Bỏ biên chế viên chức, sẽ thực hiện việc ký hợp đồng xác định thời hạn?

GD&TĐ - Việc thực hiện hợp đồng có thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới nên thống nhất phương án: Tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật có hiệu lực sẽ thực hiện việc ký hợp đồng xác định thời hạn.

Toàn cảnh phiên làm việc chiều 10/6.
Toàn cảnh phiên làm việc chiều 10/6.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến khi thảo luận ở hội trường chiều 10/6 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Theo đại biểu, về lâu dài đối với công chức có nên áp dụng quy định tương tự như vậy. Các trường hợp trước đây thực hiện theo luật hiện hành, quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp vị trí việc làm, tạo sự cạnh tranh, động lực cho viên chức làm việc tốt, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ.

Tuy nhiên, hợp đồng phải có điều khoản ràng buộc. Chủ thể ký hợp đồng lao động không được tùy tiện cắt hợp đồng khi chưa hết hạn mà không rõ lý do minh bạch, xử lý kỷ luật viên chức nghỉ việc, nghỉ hưu, thời hạn, thời hiệu giống như cán bộ, công chức.

Đại biểu Phạm Văn Hòa.
Đại biểu Phạm Văn Hòa.

Tranh luận với đại biểu Hòa về việc chọn phương án 1 - thực hiện chế độ hợp đồng đối với viên chức tuyển dụng mới, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng: Phương án 1 có nội dung quy định là không ký hợp đồng xác định thời hạn, kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2.

Với nội dung quy định này, đại biểu cho rằng chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 19 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

“Tôi xem nội dung được trích tại Tờ trình của Chính phủ thì Nghị quyết số 19 của Trung ương chỉ yêu cầu: thực hiện chế độ hợp đồng viên chức, có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới, không có yêu cầu đối với các trường hợp đã được ký hợp đồng lần 2.

Tôi nghĩ khi viên chức đã được ký hợp đồng lần thứ 2, nghĩa là họ đã làm việc được 2 năm. Đã làm việc được 2 năm thì không phải là viên chức tuyển dụng mới nữa” – đại biểu Hương nói, đồng thời kiến nghị:

Nên thực hiện phương án 2 theo Tờ trình của Chính phủ là phù hợp. Theo đó, quy định là viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký hợp đồng xác định thời hạn tối đa 2 lần, sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Khi tuyển dụng mới, viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương.
 Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên), không nên cứng nhắc quy định lựa chọn 1 trong 2 phương án.

Đại biểu Phúc phân tích: Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đã thực hiện tự chủ thì việc thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn sẽ tạo môi trường làm việc tích cực, khắc phục hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là vào dễ, ra khó.

Qua đó, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm đồng thời đảm bảo cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng, ký hợp đồng, liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.

Tuy nhiên, với tình thình thực tế việc thực hiện tự chủ còn khó khăn, vướng mắc nhiều ở cơ chế chính sách, nhiều đơn vị sự nghiệp chưa thể tự chủ, đặc biệt đối với các trường khối phổ thông, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì việc ký kết hợp đồng xác định thời hạn không thể thu hút được sinh viên theo nghề, thu hút được giáo viên bám trường, bám lớp.

Giáo viên công tác tại các vùng đó không còn tâm huyết mà cống hiến cho nghề bởi tâm lý có thể bị đuổi việc bất cứ lúc nào.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc.
 Đại biểu Nguyễn Thị Phúc.

“Mặt khác, việc ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhiều lần vi phạm Luật Lao động vì quy định không ký hợp đồng xác định thời hạn quá 2 lần. Tôi đề nghị Chính phủ cần cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động của chính sách này kỹ hơn.

Còn quy định cụ thể từng đối tượng chịu sự tác động của chính sách này cho phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với từng loại hình đơn vị và tránh gây bức xúc trong dư luận” đại biểu Phúc nêu ý kiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ