Bổ sung DHA nhiều chưa hẳn là tốt

Ngày càng nhiều sản phẩm được quảng cáo có thêm thành phần DHA giúp trẻ phát triển thông minh, nhưng tác dụng thực sự của DHA và lượng bổ sung hợp lý thì chưa nhiều người biết. Sau đây là một số lưu ý khi bổ sung chất dinh dưỡng này cho cơ thể.

Bổ sung DHA nhiều chưa hẳn là tốt

Hiểu rõ về “chất vàng của não”

DHA là tên viết tắt của Docosa Hexaenoic Acid, một acid béo thuộc nhóm omega-3. Ở não bộ, DHA nằm trong thành phần cấu trúc màng tế bào thần kinh, các nhà khoa học gọi DHA là “gạch xây cho não người”. 

DHA chiếm tỉ lệ 20% trong vỏ não và 50% trong võng mạc. Chất này tạo ra độ nhạy của các nơ ron thần kinh, giúp dẫn truyền thông tin nhanh và chính xác.


Đối với sự phát triển thị lực và trí lực của thai nhi và trẻ nhỏ, DHA – “vàng của não” là vô cùng quan trọng. Năm 2005, một nhà sản xuất đã thử cho thêm thành phần “vàng của não” vào thành phần sữa bột. 
Từ đó, rất nhiều sản phẩm sữa dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ “ăn theo” phương thức này. Hiện nay, các thực phẩm cho thêm DHA ngày càng nhiều, từ dầu ăn cho tới xúc xích hay cháo gói, mì hộp…

Lượng bổ sung hợp lý

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị, lượng DHA bổ sung nên tính theo cân nặng, là 20mg/kg đối với trẻ sơ sinh; trẻ sinh non thì dựa theo thể trọng, lượng tiếp nạp mỗi ngày cần là 40mg/kg, người khỏe mạnh mỗi ngày cần nạp ít nhất 220mg.

Theo chuyên gia, do DHA là một acid béo không bão hòa, có đặc tính bất ổn định và dễ bị oxy hóa, nên nếu tiếp nạp quá lượng cần thiết sẽ sinh ra tác dụng phụ, như tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa, suy giảm sức đề kháng. 
Đối với trẻ sơ sinh, sự phát triển của cơ thể còn chưa hoàn thiện, nếu trong thực phẩm hàng ngày cho thêm quá lượng DHA sẽ ảnh hưởng tới chức năng miễn dịch của trẻ.

DHA chỉ có thể cho thêm vào các sản phẩm bơ sữa và sữa bột công thức, gạo và các chế phẩm từ gạo, bột mì và chế phẩm từ bột mì. Chuyên gia cảnh báo, quá định mức tiếp nạp dinh dưỡng sẽ phá hủy cân bằng dinh dưỡng cần thiết của cơ thể. 
Ngoài ra, DHA có tác dụng ức chế tập kết tiểu cầu và phòng chống huyết khối nên người mắc bệnh rối loạn đông máu, xơ gan, cần chú ý kiểm soát hợp lý lượng DHA được tiếp nạp.

Sữa mẹ là nguồn cung DHA tốt nhất

Theo nhiều nghiên cứu, thực phẩm an toàn nhất và chứa nhiều DHA nhất cho trẻ chính là sữa mẹ. Đối với trẻ sơ sinh, sữa mẹ có thể cung cấp đủ lượng DHA cần thiết, không cần phải bổ sung thêm. Tuy nhiên, hàm lượng DHA trong sữa mẹ được quyết định bởi thực phẩm mà người mẹ ăn.

Một nghiên cứu chỉ ra, những bà mẹ Nhật Bản ăn nhiều cá nên lượng DHA trong sữa mẹ tương đối cao. Do vậy, để trẻ thông minh, trong quá trình mang thai và khi cho con bú, các bà mẹ cần ăn nhiều cá và loại quả cứng (như óc chó, hạt dẻ, hạnh nhân…).

Ngoài hàm lượng DHA trong sữa mẹ, các bà mẹ có thể bổ sung DHA tự nhiên cho trẻ bằng cách làm phong phú bữa ăn với các loại cá, quả cứng và các loại tảo.

Theo khoe360.tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ