(GD&TĐ) – Sáng nay 12-10, tại Hội trường thành ủy tỉnh Tây Ninh, Bộ GD-ĐT, Hội cựu giáo chức đã long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 50 năm giáo dục giải phóng thời kỳ chống Mỹ cứu nước ở miền Nam(1962-2012). Về dự lễ kỉ niệm ngoài phái đoàn lãnh đạo Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Trần Quang Quý dẫn đầu, còn có nhiều vị lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ như: GS Trần Hồng Quân (nguyên Bộ trưởng Bộ GD), GS, Viện Sĩ, NGND Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD, Chủ tịch Hội cựu giáo chức VN), Nhà giáo Nguyễn Quốc Bảo (Trưởng ban liên lạc của Tiểu ban Giáo dục miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước), các cựu lão thành cách mạng cùng hơn 900 nhà giáo-chiến sỹ thời kỳ đi B.
Thứ trưởng Trần Quang Quý tặng bằng khen và kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục cho các nhà giáo có công lao to lớn với ngành |
Tại buổi lễ kỉ niệm, những trang sử hào hùng của những nhà giáo-người chiến sỹ cách mạng vừa cầm bút vừa cầm súng đã được chính những nhà giáo đi B qua các thời kỳ ôn lại qua những dòng cảm xúc, những kỉ niệm và cả những giọt nước mắt về một thời hoa lửa. Ông Phạm Thanh Liêm, đi B vào năm 1969 đã không cầm được nước mắt khi hồi nhớ lại những năm tháng gian khổ nhưng đầy vẻ vang của mình cùng với không biết bao nhiêu thế hệ nhà giáo đã dấn thân cho sự nghiệp trồng người những ngày khói lửa, bom đạn chiến tranh. Ông cho rằng: Chính lý tưởng vỹ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự soi đường, chỉ lối của Đảng CSVN là động lực, kim chỉ nam cho lớp lớp các thế hệ GV từ khắp mọi miền đất nước tập kết vào Nam.
Thứ trưởng Trần Quang Quý phát biểu tại lễ kỉ niệm |
Phát biểu tại lễ kỉ niệm, Thứ trưởng Trần Quang Quý nhận định: Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là kết quả của tinh thần dũng cảm, lòng yêu nước nồng nàn, sự hy sinh của đồng bào, chiến sỹ dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam. Trong đó, trên mặt trận giáo dục đã có những đóng góp to lớn của Tiểu ban giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, với nhiệm vụ tham mưu xây dựng nền giáo dục mới ở những vùng giải phóng và vùng còn tranh chấp với phương châm: chỗ nào có dân, chỗ đó có hoạt động giáo dục dưới nhiều hình thức. Đội ngũ nhà giáo bao gồm các nhà giáo ở địa phương, các nhà giáo từ miền Bắc vào chi viện có mặt ở khắp nơi cùng nhau chung sức xây dựng trường lớp, giảng dạy và tham gia công tác kháng chiến. Sự nhiệt huyết cùng quyết tâm ấy đã giúp chúng ta nhanh chóng xây dựng được 2 bộ chương trình và SGK cấp 1 và 2 giữa rừng để phát hành, đưa vào sử dụng vào cuối năm 1974. Kỳ tích ấy không chỉ gắn liền với trái tim, khối óc của biết bao thế hệ nhà giáo, mà nó còn thể hiện đường lối đúng đắn của giáo dục miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Những đóng góp, hy sinh, những bài học vô giá về ý chí, trí tuệ của bao lớp nhà giáo đã sống, chiến đấu và cống hiến cho nền giáo dục Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị, mang tính giáo dục vô giá với lớp lớp thế hệ học sinh, nhà giáo đi sau. Bộ GD-ĐT luôn coi những thành tựu lớn lao của giáo dục vùng giải phóng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước ở miền Nam là pho sử vàng để giáo dục truyền thống cho các thế hệ sinh viên, học sinh học tập và noi theo.
Một tiết mục văn nghệ -trống hội đậm chất dân tộc, giàu truyền thống của nghệ nhân Đức Dậu và các em học trường phổ thông thực nghiệm Tây Ninh |
“Ngành giáo dục hôm nay không quên và luôn tiếp nhận ngọn lửa của các thầy cô giáo đi trước, tiếp tục học tập, ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình đối với đất nước, nhân dân và sự nghiệp giáo dục. Nhân kỷ niệm 50 năm giáo dục giải phóng thời kỳ chống mỹ cứu nước ở miền Nam, tôi xin thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT, ngành Giáo dục cả nước xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến các thế hệ cán bộ, nhà giáo đã từng tham gia làm công tác giáo dục trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Tôi tin tưởng rằng các bác, các cô, các chú, các anh chị sẽ tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của ngành giáo dục nước nhà.”- Thứ trưởng nói.
Các đại biểu dự lễ kỉ niệm |
Tại buổi lễ kỉ niệm, Bộ GD-ĐT cũng đã quyết định trao tặng kỷ niệm chương: Vì sự nghiệp giáo dục cho 37 nhà giáo đã có đóng góp công lao to lớn cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Anh Tú