Bộ Y tế đề nghị kích hoạt chế độ chống dịch

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống Covid-19 và coi như đang có dịch.

Tới nay, có gần 260.000 người đã được tiêm vắc-xin Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp.
Tới nay, có gần 260.000 người đã được tiêm vắc-xin Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp.

Thành ủy Hà Nội ban hành công văn kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch. Chỉ đạo tạm dừng tổ chức các lễ hội và tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố.

Kích hoạt hệ thống phòng dịch

Đến nay, đã hơn 70 ngày khu vực phía Nam không có ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng. Điều này cũng có nghĩa rằng, nếu xuất hiện ca bệnh ngoài cộng đồng là do dịch xâm nhập.

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ mắc Covid-19 ở người nhập cảnh rất cao, tăng 10 - 13 lần so với tháng 1. Trong khi đó, kết quả giải trình tự gen mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân Covid-19 nhập cảnh từ nước ngoài cho thấy, gần 86% người mang biến thể phát hiện tại Anh. Ngoài ra, 14,3% bệnh nhân mang biến thể Nam Phi. Do đó, tốc độ lây lan nhanh và nguy cơ dịch bệnh xâm nhập là rất lớn.

GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM nhận định, nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu trên cả nước. Do đó, nơi nào tập trung đông người, lơ là, không tuân thủ các quy định phòng dịch và giám sát không bảo đảm, nguy cơ dịch bệnh tại nơi đó sẽ tăng.

Liên quan đến công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 của khu vực Tây Nam Bộ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ tỉnh Kiên Giang thiết lập bệnh viện dã chiến.

Đồng thời, hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và các đơn vị y tế trên địa bàn thiết lập bệnh viện dã chiến vùng tại thành phố Cần Thơ với quy mô 800 người bệnh. Hỗ trợ các địa phương như An Giang, Đồng Tháp thiết lập bệnh viện dã chiến.

Phân bổ 20.000 liều vắc-xin

Ngày 27/4, Thành uỷ Hà Nội ban hành công văn kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch. Đồng thời, chỉ đạo kiểm tra, quyết liệt đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn triệt để, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, các trường hợp đi về từ vùng dịch không khai báo y tế và các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch.
Chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống. Chỉ đạo tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. 
Công văn nêu rõ, tạm dừng tổ chức các lễ hội và tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố. Tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Trường hợp tổ chức hội nghị, sự kiện cần có hình thức phù hợp và phải thực hiện nghiêm các biện pháp và nguyên tắc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh. Trường hợp phát hiện ca bệnh, cần áp dụng ngay các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Mới đây, Bộ Y tế có quyết định phân bổ 5.000 liều vắc-xin Covid-19 cho Lào Cai và gần 15.000 liều cho 8 tỉnh Nam Bộ. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng mỗi nơi 2.000 liều; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau mỗi nơi 1.800 liều.

Các tỉnh Nam Bộ hiện được coi là khu vực có nguy cơ cao bị Covid-19 xâm nhập từ biên giới Tây Nam. Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh hoàn thành việc tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 trước ngày 5/5.

Trước đó, vào đầu tháng 3, Bộ Y tế đã phân phối cho Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh 400 liều; Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp) 250 liều; Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngự (Đồng Tháp) 350 liều.

Đầu tháng 4, trong đợt bổ sung vắc-xin lần hai, tỉnh Tiền Giang nhận 9.600 liều; Bến Tre (7.300); Sóc Trăng (6.700); Vĩnh Long, Trà Vinh (5.600); Hậu Giang (3.900); Bạc Liêu (5.100); Cà Mau (6.700). Khu vực miền Nam nhận tổng số 245.350 liều vắc-xin của Astra Zeneca.

Theo danh sách, có 19,4 triệu người nằm trong nhóm được ưu tiên tiêm miễn phí ở 63 tỉnh, thành. Trong đó, nhiều nhất là ở TPHCM, với khoảng 1,56 triệu người.  Ít nhất là ở Bắc Kạn với hơn 41.000 người. Mỗi người cần tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Do đó, tổng số liều vắc-xin cần dùng là gần 40 triệu.

Vắc-xin đang được tổ chức tiêm ở Việt Nam là của AstraZeneca. Trong đó, hơn 117.000 liều mua qua Công ty VNVC (đợt 1) và hơn 800.000 liều do chương trình Covax của Liên Hợp Quốc cung cấp. Đến nay, có 259.736 người được tiêm vắc-xin Covid-19.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, những người trong nhóm ưu tiên nên sớm tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Tuy nhiên, hiện tại, vắc-xin chưa thể thay thế quy tắc 5K của Bộ Y tế.

Trong khi đó, bác sĩ Phan Xuân Trung - Trung tâm Y khoa MEDIC (TPHCM) khuyến cáo, người dân cần giữ khoảng cách, tránh tập trung nơi đông người, nhằm phòng, chống Covid-19.

“Một que diêm bị ném vào đống củi khô, đống củi sẽ bùng cháy do lửa bén từ que củi này sang que khác. Nếu các que củi nằm rời rạc hoặc ẩm ướt, lửa sẽ khó lan nhanh. Covid-19 cũng lây theo cách đó, lan truyền nhanh ở nơi đông người. Đứng càng gần nhau, khả năng lây càng mạnh”, bác sĩ Trung nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ