Bộ váy mang tính biểu tượng của Marilyn Monroe

Bộ váy mang tính biểu tượng của Marilyn Monroe

Gần 60 năm sau, vào năm 2011, bộ váy màu trắng Monroe mặc diễn màn tốc váy vẫn bán đấu giá được hẳn 4,6 triệu USD (giá trị tiền ngày nay, khoảng 5,29 triệu USD - 122,7 tỷ đồng). 

Cảnh phim “nhạt” nhất

Marilyn Monroe (1/6/1926 – 5/8/1962) là ngôi sao điện ảnh kiêm người mẫu Mỹ, một trong các biểu tượng sexy nổi bật nhất thập niên 1950. Bà thường xuất hiện trong các phim hài - tình cảm, thu hút khán giả bằng hình ảnh cô nàng tóc vàng quyến rũ, tinh nghịch.

Chiều tối 15/9/1954 tại Đại lộ Lexington, New York (Mỹ), Monroe chuẩn bị diễn một cảnh trong tác phẩm The Seven Year Itch. Bà vào vai cô nàng người mẫu hậu đậu, lỡ bị gió thổi tung vạt váy, để lộ hết đôi chân dài.

Suốt 10 năm đỉnh cao sự nghiệp diễn xuất của Monroe, hình ảnh cô gái tóc vàng bị gió thổi tốc váy này là biểu tượng rực rỡ nhất. Nó xuất hiện khắp nơi, từ lĩnh vực thời trang, quảng cáo cho đến cả điêu khắc. Tuy nhiên, cảnh quay “tốc váy” xuất hiện trong The Seven Year Itch thì “nhạt” vô cùng.

Trở lại buổi chiều muộn của ngày 15/9/1954, Đại lộ Lexington chật cứng người. Ngoại trừ đội ngũ nhân viên quay phim, còn hàng ngghìn người hâm mộ (chủ yếu là nam giới) đứng quanh, chờ xem minh tinh Monroe diễn xuất. 

Ký giả, nhiếp ảnh gia chen lấn, cố chiếm cho bằng được vị trí quan sát, chụp hình tốt nhất. Cảnh sát phải xếp hàng làm rào cản, nỗ lực giữ làn sóng người không tràn vào khu vực quay phim.

Monroe đứng trên một tấm vỉ. Bên dưới tấm vỉ, có nhân viên đoàn làm phim phụ trách điều khiển chiếc quạt gió. Mỗi lần sức gió thổi ra làm tung bay vạt váy của Monroe, đám đông đứng xem lại reo hò náo nhiệt. 

Các fan nam thi nhau gào thét, “Bay cao hơn nữa đi!”. Đạo diễn đã bắt Monroe phải quay đi quay lại 14 lần. Nhưng vì hiện trường quá ồn ào, cảnh bà bị gió thổi tốc váy trong phim bị cắt thành cực ngắn, gần như chẳng để lại ấn tượng gì.

Vẫn gây đổ vỡ hôn nhân

Bộ váy mang tính biểu tượng của Marilyn Monroe ảnh 1
Marilyn Monroe trên trường quay “The Seven Year Itch”, diễn cảnh bị gió thổi tốc váy với Tom Ewell.

Khác với The Seven Year Itch, các nhiếp ảnh gia có mặt ngày 15/9/1954 đã làm việc cực kỳ hiệu quả. Hàng loạt bức ảnh “Monroe tốc váy” từ mọi góc độ đua nhau tràn trên các mặt báo. 

Chỉ với hình ảnh này, Monroe nổi tiếng toàn cầu. Ngay cả sau khi bà tạ thế vào năm 1962, biểu tượng tốc váy vẫn sống mãi. Các hậu bối siêu sao như Britney Spears, Nicki Minaj, Lindsay Lohan, Madonna, Barbie… đua nhau tái diễn màn tốc váy trên sân khấu.

Năm 2011, nhà điêu khắc Seward Johnson (Mỹ) tạc một bức tượng “Monroe tốc váy” khổng lồ, cao 7,9m bằng nhôm và thép. Bức tượng “siêu bền” này đã được trưng bày tại nhiều địa điểm khác nhau ở Mỹ, Australia.

Từ quảng cáo thời trang, xe hơi, nước cam đến cả kem tẩy lông, chỗ nào cũng thấy hình ảnh “Monroe tốc váy”. Thỉnh thoảng, vườn lúa nghệ thuật ở Nhật Bản lại “trồng” biểu tượng này. Trên một bãi rác ở Quý Cảng, Trung Quốc có tượng điêu khắc “Monroe tốc váy” đặt nằm ngã sấp mặt.

Chỉ riêng Joe DiMaggio, phu quân của siêu sao Monroe là không chịu nổi “Monroe tốc váy”. Ông cũng có mặt tại Đại lộ Lexington ngày 15/9/1954, và “tối mặt” bỏ đi giữa chừng. Vì cảnh quay tốc váy, hai vợ chồng Monroe cãi nhau nảy lửa. Chỉ 3 tuần sau đó, Monroe tuyên bố li hôn.

Chiếc váy siêu giá trị

Bộ váy mang tính biểu tượng của Marilyn Monroe ảnh 2

William Travilla, tác giả chiếc váy biểu tượng của Marilyn Monroe.

Trong cảnh tốc váy, Monroe mặc chiếc váy màu trắng do nhà thời trang William Travilla (Mỹ) thiết kế. Mặc dù đương thời, Travilla là thiết kế gia hàng đầu, ông đã không đặt tâm huyết vào chiếc váy này. Nó chỉ là một chiếc váy xếp li đơn giản. Chính Travilla vẫn luôn gọi nó là “chiếc váy nhỏ ngớ ngẩn”.

Trước đó, Monroe từng hợp tác trang phục với Travilla trong 8 bộ phim. Bà rất thích các thiết kế bó sát người, làm nổi bật các đường cong quyến rũ của Travilla, luôn miệng đề nghị ông hãy may trang phục cho mình trọn đời.

Với chiếc váy cho Monroe mặc diễn The Seven Year Itch, Travilla chỉ tính đến sự phù hợp với nhân vật. Nó phải bằng màu sắc tươi sáng để thể hiện tính cách vô ưu vô lo, đồng thời đủ nhẹ để bị gió thổi một cái là tốc hết lên. 

Ở vòng eo, Travilla cho quấn đai lưng bằng vải mỏng, thắt nơ. Nhìn tổng thể, nó làm nổi bật sự trong sáng, ngây thơ giữa phố phường xô bồ, bẩn thỉu.

Thế nhưng sau cảnh Monroe tốc váy, thiết kế siêu đơn giản này đột ngột trở thành tác phẩm thời trang đình đám nhất. Travilla đã không để nó rời tay cho đến năm 1990, khi ông qua đời.

Sau khi Travilla mất, nữ diễn viên Debbie Reynold (Mỹ) đã mua lại chiếc váy với giá 200 USD. Vào năm 2011, bà rơi vào tình trạng gần phá sản, buộc phải bán các kỷ vật trong bộ sưu tập Hollywood của mình để lấy tiền trả nợ. Chiếc váy “Monroe tốc váy” được đem ra đấu giá và chốt ở mức 4,6 triệu USD.

Ngày 5/8/1962, Monroe qua đời tại nhà riêng ở tuổi 36. Cho đến nay, cái chết của bà vẫn còn nhiều nghi vấn.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ