Bộ Y tế chủ động “tấn công” Covid-19

GD&TĐ - Bộ Y tế chủ trương tăng cường năng lực xét nghiệm tại các tỉnh, thành phố và các cơ sở y tế. Nhờ đó, chủ động tấn công bằng xét nghiệm trong trường hợp cần thiết.

Từ ngày 29/4 đến nay, có hơn 500 nghìn xét nghiệm được thực hiện.
Từ ngày 29/4 đến nay, có hơn 500 nghìn xét nghiệm được thực hiện.

Tuy nhiên, việc người dân xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 không được khuyến khích.

“Trung thành” với 5K + vắc-xin

Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19, một số thành viên Ban Chỉ đạo, các chuyên gia cho biết, một số ý kiến cho rằng, việc xét nghiệm nhiều đang được khuyến khích. Thậm chí, có người đề nghị thực hiện “5K + vắc-xin + xét nghiệm”.

Phát biểu về vấn đề này, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, hiện tại, chúng ta chỉ có chủ trương tăng cường năng lực xét nghiệm tại các tỉnh, thành phố và tại các cơ sở y tế. Nhờ đó, chủ động tấn công bằng xét nghiệm trong trường hợp cần thiết, nhằm tăng cường truy vết.

Chủ trương của Bộ Y tế không khuyến khích người dân tham gia xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. Bởi, nếu kết quả xét nghiệm âm tính sẽ gây ra tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.

“Chúng tôi nhắc lại, Bộ Y tế không có quan điểm 5K + vắc-xin + xét nghiệm, tuyệt đối tuân thủ theo phương châm, nguyên tắc mà Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 đã ra đề là 5K + vắc-xin”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác xét nghiệm, Bộ Y tế cho biết, tại 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, các lực lượng chức năng đang nỗ lực tăng tốc xét nghiệm. Bộ Y tế đã cử chuyên gia của các viện/bệnh viện: Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai và Trường Đại học Y Hà Nội về 2 tỉnh này.

Cùng đó, Bộ đã cấp xuất hóa chất xét nghiệm để cùng 2 tỉnh tiến hành lấy mẫu. Qua đó, xét nghiệm toàn bộ công nhân ở khu công nghiệp có nguy cơ cao, xét nghiệm sàng lọc các khu vực tập trung nhiều nhà trọ của công nhân.

Liên quan đến công tác xét nghiệm, tại CDC Bắc Giang ngày 19/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo đơn vị cần áp dụng công nghệ thông tin trong việc nhập liệu, mã hóa. Qua đó, nhằm đẩy mạnh số lượng xét nghiệm và phải trả kết quả sau 24 giờ.

Ngoài ra, cần lên kế hoạch và triển khai lấy mẫu lại cho F1 tại các khu cách ly, khu công nghiệp. Phương pháp ở đây là lấy mẫu đến đâu, tổng hợp số liệu đến đó.

Hiện tại, Bộ Y tế đã điều 50.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm Realtime RT-PCR cho Bắc Giang. Ngày 20/5, Bộ cho biết sẽ tiếp tục điều thêm 5.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm giao cho Học viện Quân y thực hiện.

Xét nghiệm được cho là đóng vai trò vô cùng quan trọng trong khống chế dịch. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đã áp dụng một số thay đổi trong chiến lược xét nghiệm. Theo đó, các cơ quan y tế và đơn vị thực hiện xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng.

“Trước đây, chúng tôi chỉ sử dụng một loại sinh phẩm là RT-PCR. Nhưng hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép và cho phép sử dụng sinh phẩm kháng nguyên nhanh. Đối với sinh phẩm kháng nguyên nhanh, các đơn vị có thể tự xét nghiệm ngay tại chỗ.

Chúng tôi đã khuyến khích các đơn vị sản xuất trong nước tiếp tục tăng công suất sản xuất sinh phẩm xét nghiệm. Đồng thời, tăng cường nhập khẩu để bảo đảm đủ cho việc mở rộng xét nghiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Long, ngành Y tế sẽ tiếp tục hài hòa giữa xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể.

Phương pháp phát hiện F0

Tính đến ngày 18/5, cả nước đã thực hiện 3.324.043 xét nghiệm Realtime RT-PCR, tương đương 4.398.533 lượt người được xét nghiệm. Trong đó, từ ngày 29/4 đến nay đã thực hiện được 548.538 xét nghiệm, tương đương 871.594 lượt người.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), ở giai đoạn hiện tại, xét nghiệm nhanh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống dịch. Trong khi đó, chỉ xét nghiệm mới có thể phát hiện F0.

“Huy động nguồn lực xã hội cho sinh phẩm xét nghiệm là rất cần thiết hiện nay”, bác sĩ Khanh nhận định.

Trong khi đó, theo bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, Việt Nam cần có thêm nhiều phòng xét nghiệm Covid-19. Bác sĩ Phúc đề cập tới 3 yếu tố cần chú trọng, bao gồm: Số phòng xét nghiệm; Nguồn nhân lực; Nguồn vật lực, tức là số lượng kít thử.

“Về số phòng xét nghiệm, hiện nay theo quy định, tất cả bệnh viện quy mô trên 300 giường có một hệ thống xét nghiệm RT-PCR. Tính đến năm 2014, Việt Nam có tổng số 1.536 bệnh viện, trong đó có 47 bệnh viện Trung ương, 492 bệnh viện tỉnh”, bác sĩ Phúc dẫn chứng.

Do đó, bác sĩ Phúc nhận định, huy động tất cả các bệnh viện này vào việc xét nghiệm sẽ góp phần giải quyết bài toán chống dịch hiệu quả.

Về nguồn nhân lực lấy mẫu, bác sĩ Phúc cho rằng, bên cạnh CDC, nhân viên từ các bệnh viện cũng có thể được huy động tham gia công tác này.

“Trước khi tiêm chủng quốc gia đạt miễn dịch cộng đồng, kiểm soát Covid-19 để giảm số ca nhiễm xuống mức độ thành công trong tương lai là việc làm cần có sự chuẩn bị và triển khai quyết liệt ngay từ bây giờ. Chủ động tấn công virus bằng xét nghiệm là hành động hiệu quả”, bác sĩ Phúc nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.