(GD&TĐ)-Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời chất vấn của các ĐBQH liên quan đến giáo dục đại học, vấn đề tuyển sinh, chất lượng giáo dục ĐH, liên kết đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ...
Đồng chí Cù Thị Hậu - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên chất vấn:
Bộ cho mở nhiều trường cao đẳng, đại học dẫn đến tuyển sinh không đủ chỉ tiêu; Có hiện tượng tranh giành nhau bằng nhiều hình thức để thu hút sinh viên về trường mình. Hiện tượng hạ điểm chuẩn quá thấp không đảm bảo chất lượng học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp thực hiện trong thời gian tới như thế nào để khắc phục tình trạng trên?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
1. Việc thành lập các trường đại học, cao đẳng trong thời gian qua được thực hiện theo quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 -2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007.
Tiêu chí để xem xét các điều kiện thành lập trường đại học được căn cứ vào Quyết định số 07/2009/QĐ-TTg ngày 15/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện và thủ tục thành lập, chia, tách, sáp nhập trường đại học.
Trong 6 năm qua (2006-2011), đã thành lập 84 trường đại học mới, trong đó 51 trường nâng cấp từ trường cao đẳng và 33 trường thành lập mới, bình quân mỗi năm thành lập 14 trường. Cụ thể: 3 năm đầu (từ năm 2006 đến năm 2008) đã thành lập mới 24 trường và nâng cấp 25 trường, bình quân mỗi năm thành lập 16 trường. Từ năm 2009 đến tháng 7/2011, có 26 trường cao đẳng nâng cấp và 09 trường thành lập mới, bình quân mỗi năm thành lập 12 trường. Như vậy, số lượng trường thành lập mới trong 3 năm gần đây đã giảm nhiều so với trước và chủ yếu là nâng cấp từ các trường công lập.
Các điều kiện thành lập trường và cho phép trường đại học hoạt động cũng đã được điều chỉnh theo hướng nâng cao, ví dụ, sau khi các trường được thành lập, nếu đảm bảo các điều kiện, tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị, số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên chuyên ngành theo quy định thì Bộ Giáo dục và Đào tạo mới cho phép hoạt động đào tạo, mở ngành và tuyển sinh. Còn nếu trường được phép thành lập nhưng chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho phép hoạt động đào tạo và tuyển sinh, tránh tình trạng các trường vừa được thành lập được phép triển khai hoạt động đào tạo ngay khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện, dẫn đến đào tạo chất lượng kém.
Trên cơ sở xem xét các điều kiện về năng lực đào tạo của nhà trường (chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý) và đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chung của cả nước để giao chỉ tiêu tuyển sinh cho từng cơ sở đào tạo.
2. Trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011, trên cơ sở kết quả thi đại học toàn quốc, chỉ tiêu tuyển sinh và chính sách ưu tiên theo đối tượng và khu vực, Hội đồng điểm sàn quốc gia đã xác định điểm sàn xét tuyển đại học đối với học sinh phổ thông ở khu vực 3 là 13,0 điểm (khối A, D) và 14,0 điểm (khối B, C).
Hiện nay, một số trường đại học, cao đẳng (cả công lập và ngoài công lập) tuyển sinh không đủ chỉ tiêu được giao, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình này:
- Một số ngành cần đào tạo (nông nghiệp, khoa học cơ bản, sư phạm, khoa học xã hội, nhân văn...), do sau tốt nghiệp công việc không hấp dẫn, khó xin việc làm nên không thu hút được sinh viên vào học.
- Một số trường không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo (cơ sở vật chất đi thuê mướn chật chội, đội ngũ giảng viên thiếu nhiều, chủ yếu thỉnh giảng).
- Trong phạm vi cả nước, từng vùng hoặc trên phạm vi tỉnh/thành phố nhiều trường có ngành đào tạo giống nhau (như Kế toán, Tài chính - ngân hàng, Quản trị kinh doanh
Mặc dù một số trường đại học kiến nghị hạ điểm sàn xét tuyển để tuyển đủ chỉ tiêu đã xác định, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo không chấp thuận nới lỏng đầu vào, không vì mục tiêu chạy theo số lượng, mà kiên trì giữ điểm sàn xét tuyển, để bảo đảm chuẩn chất lượng tuyển chọn tối thiểu của các trường đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Qua thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh trong kỳ tuyển sinh năm nay, đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa phát hiện trường đại học nào hạ điểm chuẩn xét tuyển thí sinh có kết quả thi quá thấp vào học đại học.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển đất nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:
- Xem xét đánh giá lại kết quả, hiệu quả của việc mở trường trong giai đoạn 2001-2010 để đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu (về quy mô sinh viên/vạn dân, quy mô bình quân của trường đại học, cao đẳng; tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo nhóm ngành,...), phù hợp Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 theo định hướng quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các địa phương.
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012.
- Tăng cường công tác kiểm định chất lượng trường đại học, cao đẳng; công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường theo Nghị quyết số 50/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội khóa XII về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.
- Thực hiện việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trường theo các quy định tại Quyết định số 795/QĐ-BGDĐT ngày 27/02/2010, trong đó chỉ căn cứ vào giảng viên cơ hữu, không tính giảng viên thỉnh giảng; Có lộ trình điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở đào tạo theo các tiêu chí đã công bố.
- Hoàn thiện dự thảo Luật giáo dục đại học để trình Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các cơ sở giáo dục Đại học điều chỉnh các hoạt động và phát triển bền vững.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, đề xuất các chính sách khuyến khích, thu hút đối với người học và sau khi tốt nghiệp những ngành nghề mà nhu cầu xã hội cần, nhưng không thu hút được học sinh, điều chỉnh quy mô tuyển sinh và cơ cấu ngành nghề phù hợp với quy hoạch nguồn nhân lực đối với những ngành, nghề có xu hướng bão hòa, thừa trong tương lai.
Trong công tác chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục quan tâm, chú trọng đến chất lượng và nâng cao chất lượng đào tạo, xem đây là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình đổi mới giáo dục đại học.
Đồng chí Bùi Sỹ Lợi - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa chất vấn:
Kính thưa Bộ trưởng, trong 10 năm qua quy mô các trường đại học, cao đẳng tăng rất nhanh. Đề nghị Bộ trưởng cho biết tiêu chí xác định quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng ở nước ta. Bộ trưởng có giải pháp như thế nào khi hiện nay, nhiều trường không tuyển đủ học sinh so với nhu cầu đào tạo của trường và nhiều ngành đào tạo đang có nguy cơ giải thể.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
1. Trong hơn 10 năm qua, hệ thống giáo dục đại học đã từng bước phát triển về loại hình trường và hình thức đào tạo, cung cấp nguồn lao động có trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học phục vụ tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đến nay, cả nước có 202 trường đại học, 218 trường cao đẳng. Từ năm 2001 đến tháng 7/2011, đã thành lập 113 trường đại học (thành lập mới 36 trường, nâng cấp 77 trường) và 170 trường cao đẳng, (thành lập mới 29 trường, nâng cấp 141 trường). Trong 6 năm gần đây (2006-2011), đã thành lập 84 trường đại học, trong đó 51 trường nâng cấp từ trường cao đẳng và 33 trường thành lập mới, bình quân mỗi năm thành lập 14 trường. Cụ thể: 3 năm đầu (từ năm 2006 đến năm 2008) đã thành lập mới các trường đại học là 24 trường và nâng cấp 25 trường, bình quân mỗi năm thành lập 16 trường. Từ năm 2009 đến tháng 7/2011, có 26 trường cao đẳng được nâng cấp lên đại học và 09 trường đại học thành lập mới, bình quân mỗi năm thành lập 12 trường.
Như vậy, số lượng trường thành lập mới trong 3 năm gần đây đã giảm nhiều so với trước và chủ yếu là nâng cấp từ các trường công lập.
Việc thành lập, nâng cấp các trường đại học, cao đẳng trong thời gian qua đã phù hợp với triển khai Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007), phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng địa phương; phù hợp với chủ trương của Đảng, nhà nước về khuyến khích xã hội hóa giáo dục, khuyến khích các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đầu tư xây dựng các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập và được dựa trên những căn cứ chủ yếu sau đây:
- Luật Giáo dục năm 2005; Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2/8/2006 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
- Các Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng thời kỳ 2001-2010 của đất nước, của các vùng (Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu long, Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam) và của một số tỉnh, thành phố.
- Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 chung của đất nước và của các vùng (Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung; Vùng kinh tế trọng điểm phía nam; Vùng Đồng bằng sông Cửu long…).
- Tài liệu hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nội dung, phương pháp nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2005-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Các Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội từng khu vực, từng vùng kinh tế trọng điểm, từng địa phương, một số quy hoạch chuyên ngành của các Bộ, ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
- Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của các địa phương và các Bộ, ngành
2. Kết quả tuyển sinh đại học, cao đẳng trong 5 năm qua như sau:
2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | Tổng cộng 5 năm | |
Chỉ tiêu Quốc hội duyệt về tuyển sinh ĐH,CĐ (a) | 268.389 | 366.660 | 427.105 | 502.461 | 534.000 | 2.098.615 |
Kết quả tuyển sinh thực tế (b) | 284.979 | 354.194 | 439.064 | 481.866 | 510.000 | 2.070.103 |
Tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu (b/a) | 106,3% | 96,6% | 102,8% | 95,9% | 95,5% | 98,6% |
Qua bảng trên ta thấy: tỉ lệ tuyển sinh đại học, cao đẳng thực tế so với chỉ tiêu được Quốc hội duyệt trong hai năm 2006 và 2008 vượt kế hoạch; Ba năm 2007, 2009 và 2010 chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch; Tính trung bình tỷ lệ sinh viên tuyển mới so với kế hoạch trong 5 năm đạt 98,6%.
Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định tuyển mới 543.000 chỉ tiêu (tăng 6,47% so với năm 2010).
Năm nay, một số trường đại học, cao đẳng tuyển sinh không đủ chỉ tiêu được giao:
a) Các ngành như nông nghiệp, sư phạm, khoa học cơ bản, khoa học xã hội nhân văn… là những ngành cần đào tạo nhưng người học không muốn học;
b) Nhiều trường (trong cùng khu vực cũng như cả nước) mở quá nhiều ngành giống nhau như: Kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính…;
c) Một số trường khi mở ngành mới chưa có những nghiên cứu kỹ về nhu cầu của xã hội;
d) Một số trường có điều kiện đảm bảo chất lượng thấp (đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất,…), nên học sinh không lựa chọn vào học;
e) Một số trường mới thành lập nên chưa khẳng định được uy tín, thương hiệu.
Các giải pháp giải quyết tình trạng trên:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ Ngành đang phối hợp những nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách để thu hút học sinh vào học các ngành mà xã hội cần, và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng người học sau tốt nghiệp đi làm theo các nghề này;
- Tăng cường thông tin về quy mô sinh viên, ngành nghề đào tạo gắn kết với quy hoạch nguồn nhân lực để các trường, người học tự quyết định. Ngoài ra khi xem xét cho phép mở ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ chú ý đến tình trạng này để có những điều chỉnh thích hợp;
- Từ những định hướng, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát, điều chỉnh quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo của giáo dục đại học của các trường đại học và cao đẳng trên phạm vi cả nước trong giai đoạn 2011-2020.
- Tăng cường công tác kiểm định chất lượng trường đại học, cao đẳng; công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường theo Nghị quyết số 50/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội khóa XII về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.
- Thực hiện việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trường theo các quy định tại Quyết định số 795/QĐ-BGDĐT ngày 27/02/2010, trong đó chỉ căn cứ vào giảng viên cơ hữu, không tính giảng viên thỉnh giảng; Có lộ trình điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở đào tạo theo các tiêu chí đã công bố.
- Trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành Thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, làm cơ sở để các trường tự xác định chỉ tiêu đào tạo gắn quy mô với các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
Đồng chí La Ngọc Thoáng - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng chất vấn:
Năm 2011, tỷ lệ tuyển sinh mới đại học, cao đẳng vượt so với chỉ tiêu (chỉ tiêu của Quốc hội 6,5%; ước thực hiện 11,6%). Thực tế kỳ thi đại học và cao đẳng 2011 chất lượng rất thấp vậy mà tuyển sinh vẫn vượt chỉ tiêu. Trong khi đó nhiều trường đại học đã hạ điểm chuẩn, tuyển tới nguyện vọng 3 và đưa ra nhiều hình thức khuyến mại kể cả tặng máy vi tính xách tay vẫn không tuyển đủ sinh viên. Tuyển đầu vào ngành sư phạm có nhiều sinh viên thi môn lịch sử chỉ đạt 0,25 điểm vẫn đỗ đại học. Với chuyên môn chuyên ngành chỉ đạt 1-3 điểm vẫn đậu đại học. Đề nghị đồng chí Bộ trưởng cho biết:
1. Có phải chất lượng giáo dục của ta hiện nay ngày càng đi xuống? Tại sao lại có tình trạng tuyển sinh học sinh kém như vậy? Có phải Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương nới lỏng chất lượng đầu vào đại học vì đã cho thành lập quá nhiều trường đại học? Trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào trong vấn đề này?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
1. Về chất lượng giáo dục phổ thông
Từ năm học 2006-2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, thông qua cuộc vận động “Hai không” của ngành, đã tạo ra những cố gắng cải thiện chất lượng dạy học, góp phần quan trọng từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục chú trọng các giải pháp: giáo dục nâng cao ý thức của học sinh (học thực chất vì tương lai của mình và trách nhiệm với xã hội); hỗ trợ học sinh yếu từ đầu năm học, đầu cấp học; vận động đảm bảo 3 đủ (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở); đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá; hướng dẫn dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng; hoàn thiện cơ sở vật chất; Tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nhà giáo và hiệu trưởng các trường phổ thông; Tham mưu để cấp ủy, chính quyền các địa phương có sự chỉ đạo sát sao cả hệ thống chính trị ở địa phương chung tay với ngành chăm lo cho giáo dục.
Với sự chỉ đạo quyết liệt Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, cùng với sự nỗ lực cố gắng của các cấp quản lý giáo dục, giáo viên và ý thức vươn lên trong học tập của các em học sinh, chất lượng giáo dục đã được từng bước nâng lên, kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, phản ánh đúng chất lượng giáo dục. Chất lượng ở ‘‘vùng trũng’’, ở khu vực học sinh yếu kém đã chuyển biến tích cực, cụ thể như sau: Tỷ lệ tốt nghiệp trong kỳ thi năm 2007 chỉ đạt 66,7%; năm 2008: 76,0%, tăng hơn 9% so với năm 2007; năm 2009: 83,8%, tăng 7,8% so với năm 2008; năm 2010: 92,57%, tăng 8,97% so với năm 2009; năm 2011: 95,72%, tăng 3,15% so với năm 2010. Trong đó, số thí sinh tốt nghiệp loại trung bình chiếm đa số (86,17%), chỉ có 13,83% đạt loại khá giỏi và tỷ lệ thí sinh có điểm bình quân bài thi từ trung bình trở lên chỉ đạt 81,36%.
Những chỉ số trên cho thấy sự cố gắng những năm qua nhằm nâng cao kết quả học tập của học sinh mới chủ yếu đạt được nhờ nâng chất lượng học sinh học từ học lực yếu, kém lên mức trung bình, chưa nâng được nhiều chất lượng học sinh khá giỏi.
2. Về chất lượng tuyển sinh đầu vào của các cơ sở giáo dục đại học
Trên cơ sở số liệu thống kê chính thức kết quả tuyển sinh của năm 2010 là 510.000 sinh viên hệ đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định kế hoạch tuyển sinh của năm 2011 là 543.000 chỉ tiêu, tăng 6,47%.
Trên cơ sở kết quả thi đại học toàn quốc, chỉ tiêu tuyển sinh và chính sách ưu tiên theo đối tượng và khu vực, Hội đồng điểm sàn quốc gia đã xác định điểm sàn xét tuyển đại học năm 2011 đối với học sinh phổ thông ở khu vực 3 là 13,0 điểm (khối A, D) và 14,0 điểm (khối B, C) (giữ nguyên điểm sàn như năm 2010).
Nếu một trường đại học xác định điểm trúng tuyển bằng điểm sàn thì để trúng tuyển, kết quả thi của thí sinh là học sinh phổ thông ở khu vực 3 (các thành phố trực thuộc Trung ương) phải đạt tối thiểu 13 điểm/3 môn thi (đối với thí sinh dự thi khối A và D), 14 điểm/3 môn thi (đối với thí sinh dự thi khối B và C) và không có môn thi nào bị điểm 0. Nếu 1 học sinh ở vùng điều kiện khó khăn và được hưởng đủ mọi chế độ ưu tiên (dân tộc, địa bàn khó khăn, con thương binh, liệt sỹ...) thì phải đạt 8,0 điểm mới vào được trường đại học.
Hiện nay, một số trường đại học, cao đẳng (cả công lập và ngoài công lập) tuyển sinh không đủ chỉ tiêu được giao, do nhiều nguyên nhân khác nhau:
- Một số ngành cần đào tạo (nông nghiệp, khoa học cơ bản, sư phạm, khoa học xã hội, nhân văn...), do sau tốt nghiệp công việc không hấp dẫn, khó xin việc làm nên không thu hút được sinh viên vào học.
- Một số trường không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo (cơ sở vật chất đi thuê mướn chật chội, đội ngũ giảng viên thiếu nhiều, chủ yếu thỉnh giảng) do vậy không thu hút được học sinh vào học.
- Nhiều trường có ngành đào tạo giống nhau (như Kế toán, Tài chính - ngân hàng, Quản trị kinh doanh nên chia xẻ số lượng sinh viên vào các trường này.
Mặc dù một số trường đại học kiến nghị hạ điểm sàn xét tuyển để tuyển đủ chỉ tiêu đã xác định, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo không chấp thuận nới lỏng đầu vào, không vì mục tiêu chạy theo số lượng, mà kiên trì giữ điểm sàn xét tuyển, để bảo đảm chuẩn chất lượng tuyển chọn tối thiểu của các trường đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Qua thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh trong kỳ tuyển sinh năm nay, đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa phát hiện trường đại học nào hạ điểm chuẩn xét tuyển thí sinh có kết quả thi quá thấp vào học đại học.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển đất nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:
- Xem xét đánh giá lại kết quả, hiệu quả của việc mở trường trong giai đoạn 2001-2010 để đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu (về quy mô sinh viên/vạn dân, quy mô bình quân của trường đại học, cao đẳng; tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo nhóm ngành,...), phù hợp Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 theo định hướng quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các địa phương.
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012.
- Tăng cường công tác kiểm định chất lượng trường đại học, cao đẳng; công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường theo Nghị quyết số 50/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội khóa XII về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.
- Thực hiện việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trường theo các quy định tại Quyết định số 795/QĐ-BGDĐT ngày 27/02/2010, trong đó chỉ căn cứ vào giảng viên cơ hữu, không tính giảng viên thỉnh giảng; Có lộ trình điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở đào tạo theo các tiêu chí đã công bố.
- Hoàn thiện dự thảo Luật giáo dục đại học để trình Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các cơ sở giáo dục Đại học điều chỉnh các hoạt động và phát triển bền vững.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, đề xuất các chính sách khuyến khích, thu hút đối với người học và sau khi tốt nghiệp những ngành nghề mà nhu cầu xã hội cần, nhưng không thu hút được học sinh, điều chỉnh quy mô tuyển sinh và cơ cấu ngành nghề phù hợp với quy hoạch nguồn nhân lực đối với những ngành, nghề có xu hướng bão hòa, thừa trong tương lai.
Trong công tác chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục quan tâm, chú trọng đến chất lượng và nâng cao chất lượng đào tạo, xem đây là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình đổi mới giáo dục đại học.
Đồng chí Huỳnh Văn Tiếp - Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ chất vấn:
1. Vừa qua việc cho thành lập nhiều trường đại học, cao đẳng, bước đầu thu hút đông đảo sinh viên theo học nhưng chất lượng đào tạo kém, sinh viên ra trường không việc làm theo ngành nghề đã học, phải đi làm công nhân lao động thủ công.
Bộ trưởng có hiểu được tình trạng này hay không? Bộ trưởng có những chủ trương và giải pháp như thế nào về tồn tại trên?
2. Vừa qua, nhiều trường đại học dân lập và các viện nghiên cứu liên kết với nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài mở các lớp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ không đảm bảo thời gian, nội dung chương trình đào tạo dẫn tới nhiều thạc sĩ, tiến sĩ kém chất lượng (cử tri cho là thạc sĩ, tiến sĩ dởm).
Bộ trưởng có biện pháp, giải pháp giải quyết tồn tại trên vừa qua và sắp tới?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
1. Về việc thành lập nhiều trường đại học, cao đẳng nhưng chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu xã hội
Trong hơn 10 năm qua, hệ thống giáo dục đại học đã từng bước phát triển về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo, cung cấp nguồn lao động chủ yếu có trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Đến nay, cả nước có 202 trường đại học và 218 trường cao đẳng. Việc thành lập, nâng cấp các trường đại học, cao đẳng đã căn cứ vào với Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng địa phương.
Trong số các trường mới được thành lập, một số trường đã đầu tư cơ sở vật chất khá tốt (trường đại học Tây Đô, trường đại học Quốc tế Miền đông, trường đại học Võ Trường Toản,...), một số trường có đội ngũ giảng viên cơ hữu bảo đảm về số lượng (trường đại học Duy Tân,...). Bên cạnh đó, một số trường chưa thực hiện nghiêm túc cam kết theo dự án đã được phê duyệt khi thành lập trường (trường đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị, trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng, trường cao đẳng Công nghệ Thông tin thành phố Hồ Chí Minh,...), không ít trường cơ sở vật chất còn tạm bợ, thuê mướn địa điểm, giảng viên cơ hữu thiếu, trang thiết bị phục vụ giảng dạy học tập nghèo nàn (trường đại học dân lập Đông Đô, trường đại học dân lập Văn Hiến,...) đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Để từng bước khắc phục những yếu kém trên, trong hai năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã:
a) Từng bước giảm nhịp độ thành lập mới các trường đại học, cao đẳng (năm 2007 thành lập mới 10 trường đại học, 6 trường cao đẳng; năm 2008 thành lập mới 8 trường đại học, 7 trường cao đẳng; năm 2009 thành lập mới 4 trường đại học, 1 trường cao đẳng; năm 2010 thành lập mới 4 trường đại học, 1 trường cao đẳng; năm 2011 thành lập mới 1 trường đại học).
b) Giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy (năm 2010, giảm 20% và năm 2011 giảm 40% so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy).
c) Tạm dừng việc mở mới ngành, chuyên ngành đào tạo cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở đào tạo để xây dựng quy trình mới.
d) Tạm ngừng tuyển sinh 101 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ ở các trường không đủ điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.
e) Tạm ngừng tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2010 của trường đại học Công nghệ Đông Á và trường đại học Phan Châu Trinh.
Để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tiến hành một số giải pháp như sau:
a) Rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng trên phạm vi cả nước.
b) Tiếp tục đổi mới quản lí giáo dục đại học, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học.
c) Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học.
d) Ổn định chỉ tiêu tuyển sinh chính quy, tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy.
đ) Tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
e) Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp.
g) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng và thực hiện cam kết thành lập trường; xử lý nghiêm túc các trường vi phạm.
2. Về việc các trường đại học và các viện nghiên cứu liên kết với nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài mở các lớp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ kém chất lượng
Liên kết đào tạo với nước ngoài là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, đưa giáo dục Việt Nam nhanh chóng hội nhập với giáo dục quốc tế và khu vực khi Việt Nam đã gia nhập WTO và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Đến nay, có 364 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang được triển khai tại 63 cơ sở đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo và 05 đại học cấp phép. Các chương trình liên kết này đều được thẩm định kỹ các điều kiện theo quy định.
Tuy nhiên, một số viện, trung tâm và một số cơ sở khác không có chức năng đào tạo, không đáp ứng các điều kiện quy định vẫn tổ chức liên kết đào tạo với nước ngoài trái phép, đã gây bức xúc trong dư luận xã hội và thiệt thòi đối với người học.
Năm 2010 - 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 27 cơ sở giáo dục đại học, một số viện, trung tâm có liên kết đào tạo với nước ngoài, đã phát hiện và có văn bản yêu cầu một số cơ sở chấn chỉnh các sai phạm, lập hồ sơ xin phép liên kết đào tạo theo đúng quy định; đình chỉ hoạt động của một số chương trình liên kết đào tạo chưa được cấp phép.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo của các chương trình liên kết, bảo vệ quyền lợi của người học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2007 quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.
Trong thời gian tới, để quản lý chặt chẽ các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai một số giải pháp sau:
a) Tiếp tục ký công nhận tương đương văn bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới.
b) Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm các vi phạm về liên kết đào tạo với nước ngoài.
c) Công khai danh sách các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài được cấp phép trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
d) Phối hợp chỉ đạo các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành thanh tra, kiểm tra theo phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo (Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ)
e) Tổ chức Hội nghị về liên kết đào tạo với nước ngoài để tổng kết, rút kinh nghiệm 10 năm thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam.
g) Trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Việt Nam để đảm bảo quy định thống nhất và chặt chẽ về các điều kiện liên kết đào tạo với nước ngoài.
Bộ GD&ĐT