Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 19/11, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cung cấp thông tin cụ thể liên quan đến một số thông tin trên báo chí phương Tây nói rằng cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã bị bắt giữ ở Pháp và có thể bị dẫn độ về Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Tôi không có thông tin về việc bà Hồ Thị Kim Thoa bị bắt giữ tại Pháp”.
Ngày 13/7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, do có hành vi sai phạm trong thời gian dài, cố ý làm trái các quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước.
Trước đó, ngày 11/7, khi Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố thì bà Hồ Thị Kim Thoa được xác định đang ở Pháp.
Trong bản kết luận điều tra, Cơ quan CSĐT chỉ ra: Tháng 5/2010, bị can Hồ Thị Kim Thoa được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương, được phân công phụ trách trực tiếp Vụ Công nghiệp nhẹ (nay là Cục Công nghiệp) và Tổng công ty Sabeco; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác (trong đó có Tổng Công ty Sabeco).
Biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được sắp xếp, giao cho Bộ Công thương, Sabeco để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao… không được thành lập pháp nhân mới nhưng bà Thoa vẫn báo cáo ông Vũ Huy Hoàng (khi đó là Bộ trưởng Bộ Công thương) ký, phê duyệt 3 văn bản chấp thuận chủ trương cho Sabeco liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl.
Các bị can lợi dụng việc sắp xếp cơ sở nhà đất của doanh nghiệp nhà nước để dần chuyển dịch quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng từ Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl (từ tài sản nhà nước sang tư nhân).
Bằng các thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội nêu trên của bị can Hồ Thị Kim Thoa, quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng có diện tích 6.080m2 bị dịch chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân. Hậu quả, thiệt hại, thất thoát và lãng phí cho ngân sách Nhà nước là đặc biệt lớn.