Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với Tổ công tác của Trường Đại học Luật TP.HCM về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học

GD&TĐ - Sáng 15/4, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng lãnh đạo Vụ Pháp chế và Vụ Giáo dục Đại học đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu và Tổ công tác của Trường ĐH Luật TP.HCM về vấn đề xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo duc đại học.

Bộ trưởng làm việc với Tổ công tác Tổ công tác của Trường ĐH Luật TP.HCM
Bộ trưởng làm việc với Tổ công tác Tổ công tác của Trường ĐH Luật TP.HCM

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng nêu rõ tầm quan trọng, sự cần thiết cũng như quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về việc sửa đổi, bổ sung 2 đạo luật quan trọng của ngành là Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Trong đó nhấn mạnh tới việc phải trả lời 3 câu hỏi lớn: Cần sửa đổi, bổ sung những vấn đề gì? Vì sao phải sửa đổi, bổ sung? Và cần phải sửa đổi, bổ sung như thế nào?

Để có đầy đủ các cơ sở luận cứ khoa học, khách quan của việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học cũng như việc xây dựng dự thảo, Bộ trưởng sẽ thành lập Tổ công tác do Trường ĐH Luật TP.HCM đề xuất và sẽ giao cho Tổ công tác trực tiếp thực hiện việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung 2 đạo luật này.

Cụ thể, Tổ công tác sẽ xây dựng dự thảo luật, tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý, chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ và các cơ sở giáo dục khác, các viện nghiên cứu và chuyên gia độc lập bên ngoài để thực hiện nhiệm vụ.

Bộ trưởng cũng đồng ý sẽ thành lập Tổ biên tập và các tiểu Tổ biên tập Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học do Trường ĐH Luật TP.HCM đề xuất để xây dựng dự thảo sau đó lấy ý kiến góp ý của các cục, vụ trực thuộc Bộ và trình Bộ trưởng xem xét quyết định.

Bộ trưởng đặt mục tiêu đến tháng 5/2018 sẽ hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học để trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2018.

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ cho một trường đại học trực thuộc Bộ có chuyên môn sâu về pháp luật trực tiếp làm nòng cốt trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ