Giai đoạn đầu từ 1/10 - 31/10, giai đoạn 2 từ 1/11/2021 - 15/1/2022 và giai đoạn sau đó. Việc mở cửa lại khiến các trường ĐH – CĐ trên địa bàn cũng rục rịch chuẩn bị phương án để đón sinh viên. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, khi chưa được phủ vắc-xin, sinh viên từ tỉnh trở lại TP thế nào?
Sinh viên từ tỉnh trở lại dự báo sẽ khó khăn?
Theo kế hoạch của UBND TPHCM, từ 1/10 TP sẽ không sử dụng giấy đi đường để kiểm soát người dân khi ra đường nữa mà thay vào đó là sử dụng chính sách thẻ xanh, thẻ vàng (mỗi người dân có 1 mã QR về thông tin tiêm chủng).
Từ khi dịch bùng phát mạnh tại TPHCM, sinh viên các trường ĐH, CĐ tại TP đã trở về quê để tránh dịch. Vì vậy, khi TP mở cửa và thiết lập trạng thái “bình thường mới” với chính sách thẻ xanh, thẻ vàng vắc-xin, sinh viên muốn trở lại học tập, được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi ở các tỉnh vắc-xin chưa nhiều.
Em Trần Thanh Phương, sinh viên năm 2 ngành Ngôn ngữ Anh (quê Ninh Thuận), cho biết, hiện tại, em và người trong gia đình chưa được tiêm vắc-xin vì khu vực nơi em ở vẫn chưa có dịch. Nghe thông tin TP sẽ mở cửa trở lại từ đầu tháng 10/2021 nhưng em chưa rõ sẽ yêu cầu và bắt buộc sinh viên ngoại tỉnh khi được trở lại TP cần những điều kiện gì?
“Hiện theo kế hoạch của nhà trường, chúng em vẫn học online bình thường cho đến khi có thông báo mới. Tuy vậy, em vẫn rất băn khoăn vì nếu TP kiểm soát được dịch nhanh và áp dụng chính sách “thẻ xanh, thẻ vàng” vắc-xin thì những người chưa được tiêm như em sẽ rất khó mà được vào lại TP”, Thanh Phương chia sẻ.
Cũng có chung tâm trạng băn khoăn, giảng viên Lê Thái Bình - Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn (hiện cư ngụ tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, anh bị mắc kẹt tại quê không thể trở lại trường từ đầu tháng 8. Hiện tại, hoạt động giảng dạy của anh chưa bị ảnh hưởng gì nhiều vì vẫn thực hiện bài giảng bằng hình thức online. Tuy nhiên, với kế hoạch chuẩn bị cho trạng thái “bình thường mới” của TPHCM, anh lo ngại mình sẽ không đủ điều kiện (thẻ xanh vắc-xin) để trở lại TP.
Nhìn thấy thực trạng và nguy cơ sinh viên, giảng viên ở tỉnh sẽ phải đối mặt khó khăn trong việc trở lại khi TP thực hiện chính sách “thẻ xanh, thẻ vàng” vắc-xin, nhiều trường ĐH, CĐ ngoài việc thống kê danh sách cán bộ, giảng viên tiêm vắc-xin thì còn đang tính phương án tìm nguồn vắc-xin cho trường mình.
TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn - cho biết, hiện Phòng Công tác sinh viên đang gấp rút triển khai việc thống kê số giảng viên, sinh viên tiêm vắc-xin mũi 1 và 2 để chủ động kế hoạch cho thời gian tới.
Ngoài việc lập danh sách cho cán bộ, giảng viên tiêm vắc-xin theo kênh của Sở Y tế TPHCM, trường còn cố gắng kết nối với sinh viên có hộ khẩu tại TP và trạm y tế quận, huyện để bảo đảm sinh viên được tiêm vắc-xin mũi 1 theo quy định. Hiện, trường có khoảng 700 cán bộ, sinh viên đã tiêm mũi 1.
“Riêng với số sinh viên ở tỉnh thì hiện vẫn chưa có chính sách gì về vắc-xin và chỉ trông chờ vào việc phủ vắc-xin theo lộ trình của các địa phương. Trong trường hợp TP mở cửa hoàn toàn mà sinh viên chưa thể vào TP để học tập trung thì các em sẽ tiếp tục học online, đến lúc đó nhà trường sẽ có kế hoạch cụ thể”, TS Lê Lâm nói.
Nỗ lực hỗ trợ sinh viên, giảng viên tiêm vắc-xin
Để tránh rơi vào thế bị động cho kế hoạch làm việc, học tập, nhiều trường ĐH, CĐ tại TPHCM ngoài việc cố gắng phủ vắc-xin mũi 2 cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, còn tập trung chính sách hỗ trợ tiêm vắc-xin cho sinh viên đang mắc kẹt tại TP, cũng như sinh viên ở KTX.
TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - cho biết, tới thời điểm này, đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên của nhà trường cơ bản đã hoàn thành xong mũi 1 vắc-xin ngừa Covid-19. Theo đợt tiêm chủng trọng điểm mà TP vừa triển khai số lượng cán bộ, giảng viên được tiêm mũi 2 cũng tương đối khá.
KTX ĐH Bách khoa TPHCM và ĐH Kinh tế TPHCM cũng đã hoàn thành việc tiêm vắc-xin mũi 1 cho khoảng 1.400 cán bộ, sinh viên (ĐH Bách khoa 850, ĐH Kinh tế TPHCM 550). Tính đến 15/8, tổng sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM đang ở TP (bao gồm sinh viên có hộ khẩu tại các tỉnh và hộ khẩu tại TP) đã được tiêm mũi 1 là 917 SV, tiêm mũi 2 là 53, chưa được tiêm là 901 SV.
Ông Nguyễn Thành An - Giám đốc Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM - cho biết: “Số sinh viên tiêm mũi 1 và 2 cũng tương đối. Tuy nhiên, so với tổng quy mô sinh viên toàn trường thì vẫn cần số lượng vắc-xin phủ rất lớn. Hiện, Ban giám hiệu nhà trường đang cố gắng kết nối các nguồn
vắc-xin của TP để đề xuất việc tiêm vắc-xin cho sinh viên, cũng như cán bộ, giảng viên còn thiếu mũi 2. Với hiện trạng khan hiếm vắc-xin chung của cả nước hiện nay, quan điểm của nhà trường là cố gắng được đến đâu hay đến đó vì thực sự không tự chủ được nguồn vắc-xin”, ông An chia sẻ.
Trong bối cảnh chung là thiếu vắc-xin, dù nỗ lực tìm kiếm nhưng các trường vẫn không thể chủ động được việc phủ vắc-xin cho sinh viên. Trường ĐH FPT đã lên kế hoạch mua 100.000 liều vắc-xin để tiêm cho toàn bộ giảng viên, sinh viên của mình từ tháng 2 nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. Hay Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM dù đã hoàn tất việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 cho hơn 4.000 sinh viên nhưng số sinh viên được tiêm mũi 2 (đạt tiêu chí thẻ xanh vắc-xin) cũng chỉ mới hơn 200 em.