Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì về lịch tựu trường, khai giảng khi dịch bệnh căng thẳng?

GD&TĐ - Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) làm rõ một số vấn đề xung quanh khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 mới ban hành.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong toàn quốc do Bộ GD&ĐT mới ban hành, ngày tựu trường được quy định sớm nhất vào 1/9/2021; riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ 23/8/2021; kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022.

Ngoài điểm mới liên quan đến ngày tựu trường với học sinh tiểu học, Bộ GD&ĐT cũng quy định, trong trường hợp đặc biệt, Chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyết định thời gian nghỉ học, thời gian tựu trường sớm và thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung thời gian toàn quốc, để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Theo trao đổi của ông Nguyễn Xuân Thành, Bộ GD&ĐT ban hành khung thời gian năm học áp dụng chung trên toàn quốc.

Khung đủ rộng để giao quyền chủ động cho các tỉnh/thành quyết định kế hoạch thời gian năm học của địa phương mình phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT không quy định “cứng” các mốc thời gian, mà chỉ quy định “sớm nhất”, hoặc “muộn nhất”.

Ví dụ, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, không thể tựu trường vào ngày 1/9, thì lùi muộn hơn - và chỉ cho học sinh đến trường khi bảo đảm an toàn theo quy định. Chỉ đạo này đã được Bộ thực hiện từ năm 2020 khi dịch bùng phát đến nay.

Trong trường hợp đó, chủ tịch UBND quyết định thời gian cho học sinh đến trường và ngay từ đầu năm học cần xây dựng kế hoạch giáo dục với thời gian kết thúc năm học không phải 31/5 mà là 15/6. Ngược lại, địa phương có điều kiện phù hợp có thể đẩy sớm thời gian tựu trường (cũng trong khoảng 15 ngày so với quy định chung toàn quốc). Quyết định này hoàn toàn trong thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Trường hợp bất khả kháng, dù đã kéo dài năm học muộn hơn 15 ngày nhưng vẫn chưa thể kết thúc năm học, sở GD&ĐT báo cáo về Bộ GD&ĐT để Bộ cùng bàn bạc, phối hợp với địa phương có giải pháp phù hợp. Như năm học 2019-2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn kết thúc năm học vào tháng 7/2020 thay vì 31/5 như kế hoạch ban đầu.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT.

Riêng học sinh tiểu học có thể tựu trường sớm hơn là rút kinh nghiệm từ năm 2020, bởi trẻ từ mầm non lên tiểu học cần có thời gian để làm quen với thầy cô, trường lớp, môi trường học ở tiểu học…

Ông Nguyễn Xuân Thành cũng lưu ý, khi xây dựng kế hoạch thời gian năm học của địa phương cần phải bảo đảm số tuần thực học; phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương; bảo đảm sự đồng bộ cho các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt trong trường phổ thông có nhiều cấp học.

Các ngày nghỉ lễ, tết được thực hiện theo quy định của Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hằng năm. Thời gian nghỉ phép năm của giáo viên được thực hiện trong thời gian nghỉ hè hoặc có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.