Liên quan đến 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với sự lãng phí của những dự án này là kiên quyết. Trước hết phải đánh giá cụ thể các dự án từ đó đưa ra giải pháp nhằm thu hồi lại tài sản nhà nước, giảm thiểu thiệt hại.
Đồng thời, có giải pháp để dự án tiếp tục hoạt động hiệu quả, phù hợp với công nghệ, xu thế. Bên cạnh đó, phải tiếp tục làm rõ tồn tại cả về thể chế, chính sách, trách nhiệm cá nhân từ lúc phê duyệt và đầu tư quản lý dự án.
“Ban chỉ đạo xử lý dự án nghìn tỷ phối hợp các Tổng công ty, các Tập đoàn và sự tham gia của các bộ ngành để mục tiêu 2017-2018 giải quyết dứt điểm các dự án đó. Phải xử lý trách nhiệm, tìm nguyên nhân để hoàn thiện chính sách.
Tới đây hàng loạt vấn đề lớn như quản lý tài sản công, quản trị, bổ nhiệm cán bộ…sẽ được rà soát lại. Tiếp tục sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, khắc phục yếu kém đầu tư, hiệu quả hoạt động”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Hiện nay, quy hoạch ngành thép vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến, hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng. Trước những lo ngại về tác động tiêu cực từ quy hoạch ngành thép, Bộ Công Thương khẳng định quan điểm tiếp cận của Bộ cầu thị và cởi mở, tiếp thu ý kiến đóng góp để điều chỉnh cho phù hợp. Bộ Công Thương cũng đã mời thầu tư vấn nước ngoài giúp nghiên cứu bổ sung phản biện trước khi trình Thủ tướng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, quy hoạch ngành thép cũng như chủ trương phát triển dự án thép ở Cà Ná được xem xét đầy đủ, khách quan và toàn diện.
Thực tế, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp thép, nhưng lại đang phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu thép, gây ra mất cân đối nghiêm trọng về nhập siêu từ các nước láng giềng.
Đối với Dự án thép Cà Ná thay thế dự án cũ không đủ điều kiện triển khai và mới dừng ở quy hoạch. Từ quy hoạch đến thực hiện tiếp theo cho đến khi dự án hình thành phải qua nhiều bước tiếp theo, liên quan đánh giá tác động môi trường, cũng như hàng loạt bộ, ngành khác. Về trách nhiệm nếu để xảy ra hệ lụy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu để xảy ra hệ lụy từ dự án thép.
“Dự án này mới dừng ở mức quy hoạch được điều chỉnh. Khi điều chỉnh quy hoạch và đưa dự án thép Cà Ná vào thì mới định hướng phát triển.
Khi nào triển khai thì mới chi tiết cụ thể các tác động của dự án, cũng như có hay không các hệ lụy. Từ quy hoạch đến thực hiện còn có nhiều khâu, đòi hỏi chức năng quản lý nhà nước của hàng loạt bộ ngành khác nhau.
Bộ trưởng Bộ Công Thương sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu hệ lụy xảy ra. Nếu để xảy ra hệ lụy như dự án thép, việc từ chức cũng còn quá nhỏ bé đối với những thiệt hại gây ra cho đất nước. Trách nhiệm của chúng ta, trong đó có cá nhân Bộ trưởng là đảm bảo không xảy ra hệ lụy từ dự án đó” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.
Đối với vấn đề nhân sự tại Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng Chính phủ liêm chính thì không có chỗ cho mối quan hệ cá nhân, phi pháp lý. Bổ nhiệm nhân sự phải tuân thủ đúng theo quy định.
Về việc một số cán bộ cán bộ đi nước ngoài mà không được sự đồng ý của cơ quan, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Công an để xử lý vi phạm trong các vụ án kinh tế, tại các doanh nghiệp có vấn đề./.