Bộ GD&ĐT không công bố đáp án ngay sau khi thi xong

GD&TĐ - Trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT), năm nay Bộ sẽ không công bố đáp án ngay sau khi coi thi xong. Bộ cũng đặc biệt chú trọng đến công tác chấm thi, bảo đảm an toàn, chính xác và công bằng.

Ông Mai Văn Trinh - kiểm tra thi tại Thanh Hóa
Ông Mai Văn Trinh - kiểm tra thi tại Thanh Hóa

* Ông có lưu ý gì đối với công đoạn chấm thi sắp tới?

- Năm nay, xuất phát từ mục tiêu hàng đầu là, bảo đảm tuyệt đối, chính xác công bằng, đặc biệt là ngăn ngừa gian lận trong Kỳ thi THPT quốc gia nói chung, khâu chấm thi nói riêng nên chúng tôi đã có những điều chỉnh, bổ sung nâng cấp quy trình và phần mềm chấm thi trắc nghiệm.

Năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ không công bố đáp án ngay sau khi coi thi xong. Chúng tôi sẽ cân nhắc ở một thời điểm hợp lý cùng với tiến độ của công tác chấm thi Chúng tôi sẽ công bố đáp án vào một thời điểm thích hợp.

Hiện nay, các phòng chấm thi tự luận, cơ sở vật chất phòng chấm thi tự luận, cơ sở vật chất phòng chấm thi trắc nghiệm đã được các hội đồng thi chuẩn bị đầy đủ. Các phòng chấm thi đã được lắp đặt camera. Hiện các thiết bị giám sát này đã hoạt động, sẵn sàng phục cho công tác chấm thi năm nay.

* Ngữ văn là môn thi tự luận duy nhất của Kỳ thi. Đề thi được ra theo hướng mở. Vậy chấm thi theo đề mở sẽ được thực hiện như thế nào thưa ông?

- Trước hết ta phải nói như thế này, một trong những đặc điểm của chấm thi tự luận là ít nhiều chịu sự ảnh hưởng chủ quan của người chấm và nó khác với chấm thi trắc nghiệm bằng máy.

Chính vì thế, không những ở Việt Nam, kể cả các nước trên thế giới, khi chấm các bài thi tự luận, bao giờ cũng có những giải pháp kèm theo để bảo đảm rằng, mặc dù chấm tự luận nhưng vẫn khách quan, chính xác và có độ tin cậy cao.

Năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ không công bố đáp án ngay sau khi coi thi xong. Chúng tôi sẽ cân nhắc ở một thời điểm hợp lý cùng với tiến độ của công tác chấm thi Chúng tôi sẽ công bố đáp án vào một thời điểm thích hợp.
Ông Mai Văn Trinh

Thực tế nhiều năm nay, đề Văn trong Kỳ thi THPT quốc gia đều ở dạng câu hỏi mở. Việc ra đề theo hướng mở nhằm mục đích để thí sinh sáng tạo trong trả lời kể cả về mặt tư tưởng nội dung cũng như cách thức trình bày. Đề mở chúng tôi sẽ có những hướng dẫn cho các bộ chấm thi.

Tuy nhiên để câu hỏi mở được chấm điểm cũng phải đạt được một số những yêu cầu nhất định: Thứ nhất phải trả lời được những yêu cầu mà câu hỏi đặt ra. Thứ hai, phải bảo đảm tính tư tưởng, độ chính xác không vi phạm thuần phong mỹ tục, không vi phạm pháp luật của Việt Nam Nam.

* Với đề mở sẽ yêu cầu giáo viên chấm thi ở trình độ tốt hơn. Vậy việc lựa chọn cán bộ chấm thi môn Ngữ văn có gặp khó khăn gì không - thưa ông?

- Với đề mở, sẽ đòi hỏi cán bộ chấm thi ở mức độ cao hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta đã qua nhiều năm ra đề theo hướng mở, thậm chí ở các trường THPT trong quá trình dạy học, các thầy cô giáo dạy Văn cũng tiếp xúc dưới dạng câu hỏi này. Do đó chúng ta yên tâm trong việc chấm thi đối với thi tự luận môn Ngữ văn.

Tất niên chúng ta cũng phải nhắc một việc rất quan trọng là, phải thực hiện rất nghiêm túc việc chấm hai vòng độc lập theo quy chế. Kèm theo là việc chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi. Nếu các hội đồng thi thực hiện nghiêm túc thì việc chấm Ngữ Văn sẽ bảo đảm phản ánh đúng chất lượng của thí sinh và bảo đảm đúng độ tin cậy, tính khách quan.

Ông Mai Văn Trinh trò chuyện thân mật và động viên các thí sinh
 Ông Mai Văn Trinh trò chuyện thân mật và động viên các thí sinh

* Tuy nhiên, một số tỉnh có đông thí sinh thì việc huy động GV có trình độ tốt để chấm thi có thể bị hạn chế. Vậy hướng khắc phục việc này như thế nào, thưa ông?

- Thực ra việc này cũng không phải là vấn đề quá khó. Tất nhiên là đông thí sinh thì logic kèm theo là sẽ đông giáo viên chấm thi. Chúng ta có cơ hội để lựa chọn. Các hội đồng thi xuất phát từ số lượng bài thi của hội đồng thi của mình và qua kinh nghiệm nhiều năm đã chủ động lựa chọn đủ số lượng cán bộ chấm thi để chấm thi môn Ngữ văn.

Ngoài ra, trong quy chế cũng cho phép, trong trường hợp cần thiết, các hội đồng thi hoàn toàn có thể mời thêm cán bộ giảng viên đến từ các trường đại học, cao đẳng để tham gia chấm thi. Việc này chúng ta không quá lo lắng.

Các giám thị đang chuẩn bị tốt trước buổi thi
 Các giám thị đang chuẩn bị tốt trước buổi thi

* Sau khi đi kiểm tra thực tế ở tỉnh Thanh Hóa và các địa phương khác ông có băn khoăn điều gì về mặt kỹ thuật chấm thi trắc nghiệm?

- Tôi tin tưởng vào Trường ĐH Bách Khoa. Theo tôi biết, những cán bộ chấm thi trắc nghiệm của nhà trường cũng đã nhuần nhuyễn các phần mềm này. Trong hướng dẫn quy định rất rõ cấu hình của hệ thống như thế nào, yêu cầu ra làm sao...

Nhân đây, tôi cũng đề nghị Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Sở GD&ĐT Thanh Hóa phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm chắc chắn, đầy đủ các điều kiện tổ chức chấm thi. Điều này, chúng ta không phải quá lo lắng.

Còn đối với các hội đồng thi khác, chúng tôi tiến hành tập huấn rất kỹ ngay từ tháng 3 cho đến giờ. Song song với đó, chúng tôi đã chủ động phân công công tác chấm thi cho các trường đại học từ sớm, nên những trường này đã được tập huấn thử nghiệm phần mềm rất kỹ.

Chúng tôi có giải đáp trực tiếp bằng nhiều kênh, kể cả qua Email, điện thoại và hướng dẫn trực tiếp. Trong phần mềm chấm thi này, chúng tôi đã xây dựng tài liệu chi tiết. Đến thời điểm này, chưa có một trường đại học nào phàn nàn, hay cần chúng tôi giúp đỡ gì quá lớn về công nghệ chấm thi này; tất cả đã sẵn sàng.

Mặt khác, trong quy chế cũng cho phép: Trường đại học nào cần thiết phải hỗ trợ của những cán bộ chấm thi có kinh nghiệm của các Sở GD&ĐT thì có thể áp dụng theo nguyên tắc, không lấy cán bộ của trường đó chấm bài cho thí sinh của mình.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.