Phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến, dạy học từ xa, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị đưa 6 phần việc vào chương trình hành động để thực hiện một cách bài bản thường xuyên cho hoạt động dạy học trực tuyến.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành GD
Nội dung thứ nhất, Bộ trưởng đề nghị cần nâng cấp hạ tầng CNTT, trong đó gồm có máy chủ đường truyền, phần mềm, các thiết bị kết nối đầu cuối và hệ thống an toàn an ninh mạng cho thầy cô trong quá trình giảng dạy. Đây là công cụ vô cùng quan trọng.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay hệ thống hạ tầng về CNTT chưa đồng bộ, đâu đó tắc nghẽn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, đến tổ chức quản lí. Do đó, cần tập trung để nâng cấp. Đối với máy chủ, đường truyền, không nhất thiết phải mua sắm hết mà nên thuê các công ty, tập đoàn lớn để có đường truyền băng thông rộng, ổn định.
Phần mềm quản lí dạy học cũng là yếu tố hết sức quan trọng. Vừa rồi nhiều nhà trường sử dụng phần mềm không ổn định dẫn đến quá trình tổ chức dạy học, đặc biệt là kiểm tra đánh giá sự tiến bộ của người học không tốt. Do đó, cần quan tâm đến việc nâng cấp, mua bản quyền phần mềm.
Về thiết bị kết nối đầu cuối, nhà trường phải mua sắm để kết nối trung tâm với nơi nhận các tổ chức các dịch vụ. An toàn, an ninh mạng cũng vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong bảo mật thông tin cho người học và người dạy, các bài giảng, an toàn trong môi trường mạng đối với HS.
Nội dung thứ hai là việc xây dựng kho học liệu số ngành GD, từ chương trình, SGK, bài giảng, các tài liệu số, phần mềm mô phỏng. Cần chọn mời những thầy cô giỏi, có kinh nghiệm để làm các video clip, xây dựng các bài giảng chuẩn trên cơ sở chương trình mà Bộ đã tinh giản để có kho học liệu dùng chung cho tất cả các nơi rất hiệu quả.
Ngành GD tiên phong và cũng là nơi hưởng lợi nhất khi tham gia vào đề án hệ tri thức Việt số hóa mà Chính phủ đang phát triển. Xây dựng kho học liệu trực tuyến để nhiều người, tất cả GV, HS đều có thể tham gia. Đây là GD suốt đời, nhiều người lớn cũng có thể tham gia vào học tập thông qua nguồn học liệu này.
Nội dung thứ ba là tăng cường tập huấn đối với giáo viên. Thời gian qua, giáo viên đã có nỗ lực rất lớn, đặc biệt là các cô giáo mầm non trong bối cảnh khó khăn đã rất nỗ lực để xây dựng các video clip, bài giảng hướng dẫn trẻ trong mùa dịch. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện rộng, chuyên nghiệp thì các thầy cô cần phải tập huấn, vì biết CNTT với bổ sung CNTT phục vụ cho công tác giảng dạy là hai câu chuyện khác nhau.
Bộ trưởng cho rằng dạy trực tuyến phải trở thành một nghề, có phương pháp sư phạm chứ không phải cứ đơn giản biết công nghệ là dạy được. Do vậy, các đồng chí giám đốc Sở phải có chương trình, có những bài giảng hướng dẫn các phương pháp sư phạm để dạy trực tuyến để có hiệu quả.
Nội dung thứ tư nâng cao tính tự giác và kĩ năng sử dụng mạng cho học sinh. Lớp học ảo cũng như lớp học như thật. Bởi vậy học sinh cũng phải được hướng dẫn để nâng cao tính tự giác và trách nhiệm học tập. Đặc biệt là những kiến thức, kỹ năng để phòng tránh tác động không mong muốn, tác động xấu khi tham gia vào môi trường mạng.
Nội dung thứ năm là nhiệm vụ của các nhà trường. Tới đây, việc kết hợp giữa học trực tuyến và trực tiếp tiếp tục được thực hiện. Những tiết giờ nào có thể học trực tuyến thì thống nhất để kết hợp, có quy định về chế độ dạy học trực tuyến để giáo viên yên tâm thực hiện; đồng thời có biện pháp nhắc nhở các thầy cô không tham gia vào chuyển đổi số hoặc có hành vi vượt quá giới hạn.
Sẽ có quy chế chính thức về dạy học trực tuyến
Nội dung thứ sáu là nhóm nhiệm vụ của Bộ, Sở, Phòng. Bộ trưởng cho biết, căn cứ vào yêu cầu của chương trình nội dung môn học, thực tiễn triển khai, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy chế chính thức dạy và học trực tuyến ở bậc phổ thông, tiến tới chuẩn hóa để mọi người áp dụng.
"Phải tiến tới chuẩn hóa để mọi người đều áp dụng, có tính chất pháp lí. Trong đó có một điều quan trọng là tổ chức đánh giá đảm bảo tính minh bạch, nghiêm túc, trung thực. CNTT hoàn toàn có thể đánh giá được mức độ tiến bộ của người học thậm chí phân tích chi tiết người học thiếu cái gì để tiếp tục bồi dưỡng". - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng cũng đề cập đến vấn đề thu học phí đối với phương thức dạy học trực tuyến. Theo đó, việc thu học phí phải rõ ràng, công khai, minh bạch, căn cứ vào đó người cung cấp dịch vụ giáo dục và người nhận dịch vụ thống nhất.
Đối với đại học, cần tăng cường các hình thức đào tạo từ xa, khuyến khích các trường đại học dạy học trực tuyến và trực tiếp. Hiện mới có khoảng 50% số trường quan tâm đến đào tạo trực tuyến, từ xa, số còn lại chưa quan tâm. Việc đẩy mạnh học trực tuyến sẽ nâng cao cơ hội cho người học.
Đặc biệt, cần xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu có chuẩn kết nối để thông suốt từ Phòng GD&ĐT đến Sở, đến Bộ. Bộ GD&ĐT sẽ sớm xây dựng trung tâm điều hành giáo dục, kết nối thông tin tới từng Sở, từng Phòng, từng cơ sở giáo dục để tránh thông tin không đầy đủ hoặc chậm.
Bộ trưởng nhấn mạnh, phương thức tổ chức dạy học áp dụng công nghệ để thành thục, hiệu quả cần rất nhiều cố gắng từ các bên. Với những gì làm được thời gian qua, quyết tâm của các địa phương, các nhà trường, doanh nghiệp và toàn xã hội, mục tiêu phát triển dạy học trực tuyến sẽ phát triển nhanh, chắc chắn, trở thành công cụ không thể thiếu.