Bộ Y tế sẽ đổi mới đăng ký lưu hành thuốc

GD&TĐ - Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, thời gian tới, Bộ sẽ đổi mới đăng ký lưu hành thuốc.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương. Ảnh: VGP.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương. Ảnh: VGP.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29/10, trả lời về việc giải pháp giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: từ đầu năm 2022, Bộ Y tế đã tập trung mọi nguồn lực cho việc cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc để đảm bảo nguồn cung. Đến nay, cơ quan chức năng đã gia hạn được hơn 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc có hiệu lực đến hết năm 2022.

Nguồn cung thuốc được đảm bảo khi 21.800 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực với hơn 700 hoạt chất các loại.

Căn cứ diễn biến tình hình và báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh, thông tin về nguồn cung thuốc trên thị trường, Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc, đặc biệt các thuốc hiếm, thuốc khó khăn về nguồn cung. Nhờ đó, cơ sở khám chữa bệnh nắm được thông tin về nguồn cung thuốc, chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo đủ thuốc phục vụ khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã giúp các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc nhận diện được xu hướng biến động của thị trường dược phẩm để xây dựng kế hoạch cung ứng, đáp ứng nhu cầu điều trị của các bệnh viện.

Thời gian tới, Bộ sẽ đổi mới đăng ký lưu hành thuốc, trong đó báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược theo hướng gia hạn tự động giấy đăng ký lưu hành thuốc nhằm cải cách tối đa thủ tục hành chính.

Các đơn vị thẩm định được bổ sung, gồm: Trường Đại học Dược, Trường Đại học Y dược trực thuộc Bộ Y tế để tăng cường thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Bộ Y tế cũng sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết cho điều trị các bệnh hiếm gặp. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

Công nghệ thông tin sẽ được tăng cường để kết nối các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc nhằm theo dõi nguồn cung, từ đó điều tiết kịp thời.

Ngày 5/8, Bộ Y tế công bố kết quả lựa chọn nhà thầu của ba gói mua thuốc tập trung cấp quốc gia với tổng giá trị gần 6.300 tỷ đồng, được kỳ vọng giải "cơn khát" thuốc điều trị.

Các thuốc tổ chức đấu thầu có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước, chủ yếu là kháng sinh, thuốc tiêu hóa, thuốc tim mạch, thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị tiểu đường và 9 thuốc thuộc các nhóm khác.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ (ngày 29/10), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế phải khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế. Bộ cần tiếp tục giải pháp chống Covid-19 và các dịch bệnh khác, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19, nhất là với nhóm trẻ từ 5 đến 12 tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.