Bộ Tài chính chọn gì?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngay sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp phải đối mặt với cơn bão giá. Giá xăng dầu tăng mạnh kéo theo mọi chi phí là đòn rất nặng với nền kinh tế.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Để hỗ trợ người dân và nền kinh tế, Bộ Tài chính mới đây tiếp tục đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế, tương đương giảm 700 - 1.000 đồng/lít (tùy loại).

Mức giảm này không thấm vào đâu, thậm chí không có mấy ý nghĩa, bởi chỉ vài ngày sau khi Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này, giá xăng đã lại tăng thêm 1.000 đồng/lít - bằng đúng mức giảm thuế Bộ Tài chính đề xuất.

Hơn nữa, dự báo thế giới cho thấy, giá dầu Brent đến cuối năm 2022 có thể tăng lên đến 150 USD/thùng kéo theo giá xăng trong nước tăng khoảng 40% trung bình năm.

Khi đó, mức độ ảnh hưởng của việc giảm thuế bảo vệ môi trường trên mỗi lít xăng ít ý nghĩa với tác động giá xăng trung bình của năm 2022 lên CPI.

Nói cách khác, dù có giảm kịch sàn thuế bảo vệ môi trường thì cũng không mấy tác dụng với việc giảm CPI và khó đạt được mục tiêu kìm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Trong tình hình hiện nay, các chuyên gia kinh tế và các đại biểu Quốc hội cho rằng Bộ Tài chính nên xem xét miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu với xăng dầu và đặc biệt là nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (thuế suất hiện là 7 – 10% tùy loại xăng).

Lý do là thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm điều chỉnh thái độ tiêu dùng, tức đánh vào hàng tiêu dùng (hoặc dịch vụ) hoặc nguyên liệu chủ yếu trực tiếp sản xuất ra những mặt hàng không được khuyến khích tiêu dùng.

Trong khi đó, xăng dầu chưa bao giờ thuộc đối tượng này, bởi nó là nhiên liệu và năng lượng đầu vào thiết yếu của nền kinh tế.

Hơn nữa, nếu tiếp tục giữ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và không xem xét miễn giảm thuế giá trị gia tăng (10%), thuế nhập khẩu (10%) thì giá mọi sản phẩm và chi phí đầu vào sẽ tăng, càng làm khó khăn thêm đời sống người dân và cản trở quá trình hồi phục của doanh nghiệp. Và rất có thể nguồn thu từ các loại thuế đánh vào doanh nghiệp sẽ giảm và ngân sách sẽ chịu thiệt hại.

Mặc dù vậy, Bộ Tài chính mới đây vẫn kiên quyết không đề xuất giảm các loại thuế với xăng dầu, trừ thuế bảo vệ môi trường.

Vẫn biết với vai trò “tay hòm chìa khóa” của ngân sách quốc gia, Bộ Tài chính đương nhiên phải cân nhắc, tính toán nhiều bề mỗi khi đề xuất điều chỉnh thuế, phí.

Tuy nhiên, đây không chỉ là bài toán của giá nhiên liệu thị trường thế giới mà còn là sự lựa chọn giữa ngân sách Nhà nước và nền kinh tế quốc dân với lợi ích của doanh nghiệp và người dân.

Hơn nữa, lúc thuận lợi có thể duy trì các sắc thuế như vậy nhưng trong tình huống đặc biệt đòi hỏi có giải pháp đặc biệt.

Nhiều nước trên thế giới coi việc tăng giá xăng dầu là tình thế đặc biệt, có thể gây lạm phát và suy thoái kinh tế nên họ hy sinh phần lớn của ngân sách, dùng những giải pháp mạnh như giảm thuế để giảm giá xăng. Ở nước ta, người dân và doanh nghiệp đang chờ xem Bộ Tài chính sẽ lựa chọn điều gì?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.