​Bộ Y tế ra công điện khẩn tăng cường phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán 2023

GD&TĐ - Ngày 11/1, Bộ Y tế đã ban hành Công điện khẩn nhằm tăng cường phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Công điện nêu rõ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo nghiêm túc thực hiện Công điện số 05/CĐ-TTg ngày 8/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023, Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 30/12/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới và các công văn chỉ đạo, các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch.

Các địa phương thực hiện việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm có trọng điểm các trường hợp nguy cơ, mắc Covid-19 để giải trình tự gen xác định các biến chủng, biến thể mới.

Đồng thời, các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu, phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc Covid-19 để xử lý kịp thời, đặc biệt các đối tượng nhập cảnh từ các khu vực đang bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. Cùng đó đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường.

Các đơn vị, địa phương chủ động, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, các bệnh viện có khả năng xác định biến thể mới của Covid-19 lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể/biến chủng mới và đánh giá nguy cơ dịch bệnh.

Các địa phương tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo đúng kế hoạch đề ra theo yêu cầu của Chính phủ. Cần quan tâm nhóm người có nguy cơ cao, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch, trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi, lưu ý ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao.

Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát, cập nhật các thông điệp và tăng cường truyền thông về phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu, các cơ sở y tế, cơ sở lưu trú khách du lịch và cộng đồng. Nhằm nâng cao nhận thức người dân với thông điệp thực hiện 2K (khẩu trang, khử khuẩn) và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo Bộ Y tế.

Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng thực hiện công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch, có các phương án đáp ứng với các tình huống dịch bệnh; Chỉ đạo các cơ sở nhận khách lưu trú bố trí nơi cách ly cho trường hợp khách du lịch nhập cảnh bị mắc Covid-19 thể nhẹ và vừa, không cần nhập viện.

Địa phương khẩn trương xây dựng Kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2023, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt và tổ chức thực hiện. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trong khu vực phụ trách, quốc tế hướng dẫn, phối hợp với các địa phương đánh giá nguy cơ dịch bệnh. Từ đó điều chỉnh các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả, sẵn sàng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cho các địa phương, đơn vị.

Các viện chủ động hướng dẫn các địa phương thực hiện việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm có trọng điểm các trường hợp nguy cơ, trường hợp mắc bệnh để giải trình tự gen xác định các biến chủng, biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện trực thuộc thường trực chống dịch; phối hợp với các viện, địa phương đánh giá nguy cơ dịch bệnh. Đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các địa phương và tổ chức cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phòng khám nha khoa TPHCMXu hướng hộp quà tặng tết 2025 mới nhất