Ghi nhận, đánh giá cao Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có bước thể hiện vị thế của mình trong các trường ĐH của Việt Nam; chia sẻ những vấn đề chung, đặc biệt một số khó khăn của trường ĐH trong giai đoạn hiện nay; nhấn mạnh yêu cầu tự chủ, chủ động, sáng tạo của các trường ĐH, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có những gợi mở rất cụ thể cho Trường ĐH Bách khoa Hà Nội về mục tiêu phát triển.
Với quan điểm phát triển đại học là một giá trị của nhân loại, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Trường ĐH Bách khoa nên tham khảo, học hỏi mô hình trường ĐH tốt trên thế giới; có tư duy thực tế, tầm chiến lược; trên “lõi” là công nghệ để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của nhóm nghiên cứu để từ đó tập hợp các nhà khoa học, xây dựng đội ngũ nghiên cứu kế tiếp, tạo thành một trường phái nghiên cứu.
Theo Bộ trưởng, chỉ khi có một thiết kế tốt mới đầu tư mạnh và phải xây dựng mục tiêu cụ thể; mục tiêu đầu tiên của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là quản trị nhà trường, cơ cấu lại, cấu trúc lại các phòng ban, chức năng, đưa ra yêu cầu cụ thể cho từng vị trí...
Trong đó, việc cần làm ngay, làm đầu tiên là kiện toàn hội đồng trường. Đó phải thực sự là hội đồng tập trung trí tuệ với những con người giàu năng lực và tâm huyết, không phải hội đồng cơ cấu. Sau đó là kiến thức quản trị cho lãnh đạo nhà trường.
Mục tiêu thứ 2 hết sức quan trọng, theo Bộ trưởng là mục tiêu về đào tạo. Nhà trường phải quy hoạch ngành nghề, tính toán từng ngành, chuyên ngành, ngành nào mạnh, ngành nào chỉ vừa phải, ngành nào là thị trường, ngành nào là bảo tồn; hết sức coi trọng những ngành khoa học cơ bản. Mở ngành là phải đầu tư, không thể làm kiểu đầu voi đuôi chuột, tư duy nhanh nhiều tốt rẻ.
Với những ngành truyền thống có thế mạnh nhưng khó tuyển sinh, Bộ trưởng cho rằng, nên xét xem còn cần thiết không, nếu cần phải bảo tồn; nếu nhà nước cần, Bộ sẽ đặt hàng, giao nhiệm vụ; mạnh dạn có kế hoạch, lộ trình khép những ngành không còn phù hợp, không có nhu cầu...
Khuyến khích ngành công nghệ “bắt” được với công nghệ cao theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0. Chọn ngành có lợi thế mạnh đặc biệt để “bắt” vào xu thế, tạo thương hiệu cho nhà trường.
Mục tiêu thứ 3 là về nghiên cứu. Bộ trưởng nhấn mạnh: khi quy hoạch đào tạo phải nghĩ ngay đến nghiên cứu, đào tạo dựa vào nghiên cứu thông qua các labo. Bên cạnh đại trà, phải đi vào hướng chất lượng cao theo hướng “đắt xắt ra miếng”, không đầu tư dàn trải mà tập trung vào lĩnh vực mũi nhọn gắn với hệ thống labo; chuyển giao công nghệ cao bắt nhanh với công nghệ của nước ngoài để giải quyết vấn đề kinh tế kỹ thuật của đất nước; phải có tư duy dựa vào lợi thế của mình mới có thể bền vững trong thị trường.
Để thực hiện 3 mục tiêu trên, Bộ trưởng cho biết, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cần chú trọng đến việc phát triển nhân lực, đội ngũ; cơ sở vật chất; tài chính, kiểm định và cuối cùng là truyền thông.
Nhấn mạnh yếu tố đội ngũ là quyết định, Bộ trưởng lưu ý riêng đến cán bộ phục vụ kỹ thuật, cho rằng đầy là đội ngũ hết sức quan trọng, cần chú ý có chế độ chính sách tốt, thực sự tạo động lực, không nên xếp đội ngũ này vào nhóm hành chính. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ giao nhiệm vụ thí điểm để Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thu hút được các nhà khoa học nước ngoài.
Về cơ sở vật chất, theo Bộ trưởng tuy nhỏ những phải "tinh", phải thể một trường mang dáng dấp quốc tế. Cùng với đó là tài chính đủ lớn, minh bạch, sử dụng tài chính hiệu quả, đúng luật; kiểm định làm chậm nhưng chắc, có trọng tâm trọng điểm, lưu ý sau kiểm định phải tiếp tục để làm động lực cho các ngành khác...
Căn cứ vào những mục tiêu trên, Bộ trưởng đề nghị Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xây dựng các giải pháp, nội dung phân công phân nhiệm vụ thể, thực hiện có lộ trình bài bản, vừa trọng tâm trọng điểm nhưng tiếp cận theo hướng đồng bộ.