ, tại Trường THPT Nguyễn Du đã thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế bạo lực học đường trong trường học. Nhà trường tạo môi trường lành mạnh, thân thiện cho các em, tổ chức các buổi học tập chuyên đề; tổ chức đối thoại học đường với học sinh, phụ huynh, giáo viên, nhân viên... một cách công khai, dân chủ và toàn diện. Đặc biệt, những năm qua, trường tổ chức nhiều hoạt động mang tính giáo dục cao để cuốn hút học sinh, tạo sân chơi lành mạnh đẩy lùi tệ nạn xã hội. Tổ chức công tác nêu gương điển hình để tạo sự lan tỏa các tốt cái đẹp trong nhà trường.

Ở Trường THPT Nguyễn Du, thầy hiệu trưởng cũng chính là người phụ trách tư vấn nên các em thường tìm gặp thầy. Theo đó, sẽ không khó để liên hệ hoặc gặp trực tiếp để trò chuyện, trao đổi, phản ánh về bất cứ vấn đề gì với thầy hiệu trưởng và nhận được những lời tư vấn, lời khuyên hữu ích.

Đặc biệt, những năm qua, trường luôn ưu tiên tạo ra những sân chơi về kiến thức cũng như thể dục thể thao, những hoạt động võ thuật, đá bóng... thành lập những câu lạc bộ âm nhạc, truyền thông... để nuôi dưỡng tâm hồn cho các em, khiến các em thêm tự hào về ngôi trường mình đang học, về bạn bè, thầy cô. Trường cũng đưa vào dạy chuyên đề về văn hóa cho học sinh ở buổi 2 với thời lượng 70 tiết. Cụ thể, học sinh được giáo dục văn hóa truyền thống gồm các bài về văn hóa ẩm thực, trang phục, nghệ thuật, văn hóa tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, giao tiếp ứng xử trong gia đình... Ngoài ra, học sinh được học văn hóa hiện đại như giao tiếp, ứng xử trên mạng Internet, trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội….

Theo thầy Thanh Phú, với những gì nhà trường đã và đang thực hiện, các em vừa được giáo dục về tri thức vừa được bồi đắp về tâm hồn. Chính vì vậy, những gì chưa hài lòng về nhau trong mối quan hệ bạn bè, những va chạm đơn thuần trong học đường đều được giải quyết rất ôn hòa, thiện chí, vui vẻ.

Học sinh hiểu được, để giải một vấn đề có nhiều cách, việc lựa chọn phù hợp thể hiện ứng xử văn minh, phù hợp lứa tuổi học đường, thể hiện sự nhân văn trong đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ