Bộ Y tế chỉ đạo giải quyết việc nợ lương tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh

GD&TĐ - Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động

Vì quá bức xúc khi bị nợ lương nhưng không được giải quyết, nhiều nhân viên y tế đã đứng lên đòi quyền lợi. Ảnh: NLĐ.
Vì quá bức xúc khi bị nợ lương nhưng không được giải quyết, nhiều nhân viên y tế đã đứng lên đòi quyền lợi. Ảnh: NLĐ.

Liên quan đến việc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, thuộc Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam nợ lương của cán bộ, viên chức, người lao động, chiều ngày 12/1, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu lãnh đạo Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20/1/2022.

Theo phản ánh, từ tháng 5/2021 đến tháng 11/2021, 160 y, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ nhận được 50% lương cơ bản, tương đương từ 1-3 triệu đồng/tháng. Riêng tháng 12, toàn bộ nhân viên tại bệnh viện không được được bất cứ đồng lương nào.

Vì quá bức xúc nên những ngày gần đây, kết thúc giờ làm việc, hàng chục nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh (trực thuộc Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam - Bộ Y tế) xuống đường căng băng rôn cầu cứu dư luận lên tiếng bảo vệ quyền lợi của y bác sĩ, nhân viên bệnh viện.

Trước đó, chiều ngày 19/11/2021, tại cuộc họp với lãnh đạo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, lãnh đạo Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã đề xuất với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tạm dừng tự chủ Bệnh viện Tuệ Tĩnh để có nguồn cấp ngân sách chi trả cho cán bộ công nhân viên.

Theo PGS-TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, Bệnh viện Tuệ Tĩnh là đơn vị trực thuộc Học viện Y học cổ truyền Việt Nam. Những ngày qua, cán bộ nhân viên của bệnh viện đã gặp khó khăn do lương nhận không đầy đủ, nguyên nhân liên quan tới việc bệnh viện tự chủ. Đặc biệt, lĩnh vực tự chủ của bệnh viện là y học cổ truyền, lĩnh vực khá đặc thù. Cũng đúng trong thời gian tự chủ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh, dịch Covid-19 bùng phát nên càng thêm khó khăn.

PGS-TS Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y học Cổ truyền Việt Nam, cho biết bệnh viện Tuệ Tĩnh tự chủ từ năm 2019 - 2020, khi thực hiện chi thường xuyên chủ động tăng nguồn thu, bệnh viện không đạt được kế hoạch như dự kiến. Chính vì vậy, nguồn thu của bệnh viện chỉ dành ưu tiên trả lương một số khoản chi nhất định, các khoản chi thường xuyên khác phải tạm ứng từ bệnh viện và vay từ các nguồn khác để chi trả.

Năm 2020, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, số lượng bệnh nhân tới khám giảm khiến nguồn thu sụt giảm. Tình hình tài chính của bệnh viện đã khó khăn lại càng thêm khó. Bệnh viện tiếp tục phải vay từ học viện để chi trả. Tính tới 31-12-2020, số tiền bệnh viện chi vượt quá là hơn 9 tỉ đồng.

Năm 2021, dịch bệnh, bệnh viện giãn cách và bệnh nhân giảm, tăng chi phí đảm bảo phòng chống dịch. Bệnh viện đã thực hiện nhiều cắt giảm, xin bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ từ công đoàn y tế, tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng nợ lương trong 6 tháng vừa qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.