Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ZDF của Đức mới đây, ông Pistorius nhấn mạnh rằng người Đức “một lần nữa phải làm quen với suy nghĩ rằng nguy cơ chiến tranh ở châu Âu có thể gây ra mối đe dọa”.
Nói về khả năng phòng thủ của Berlin, Bộ trưởng Đức kêu gọi người dân của mình sẵn sàng cho chiến tranh.
Quan chức này trích dẫn cuộc xung đột ở Ukraine cũng như sự thù địch giữa Israel và Hamas là bằng chứng cho thấy giao tranh cũng có thể nổ ra ở nơi khác.
Pistorius bác bỏ những lời chỉ trích rằng chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã quá chậm chạp trong việc xây dựng lực lượng vũ trang Đức.
Ông khẳng định chính phủ đang làm việc nhanh nhất có thể để bù đắp cho 30 năm bị lãng quên và thiếu vốn.
Bộ trưởng khẳng định quân đội Đức vốn là một trong những lực lượng mạnh nhất NATO và Châu Âu.
Bình luận về tình hình ở Trung Đông, ông Pistorius thảo luận rằng cuộc xung đột hiện nay là về “quyền tự vệ và quyền tồn tại của Israel”, điều mà Đức đồng ý “vô điều kiện”.
Theo Bộ trưởng, Berlin có “nghĩa vụ đứng về phía Israel” trong khi cố gắng ngăn chặn sự leo thang hơn nữa.
Bà Fiona Hill là chuyên gia về Nga trong chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Los Angeles Times đăng hôm 29/10, bà tuyên bố rằng xung đột Ukraine và Gaza “có thể là những cuộc chiến làm thay đổi hệ thống toàn cầu, giống như Thế chiến thứ nhất và thứ hai, vốn phản ánh và tạo ra những thay đổi lớn trong trật tự quốc tế”.
“Theo một nghĩa nào đó, cuộc tấn công của Hamas vào Israel giống như một khoảnh khắc Trân Châu Cảng. Nó mở ra mặt trận thứ hai” - bà nhấn mạnh.
Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Israel Israel Katz, nói với tờ báo Bild của Đức rằng chiến dịch của đất nước ông ở Gaza là một phần của “Chiến tranh thế giới thứ 3 chống lại Hồi giáo cực đoan”. Chính trị gia này cho rằng Iran là kẻ chủ mưu chính gây ra chiến sự.
Tuy nhiên, Tehran phủ nhận sự liên quan trực tiếp đến cuộc đột kích của Hamas ngày 7/10, đồng thời lên án các hành động sau đó của Israel.