Nói không với “hỗn chiến”
Ngay từ đầu vợ chồng bạn cần giao ước: sẽ không có “hỗn chiến” với con trong chuyện ăn uống. Một “cuộc chiến ăn uống” có thể nhồi nhét thêm cho bé chút ít đồ ăn nhưng sự tổn hại về tinh thần sẽ không phải là “chút xíu” đâu. Thậm chí bé sẽ “đụt” đi vì có một tuổi thơ thường xuyên bị “nhồi vịt”! Thay vì mẹ gầm gừ, con gào khóc, hãy tạo cho trẻ một nề nếp ăn uống nghiêm túc nhưng không căng thẳng. Nề nếp đó có khi chỉ đơn giản là hiệu lệnh “Há miệng nào!” để nhắc con bắt đầu một thìa cháo mới, có thể là quy tắc luôn ngồi ăn tại bàn chứ không có chuyện đi rong. Nhưng dù là nề nếp nào đi chăng nữa thì đôi lúc bạn cũng phải để cho bé có cái quyền từ chối ăn để “hỗn chiến” không nổ ra.
Kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn
Trong mắt trẻ thì chuyện nạp thức ăn thường là một hoạt động do người lớn áp đặt nên chúng dễ có xu hướng chống lại như một phản xạ tự nhiên vậy. Ngoài ra, những giọt nước mắt thay cho lời tuyên bố tuyệt thực còn liên quan đến cái thực đơn hoặc là đơn điệu hoặc là không “hạp gu” với độ tuổi bắt đầu biết “kén cá chọn canh” này. Bởi vậy bạn rất cần chịu khó mày mò với các loại thực đơn mới để khám phá “gu” của con.
Bạn cũng cần kiên nhẫn trong cách ứng xử với bé nơi bàn ăn. Đỏng đảnh là “bệnh” của tuổi lên hai lên ba, là sự thước đo khả năng chịu đựng của những người làm cha làm mẹ. Bởi vậy, hãy ráng bình tĩnh để đối mặt với… chân lý này. Bạn có thể tham khảo nhiều “chiêu thức” khác nhau của các bà mẹ “đồng cảnh” để khiến thức ăn trở nên “dễ thương” hơn trong mắt con trẻ. Chẳng hạn mẹ Bống đã nói với cô con gái ba tuổi rằng ở phía dưới đĩa thức của bé có tòa lâu đài của mụ phù thuỷ giam giữ một nàng công chúa xinh đẹp. Và để cứu được nàng thì trước hết Bống phải ăn hết chỗ thức ăn để dọn đường cho hoàng tử tiến vào. Còn mẹ Mũn thì hay nhắm vào thị giác của con. Tùy màu sắc, đĩa thức ăn khi thì được tưởng tượng là cánh rừng của muông thú, lúc lại biến thành biển cả của cá tôm, rồi thì cà rốt được tỉa thành hoa hồng, trứng rán hoá thân thành… tàu chiến.
Có nhà tâm lý đã ví von việc tập cho bé ăn giống như dạy chúng học những chữ cái đầu tiên vậy - phải mất rất nhiều thời gian, lòng kiên nhẫn, phải lặp đi lặp lại, phải không ngừng tìm tòi, thử nghiệm. Cho nên, thành quả đầu tiên mà người mẹ thu được ở đây không nằm ở số thìa thức ăn đã chui vào bụng con mà ở sự điềm tĩnh để lặp lại những “thử nghiệm”.
Mẹ ơi, đừng tuyệt vọng!
Thậm chí sức lực đã kiệt quệ và sự kiên nhẫn cũng đến hồi… thoi thóp thì bạn cũng không được tỏ ra bất lực, chán nản. Bằng mọi cách, hãy giấu đi nỗi tuyệt vọng của mình. Chỉ cần bé cảm nhận được việc bé ăn thêm một thìa cháo là quan trọng thế nào đối với mẹ thì bé sẽ từ chối để… thử phản ứng của mẹ ngay. Và nếu bạn mất kiên nhẫn thật rồi thì bé sẽ thỏa mãn với ý nghĩ “mình đã làm nên chuyện”! Hãy cố gắng hết sức, nhưng sau một loạt “thử nghiệm” mà con vẫn lắc đầu thì bạn đừng nài nữa. Hãy cho bé nghỉ và chờ lúc khác tiếp tục.
Chỉ cho ăn khi đói
“Bí quyết” lớn nhất để bé ăn ngoan chính là: tập cho bé thói quen chỉ ăn khi đói và uống khi khát. Con người ta đều sinh ra với nhu cầu tự nhiên là chỉ ăn vào thời điểm mà cơ thể thèm và chỉ “nạp” ở mức mà cơ thể cần. Bởi vậy, nếu như bạn đang dùng bim bim, kẹo bánh… để làm phần thưởng thưởng cho con mỗi khi bé ngoan chẳng hạn thì bạn cần thay đổi “chiến thuật” ngày. Khi dạ luôn lưng lửng, bé sẽ mất cảm giác thèm ăn và đâm ra thờ ơ với bữa chính bổ dưỡng mà bạn đã dày công chuẩn bị. Kiên trì với đường lối “chỉ cho ăn khi đói” nhất định bạn sẽ nhận thấy thái độ “nạp” thức ăn của bé được cải thiện.
Nếu thấy bé bắt đầu gảy đồ ăn lung tung, hãy cố gắng “giải mã” chuyện này trước khi trừng phạt bé. Có thể vì bé vụng về mà “trót nhỡ”, có thể vì bé đang “khó ở” hoặc đã chán ngấy cái thực đơn quen thuộc của mẹ. Nhưng khả năng lớn nhất là bé no rồi. Hãy dạy con biết nói “Con no rồi” thay vì để thức ăn “bay lượn” khắp nơi.
Món ngon cho cả nhà
Làm thế nào để bé vui vẻ chịu ăn những món bổ dưỡng đây? Hãy thường xuyên chuẩn bị những món này không chỉ cho một mình bé mà cho cả gia đình. Rồi mọi người hãy cùng nhau hào hứng đánh chén tất cả những gì đã dọn ra bé để bé thấy rằng những món ấy thật “xứng đáng” để ăn. Bé sẽ không bao giờ có hứng với món súp gà hầm khoai tây cà rốt nếu chỉ có một mình bé phải ăn món đó trong khi mọi người lại xì xụp húp món canh cá chua cá lóc.
Xa mặt cách lòng
Giấu đi các “món ăn chơi” khỏi tầm mắt con trẻ là cách hữu hiệu giúp mẹ và bé tránh được “hỗn chiến” trong giờ ăn chính. Trẻ con ở bất cứ độ tuổi nào cũng muốn nếm thử những thứ mà chúng nhìn thấy. Và chúng sẽ thấy cực kỳ vô lý khi không được đụng đến những món trông thật hấp dẫn cất trong tủ bếp. Bởi thế, nếu bạn không muốn bé đòi ăn bim bim trước bữa trưa hay một cây kẹo mút trước bữa tối thì hãy cất chúng ở ngoài tầm mắt bé. Và nói chung, đã không muốn con ăn những thứ linh tinh gây “ngang dạ” thì đừng mang về nhà. Xa mặt cách lòng mà.
Ngày mai trời lại sáng
Cuối cùng xin nhắc bạn: thứ nhất, chớ có lơ là một trong các “thuật” nêu trên, ngược lại hãy thực hành chúng một cách thường xuyên. Thứ nhì, bạn cần xác định đây là một cuộc “trường chinh”, một bộ phim nhiều tập. Tuy nhiên, “bộ phim” ấy sẽ có một “happy end”, bởi thói khó ăn khó uống ngày càng giảm dần khi bé lớn hơn. Hãy nhìn toàn cục “bộ phim” với tinh thần lạc quan và hãy vui với mỗi thành tựu đạt được mỗi tuần thay vì cứ chú mục vào những sự vụ tồi tệ hàng ngày, nhất định bạn sẽ có niềm tin: Ngày mai trời lại sáng!