Văn bản hướng dẫn nhằm đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, chuyển điều trị kịp thời các trường hợp mắc COVID-19 khi xảy ra thiên tai (bão, lũ...) tại vùng có dịch bệnh và vùng có nguy cơ dịch.
Theo đó, trước khi xảy ra thiên tai thành lập/kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương.
Trong đó, có đại diện của cơ quan y tế để hỗ trợ thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố quyết định giao trách nhiệm cho một đơn vị làm nhiệm vụ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Chủ động theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, dịch bệnh và vùng có mức độ nguy cơ dịch bệnh. Thực hiện công tác phòng chống dịch theo quy định. Tổ chức xét nghiệm và ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho thành viên của các lực lượng tham gia phòng, chống bão lũ, thiên tai, thảm họa.
Xây dựng, kiện toàn bổ sung kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly/trung tâm quản lý cách ly người nhiễm SARS-CoV-2, điều trị bệnh nhân COVID-19 trong tình huống xảy ra thiên tai, thảm họa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; xây dựng các kịch bản và phương án xử lý trong tình huống xuất hiện người nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2 tại các điểm tránh trú an toàn...
Thành lập các tổ điều trị cơ động để thực hiện ứng cứu khẩn cấp cho bệnh nhân COVID-19 hoặc cấp cứu các bệnh khác tại khu vực bị chia cắt bởi bão, lũ và điểm tránh trú an toàn.
Bảo đảm an toàn khi xảy ra thiên tai, bão lũ và các tình huống khẩn cấp khác.
Tuyên truyền, hướng dẫn cho cộng đồng về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi xảy ra bão, lũ, thiên tai, thảm họa, đặc biệt là các biện pháp phòng, chống dịch khi di chuyển và lưu trú tại các điểm tránh trú an toàn khi xảy ra thiên tai, bão lũ.
Xây dựng kế hoạch, đảm bảo đáp ứng đủ nhân lực, phương tiện, vật tư y tế, sinh phẩm, dự trữ đủ thuốc, hóa chất và các trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, có việc xử lý nước sạch, vệ sinh môi trường và quản lý chất thải y tế trong tình huống xảy ra thiên tai, bão lũ. Đảm bảo thông tin liên lạc và trang thiết bị phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch COVID-19 trong thiên tai, bão lũ...
Chủ động bố trí, chuẩn bị trước các phương tiện vận chuyển để huy động kịp thời hỗ trợ cho người dân đến các điểm tránh trú an toàn khi có thiên tai bão, lũ xảy ra.
Trong tình huống xảy ra thiên tai, thảm họa, triển khai các Kế hoạch, phương án, kịch bản đã được xây dựng để điều hành, chỉ đạo và ra quyết định tại chỗ theo diễn biến tình hình bão lũ, thiên tai, dịch bệnh COVID-19. Đảm bảo thực hiện 4 tại chỗ với công tác chỉ đạo, phương tiện, nhân lực, hậu cần được hoạt động một cách linh hoạt phù hợp với từng diễn biến thực tiễn.
Trường hợp có ca nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2 thì tiến hành cách ly, điều tra, khoanh vùng, dập dịch theo quy định.
Trong trường hợp phải sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm ảnh hưởng bởi thiên tai đến điểm tránh trú an toàn cần thực hiện các nội dung cơ bản trong phòng chống dịch COVID-19 như: Bố trí địa điểm tránh trú an toàn đủ rộng để đảm bảo khoảng cách an toàn phòng, chống dịch và thông thoáng.
Bố trí vị trí thùng/túi đựng rác đặt ở vị trí thuận lợi đi lại cho người dân, không quá gần đi qua phòng cách ly tạm thời, không bị ngập nước; thùng/túi đựng rác thải phải ghi rõ “Rác thải sinh hoạt” và “Rác thải y tế” và có nắp đậy.
Có khu vệ sinh nam riêng, nữ riêng đảm bảo thông thoáng (có quạt hoặc ô thông gió), có đủ nước sạch, xà phòng/nước rửa tay, nước khử khuẩn sàn... Bố trí nhà vệ sinh riêng cho những người nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19 tại khư vực/phòng cách ly tạm thời.
Bố trí phòng cách ly tạm thời riêng biệt, có lối đi riêng và có biển báo “KHU VỰC CÁCH LY”...
Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong thực hiện sơ tán người dân. Về Vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh, quy định và hướng dẫn người dân bỏ rác đúng thùng/túi phân loại rác. Khẩu trang y tế đã qua sử dụng, khăn/giấy lau mũi miệng phải đựng trong thùng/túi đựng rác thải y tế, buộc chặt miệng túi, chờ khi nước rút đem đi thu gom và xử lý theo quy định.
Sau khi xảy ra thiên tai, tổ chức rà soát tình hình sức khỏe người dân (thông tin cá nhân, tình hình sức khỏe, ho, sốt,...) để sàng lọc phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trước khi rời điểm tránh trú an toàn. Đối với lực lượng tham gia phòng chống thiên tai: Xét nghiệm nhanh (Test kháng nguyên nhanh) hoặc xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RTPCR (nếu có điều kiện) trước khi kết thúc nhiệm vụ.
Tự theo dõi sức khỏe của bản thân, thực hiện đầy đủ 5K, nếu có các biểu hiện như: sốt, đau họng, khó thở, sổ mũi, đau đầu, thay đổi mùi vị, ho... thì báo cáo ngay cho người có thẩm quyền tại địa phương.
Trường hợp những người làm nhiệm vụ có nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm SARS-CoV-2 tại các điểm tránh trú: Nếu đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng thì thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR (2 lần) vào ngày đầu và ngày thứ 7 kể từ ngày trở về địa phương, nơi ở, nơi lưu trú; tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo.
Nếu chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liệu vắc xin phòng COVID-19 thì thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV- 2 bằng phương pháp RT-PCR (03 lần) vào ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày trở về địa phương, nơi ở, nơi lưu trú; tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của địa phương tùy theo tình hình dịch bệnh