Bộ trưởng Thăng: Chưa rõ trách nhiệm thì còn mất cắp hành lý

Nguyên nhân lớn nhất để xảy ra tình trạng mất cắp hành lý, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng là do lãnh đạo chưa nhận thức được trách nhiệm của mình, còn đấy là việc của người khác.

Bộ trưởng Thăng: Chưa rõ trách nhiệm thì còn mất cắp hành lý
IMG_2007
Bộ trưởng Thăng tỏ rõ sự không hài lòng khi số liệu các vụ khiếu nại liên quan đến mất cắp hành ký gửi từ năm 2013 đến nay liên tục tăng.

Mất cắp hành lý tại sân bay có chiều hướng tăng

Tỏ rõ sự không hài lòng khi số liệu các vụ khiếu nại liên quan đến mất cắp hành ký gửi từ năm 2013 đến nay liên tục tăng, xảy ra tình trạng mất cắp là do lãnh đạo chưa nhận thức được trách nhiệm của mình, coi đây là việc của người khác, chưa thấy xấu hổ chuyện mất cắp đó.

Trước đó, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết năm 2013, có tới 205 khiếu nại của hành khách liên quan đến việc bị trộm cắp tài sản, trong đó có 141 vụ liên quan đến các chuyến bay quốc tế. Năm 2014 là 301 vụ và chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2015 là 168 vụ.

Ông Thanh cũng cung cấp số liệu riêng về các vụ trộm cắp liên quan đến nhân viên hàng không bị phát hiện. Theo đó, năm 2013 có 8 vụ, 2014 có 9 vụ và 6 tháng đầu năm 2015 là 5 vụ.

Nguyên nhân dẫn đến các vụ trộm cắp tài sản trong hành lý ký gửi theo người đứng đầu ngành hàng không Việt Nam là trước tiên do cơ sở hạ tầng và quy trình giám sát. Cụ thể, hệ thống camera giám sát chưa bao quát được toàn bộ các khu vực xử lý hành lý, còn một số điểm mù ở các cổng ra vào khu bay của nhân viên ngành hàng không chưa có hệ thống soi chiếu để phát hiện các đồ vật bất thường…

4
Hệ thống camera giám sát chưa bao quát được toàn bộ các khu vực xử lý hành lý, còn một số điểm mù

Đặc biệt, ông Thanh cũng đề cập đến việc trách nhiệm của các bên liên quan trong dây chuyền xử lý hành lý chưa được phân định rõ. Từ đó, đa số các trường hợp không kết luận được hành lý bị can thiệp ở giai đoạn nào (đầu sân bay đi hay đến). 

Việc kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả, các biện pháp phòng ngừa trộm cắp chưa được triển khai đồng bộ…, theo ông Thanh đây cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc để xảy ra mất cắp hành lý ký gửi của khách đi máy bay.

Ngay khi ông Thanh vừa dứt lời, người đứng đầu Bộ GTVT – Bộ trưởng Đinh La Thăng liên tiếp đặt một loạt câu hỏi chất vấn: Báo cáo của anh Thanh đã rõ vai trò của Cục Hàng không VN chưa, trách nhiệm của DN đến đâu? Đã đánh giá thực trạng đúng chưa, giải pháp đúng chưa? Nếu triển khai các giải pháp đưa ra, có chắc sẽ giảm được hay triệt tiêu tình trạng trộm cắp hành lý ký gửi hay không?

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Nguyên nhân lớn nhất để xảy ra tình trạng mất cắp là do lãnh đạo ở đây chưa nhận thức được trách nhiệm của mình, coi đây là việc của người khác, chưa thấy xấu hổ về chuyện mất cắp đó. 

Bao giờ phải thấy xấu hổ khi hành khách đi vào cảng của mình mà mất cắp thì mới có thể đẩy lui được tình trạng này. Mình phải có lòng tự trọng của một đất nước hòa bình, là điểm đến của du lịch mà lại để hành khách nơm nớp lo sợ mất cắp. Mỗi năm để xảy ra hàng trăm vụ mất cắp mà các anh không thấy xấu hổ à? 

“Các anh không thông về tư tưởng, chưa thấy được trách nhiệm của mình. Còn vô cảm thì còn mất cắp” – Bộ trưởng nói.

Có dấu hiệu tiếp tay trong nội bộ

Phát biểu tại buổi họp bàn, Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận – Cục trưởng Cục An ninh Kinh tế tổng hợp đặt vấn đề: Tại sao ngành Công an, nội bộ ngành hàng không bàn rất nhiều, triển khai rất nhiều và các vụ mất cắp hành lý vẫn xảy ra, thậm chí còn tăng lên?

7
Hầm hàng máy bay cũng là nơi dễ xảy ra tình trạng trộm cắp hành lý.

“Việc mất hàng hóa, hành lý có chiều hướng gia tăng, có dấu hiệu tiếp tay trong nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng không và gây nhức nhối trong dư luận” – ông Thuận nói và phân tích: Các vụ việc xảy ra ở nhiều địa điểm, ở cả chuyến bay trong nước, quốc tế thậm chí cả các chuyến bay chuyên cơ. Đáng nói hơn, dấu hiệu tiếp tay trong nội bộ trong các vụ việc này. 

“Nhiều vụ việc mất cắp hàng hóa xảy ra có liên quan đến các nhân viên trong đơn vị dịch vụ mặt đất. Có hành lý kiện hàng bị rạch, móc đúng vị trí có hành lý giá trị. Khách quan mà nói không thể dễ phát hiện các hành lý giá trị này mà phải có móc nối, không loại trừ việc có liên quan đến soi chiếu” – ông Thuận nhấn mạnh và dẫn ví dụ vụ việc một hành khách đi từ TP.HCM ra Nội Bài bị rách kiện hàng và móc đúng chỗ để 7 chiếc đồng hồ có giá trị cao.

Cũng theo Thiếu tướng Thuận, phần lớn mất hàng hóa, hành lý trong khâu ký gửi, cách ly do vậy việc thực hiện hành vi trộm cắp là trong nội bộ các đơn vị hoạt động tại cảng hàng không sân bay. Phân tích nguyên nhân, ông Thuận cho rằng doanh nghiệp kinh doanh có xu hướng chạy theo lợi nhuận, tuyển công nhân có thời vụ, trả lương thấp, coi thường bảo vệ nội bộ. 

Mặt khác, nhận thức của cán bộ công nhân viên tham gia trong dây chuyền vận chuyển hàng hóa, hành lý chưa cao, còn coi thường pháp luật. Một số DN tuyển lao động theo thời vụ, nhân viên không được đào tạo, tuyên truyền, giáo dục, thậm chí việc tuyên truyền rất thiếu trách nhiệm. “Cục An ninh Kinh tế thậm chí đã phát hiện một đơn vị xuất ăn ở HCM đã tuyển dụng một ông bị truy nã nhiều năm rồi đề bạt lên Trưởng phòng tổ chức” – ông Thuận tiết lộ.

Nguyên nhân gián tiếp, theo ông Thuận là hệ thống tường rào chưa kiên cố, lực lượng tuần tra giám sát xung quanh sân bay còn mỏng nên chưa hiệu quả. Việc giám sát kiểm tra bằng camera, cổng từ, máy dò kim loại cầm tay, máy soi tia X của các đơn vị còn hạn chế. 

Một số góc của các khu vực hành lý, hàng hóa ký gửi chưa được giám sát đầy đủ. Một số cổng ra vào của nhân viên trong khu vực còn hạn chế, không có thiết bị kiểm tra, phải dùng các biện pháp kiểm tra trực quan nên hiệu quả còn thấp…

Đồng quan điểm, Đại tá Hồ Sỹ Niêm (Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an) cho rằng đối tượng trộm cắp hành lý được xác định chủ yếu là nhân viên của công ty thuộc cảng hàng không và phục vụ trong lĩnh vực hàng không. Nếu người ngoài vào thì cũng phải móc nối với nhân viên trong cụm cảng. 

“Nếu thấy hành vi đó cấu thành tội phạm hình sự, cho xử lý nghiêm khắc thì chắc chắn sẽ đảm bảo tính răn đe. Tuy nhiên, 2 năm vừa rồi, chưa khởi tố chưa có vụ nào liên quan đến nhân viên hàng không phải chăng có sự bảo vệ nhân viên trong đơn vị mình. Cùng đó là việc xác định trách nhiệm chưa rõ, thậm chí có sự đùn đẩy trách nhiệm trong công tác quản lý giữa các cơ quan liên quan” – Đại tá Niêm phân tích.

Phải biết xấu hổ, phải thấy bị xúc phạm mới có thể giảm số vụ mất cắp

Khẳng định việc mất cắp hành lý ở sân bay là tình trạng hết sức đáng buồn không chỉ ảnh hưởng uy tín danh dự của ngành hàng không, của ngành GTVT mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của một đất nước Việt Nam tươi đẹp, Bộ trưởng nhấn mạnh: Không thể chấp nhận để tình trạng này kéo dài mãi.

 “Để như vậy là có lỗi với đất nước, với nhân dân. Không có lòng tự trọng thì mới để tình trạng này kéo dài mãi” – Bộ trưởng nói và nhấn mạnh: Trách nhiệm trực tiếp phải là lãnh đạo các đơn vị ngành hàng không trong đó có Cục hàng không VN, hãng hàng không, dịch vụ mặt đất…

“Cục Hàng không VN đã đưa ra giải pháp và cũng hết sức tích cực nhưng rõ ràng hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Năm sau số vụ vẫn nhiều hơn năm trước. Giải pháp đưa ra chưa đồng bộ, chưa hiệu quả” – Bộ trưởng nói.

Từ đây, Bộ trưởng yêu cầu phải quy rõ trách nhiệm người đứng đầu từ tổ trưởng, đội trưởng, trưởng ca… đến cảng vụ, Cục Hàng không và các cơ quan liên quan. Mỗi vụ trộm cắp phải làm rõ ai là người chịu trách nhiệm, ở khâu nào...

Cùng đó, phải khẩn trương rà soát lại toàn bộ đội ngũ. Các trường hợp không rõ ràng, minh bạch trong nhân thân, lý lịch thì cần chấm dứt hợp đồng lao động.

“Từ nay đến cuối năm mà không giảm số vụ trộm cắp sân bay thì sẽ truy trách nhiệm các Giám đốc cảng vụ” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo baogiaothong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ