Bộ Y tế yêu cầu cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả các học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở,… hoặc có triệu chứng nghi ngờ khác) hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.
Trường hợp phát hiện học sinh là F0 đang ở tại nhà, phụ huynh cho học sinh nghỉ học, báo ngay với nhà trường và trạm y tế cấp xã. Nhà trường, trạm Y tế cấp xã tiến hành truy vết các trường hợp học sinh là F1 liên quan và xử lý các trường hợp F1 như trên.
Về việc tổ chức học bán trú của học sinh, Bộ Y tế yêu cầu, nếu tổ chức cho trẻ học bán trú, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo, trong đó bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp.
Ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh lớp nào ăn, ngủ riêng theo lớp đó, không chung với các lớp khác; Học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà phòng trước và sau khi ăn.
Vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường); Bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Trước đó, tại nhiều địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang… học sinh nhiều trường học đã được xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường bằng nguồn kit xét nghiệm xã hội hóa.
Một số địa phương yêu cầu hoặc khuyến khích cha mẹ học sinh xét nghiệm nhanh cho con trước khi đến trường buổi đầu tiên, với lý do học sinh di chuyển và tiếp xúc với nhiều người trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.