Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lý giải giá xăng dầu vẫn ở mức cao

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lý giải vì sao giá xăng dầu vẫn ở mức cao, tại phiên họp thứ 31 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất của Đại biểu Quốc hội, sáng 18/3.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất của Đại biểu Quốc hội, sáng 18/3.

Ngày 18/3, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cho rằng, vừa qua Nhà nước có nhiều biện pháp để kéo giảm giá xăng dầu, nhưng hiện nay mức giá còn cao, một phần do còn nhiều loại thuế phí, tỉ lệ cao như phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về…

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, các loại chi phí này được tính như thế nào và chiếm bao nhiêu phần trăm trong giá xăng dầu, và giá có theo sát tình hình thực tiễn trong bối cảnh hiện nay không và giải pháp giảm bớt các loại thuế, phí trong giá xăng dầu để bình ổn giá?

Trả lời đại biểu Trần Hồng Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá xăng dầu được xây dựng dựa trên những yếu tố: Giá hàng mua từ nhà máy hay giá hàng mua từ nước ngoài cộng với các chi phí trung gian.

Chi phí ban đầu hình thành chiếm từ khoảng 65% đến 77%, còn thuế các loại như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT hay thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu, chiếm từ 15% đến 29%, chi phí lợi nhuận định mức thì từ 1,2% đến 2%, chưa kể Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, những năm vừa qua, khi để đảm bảo phí, đảm bảo giảm giá xăng dầu, Bộ Tài chính cũng đã tham mưu cho Chính phủ và tham mưu cho Quốc hội để giảm 50% thuế bảo vệ môi trường kéo dài từ năm 2021 cho đến hiện nay.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, khi chúng ta hạn chế năng lượng hóa thạch chuyển sang năng lượng tái tạo, đúng ra số thuế này phải ngày một cao lên. Nhưng để đảm bảo cho kích cầu và giải quyết khó khăn cho nền kinh tế, đã có biện pháp là giảm thuế.

"Chi phí định mức như đại biểu đại biểu Trần Hồng Nguyên nói chiếm từ 7% đến 12% là chi phí vận chuyển sẽ do các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu thống kê, có hợp đồng và hồ sơ gửi Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương sẽ tập hợp để xác định vào cơ cấu của giá xăng dầu. Sau khi thỏa thuận với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ công bố giá xăng dầu cơ sở", Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu quy trình.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, năm 2023, chỉ số giá CPI đạt 3,25%, nhưng nửa đầu quý 1/2024 tăng lên đột biến. Vì vậy, việc kiểm soát cần được chặt chẽ, tránh tăng giá ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân.

Trong nhóm CPI có trên 700 hàng hóa, cần có giải pháp, trong đó can thiệp gián tiếp hoặc trực tiếp. Bộ sẽ tham mưu chính sách tài khóa, tiền tệ để hạn chế hoặc rút bớt tiền trong lưu thông. Tạo điều kiện, mở nút thắt để sản xuất kinh doanh phát triển để tạo hàng hóa dồi dào.

Bộ trưởng lấy ví dụ về giá xăng dầu, đã phối hợp với Bộ Công Thương đa dạng nguồn cung xăng dầu và có giải pháp giảm chi phí định mức. Còn với chi phí thuế, Bộ Tài chính cũng có giải pháp tiết giảm để đảm bảo quan hệ cung cầu. Hệ thống cung cấp cũng hạn chế đầu mối trung gian, đảm bảo nguồn cung và giá cả hợp lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ