Bộ Ngoại giao lên tiếng về 220 tàu Trung Quốc neo đậu gần đá Ba Đầu

Bộ Ngoại giao khẳng định hoạt động gần đây của nhóm tàu Trung Quốc tại Sinh Tồn Đông đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Trả lời phóng viên tại buổi họp báo chiều 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS 1982 về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông DOC, làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (COC), bà Hằng nhấn mạnh.

Hình ảnh tàu cá Trung Quốc neo đậu ở rạn Đá Ba Đầu. Ảnh: AP.
Hình ảnh tàu cá Trung Quốc neo đậu ở rạn Đá Ba Đầu. Ảnh: AP.

"Là quốc gia ven biển và là thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập bởi công ước này", bà Hằng nói.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến quá trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc; đồng thời yêu cầu Trung Quốc đóng góp vào việc duy trì hòa bình an ninh ổn định và trật tự pháp lý trên biển trong khu vực.

Trước đó, một cơ quan chính phủ của Philippines - đơn vị phụ trách giám sát Biển Đông - hôm 20/3 cho biết họ đã phát hiện khoảng 220 tàu Trung Quốc neo đậu tại rạn san hô Đá Ba Đầu vào ngày 7/3. Cơ quan trên cũng bố hình ảnh các tàu đậu cạnh nhau trong khu vực rạn Đá Ba Đầu, theo AP.

Đá Ba Đầu là rạn san hô có hình dạng chữ V, thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.

Cơ quan này cho rằng số thuyền nói trên là "một mối đe dọa do khả năng đánh bắt quá mức và hủy hoại môi trường biển, cũng như rủi ro đối với an toàn hàng hải". Vào thời điểm bị phát hiện tại đá Ba Đầu, các tàu cá nói trên đang không đánh bắt.

Theo Zingnews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ