Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp xúc cử tri là giáo viên tỉnh Quảng Trị

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp xúc cử tri là giáo viên tỉnh Quảng Trị

(GD&TĐ) - Chiều nay (23/9), tại TP Đông Hà, tiếp tục đợt tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã có buổi tiếp xúc cử tri ngành GD&ĐT.

1
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao đổi về các kiến nghị của cử tri

Sau khi nghe ông Hoàng Đức Thắm - Đại biểu Quốc hội Khóa XIII tỉnh Quảng Trị, Giám đốc Sở GD&ĐT - báo cáo tóm tắt chương trình dự kiến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII; cử tri ngành GD&ĐT đã tập trung kiến nghị, đề xuất ý kiến với Đoàn Đại biểu Quốc hội về những cơ chế vướng mắc, khó khăn địa phương đang gặp phải.

Kiến nghị tập trung vào các vấn đề: Tiếp tục đầu tư Đề án “Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên” giai đoạn tiếp theo; định biên giáo viên giữa các vùng miền; giảng dạy các môn khoa học trong trường THPT chuyên bằng Tiếng Anh...

Về Đề án “Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên”, Bộ trưởng khẳng định: Tiến độ Đề án không chậm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Đề án không xây hết số phòng đề ra trong kế hoạch ban đầu, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do biến động giá nguyên vật liệu, nhân công tăng đột biến đã đội tổng mức đầu tư của dự án lên nhiều lần so với thời điểm phê duyệt đầu tư; với khoản tiền đó thì đáng lẽ đạt được 10 phòng, nhưng bây giờ chỉ đạt được ít hơn. Tiếp đó là do cách thức triển khai, thực hiện Đề án của các địa phương...

Về các Thông tư hướng dẫn biên chế giáo viên và một số chức danh khác trong nhà trường, Bộ trưởng nêu rõ: Hiện đã có Nghị định về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức; Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ triển khai thông tư hướng dẫn triển khai trong ngành GD&ĐT, trong các nhà trường, cơ sở giáo dục các cấp.

Về việc xác định mức biên chế giáo viên ở các cơ sở giáo dục, trường phổ thông hiện nay giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa, giữa vùng khó khăn và vùng thuận lợi như nhau chưa hợp lý. Bộ trưởng khẳng định: Khi xây dựng định mức này đã có tính đến các yếu tố đặc thù vùng miền như mật độ dân số, khoảng cách địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội... Tuy nhiên định mức này chỉ là tương đối, vấn đề quan trọng là địa phương phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình để triển khai thực hiện sao cho hiệu quả.

1
Cử tri kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội

Về chủ trương dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh tại các trường THPT Chuyên của Bộ GD&ĐT; Bộ trưởng nêu rõ: Đây là một chủ trương được các trường chuyên hoan nghênh. Tuy nhiên việc giảng dạy Tiếng Anh đối với các môn học này không phải làm ồ ạt, nơi nào đủ điều kiện mới triển khai. Các trường nên tích cực chuẩn bị để đủ điều kiện thực hiện. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã trao đổi thêm về các ý kiến, kiến nghị của cử tri ngành Giáo dục liên quan đến các vấn đề: phụ cấp đối với nhân viên, phụ cấp cho cán bộ quản lý; nên giữ hay không kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT; việc triển khai phân cấp quản lý theo Nghị định 115 ở nhiều huyện còn khác nhau, chưa thống nhất và còn nhiều vướng mắc...

Bộ trưởng đã thông báo đến cử tri những quan điểm chung, xuyên suốt và nội dung chính của Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” theo tinh thần Đại hội XI của Đảng.

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng mong muốn các cử tri - nhà giáo, cán bộ quản lý hiểu rõ, triển khai thực hiện những vấn đề này theo đúng tinh thần chỉ đạo, hướng dẫn mà Bộ GD&ĐT, các Bộ, ngành chức năng đã ban hành.

        Minh Ngọc - Bá Hải

TIN LIÊN QUAN
   

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ