Nhiều vụ án, vụ việc ảnh hưởng tiến độ do dịch bệnh
Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, trong thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn toàn quốc. Đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhất là trong bối cảnh thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Vì vậy, việc kiểm tra, xác minh, giải quyết các vụ việc trong giai đoạn tiếp nhận, việc tiến hành các hoạt động điều tra trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, việc tiến hành các hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố của các cơ quan có thẩm quyền bị trì hoãn, kéo dài do không thực hiện được.
Hơn nữa, thực hiện Chỉ thị số 16, ai ở đâu thì ở yên đó nên không thể mời triệu tập để thực hiện các biện pháp xác minh, điều tra. Nhiều trường hợp người tham gia tố tụng bị nhiễm bệnh hoặc cách ly theo quy định của ngành y tế, bị can bị nhiễm bệnh nên không thể tiếp xúc để hỏi cung, phúc cung.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, có thời điểm cơ sở giam giữ dừng việc trích xuất bị can ra khỏi buồng giam giữ. Có đơn vị điều tra, kiểm sát phải tiến hành cách ly, phong tỏa do nhiễm SARS-Cov-2 nên không thể tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết và hoàn thiện hồ sơ giải quyết vụ việc, vụ án. Người bào chữa không thể tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng vì tình hình dịch bệnh.
Công tác giám định hoạt động của Hội đồng định giá chưa thực hiện được hoặc chậm tiến độ do các biện pháp cách ly, hạn chế số người tham gia làm việc tại trụ sở cơ quan. Có thời điểm chỉ bố trí 10% người đến cơ quan công tác do yêu cầu giãn cách.
Theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì sẽ phải đình chỉ điều tra. Điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm người phạm tội, đồng thời dẫn đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong khi việc đình chỉ không do lỗi chủ quan từ phía cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh. Điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời có thể phát sinh trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc ban hành các quyết định tố tụng đối với tổ chức, cá nhân, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do không được bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội thực tế gây ra.
Tạo cơ sở pháp lý rõ ràng
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Sang, từ tháng 6/2021 đến ngày 30/9/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hồ sơ vụ án không có cách nào giải quyết. Nguyên nhân là do hết thời hạn điều tra, do hồ sơ, do dịch bệnh điều tra viên thu thập tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ và Viện kiểm sát không thể truy tố được do thiếu tài liệu, chứng cứ.
Mặt khác, do phải thực hiện các quy định của tố tụng và quy chế của ngành nên Viện kiểm sát cũng không thể trực tiếp phúc cung, hỏi cung để ban hành cáo trạng. Hồ sơ có chuyển tòa thì tòa cũng không thể xét xử, do đó không có cách giải quyết. Dự báo trong thời gian tới, tình hình diễn biến của dịch vẫn còn hết sức phức tạp, do đó, nguy cơ các vụ án, vụ việc bị đình trệ do thiên tai, dịch bệnh sẽ gia tăng nếu không có biện pháp tháo gỡ, giải quyết.
“Vì những lý do trên, tôi tán thành bổ sung quy định cho phép tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh trong cả ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử theo khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 và khoản 1 Điều 281 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Việc bổ sung quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để có cơ chế kiểm soát đối với những người bị buộc tội do vụ án, vụ việc vẫn trong vòng tố tụng, các cơ quan có thẩm quyền tố tụng vẫn tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ. Việc bổ sung quy định này cũng góp phần thực hiện hiệu quả yêu cầu phòng, chống dịch bệnh” – đại biểu Nguyễn Thanh Sang nhấn mạnh.