'Bình thường hoá' phương pháp tuyển dụng trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong thế giới hậu Covid-19, có lẽ, sẽ không có gì ngạc nhiên khi ngày càng xuất hiện nhiều hoạt động tuyển dụng kết hợp hơn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Một cuộc khảo sát năm 2020 của công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Gartner có trụ sở tại Mỹ cho thấy, do đại dịch, 86% các tổ chức đang thực hiện tuyển dụng trực tuyến.

Cũng giống như việc chuyển đổi các khía cạnh khác của công việc, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) và số hóa đang trở thành xu hướng tuyển dụng không thể ngăn cản.

Song, khi đại dịch dần lắng xuống, câu hỏi được đặt ra là, liệu phương pháp tuyển dụng này có nên được duy trì? Các chuyên gia nhận định, ưu điểm rõ ràng của một cuộc phỏng vấn trực tuyến là có thể tiết kiệm thời gian cho cả hai bên.

Các nhà tuyển dụng biết rằng, thường chỉ mất vài phút để nhận ra ứng viên có phù hợp với vai trò họ cần hay không. Một quy trình phỏng vấn trực tuyến có thể có nghĩa là nhiều ứng viên được sàng lọc hơn trong thời gian ngắn, mà không mất thời gian đi lại.

Nhiều cuộc phỏng vấn trực tuyến hiện nay cũng bao gồm một video được ghi hình trước. Trong đó, các ứng viên trả lời một loạt câu hỏi từ nhà tuyển dụng. Sau đó, câu trả lời sẽ được sàng lọc thông qua trí tuệ nhân tạo. Phương pháp này được coi là vô cùng thuận tiện cho nhà tuyển dụng.

Song, chắc chắn là các cuộc phỏng vấn trực tuyến cũng có những nhược điểm. Trước hết, nhà tuyển dụng cũng như ứng viên cần có kết nối Internet ổn định và máy tính để thực hiện cuộc phỏng vấn hiệu quả.

Do đó, trong trường hợp ứng viên gặp trục trặc về Internet và micro kém chất lượng, tiến trình phỏng vấn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng này được cho là bất công với những ứng viên có địa vị kinh tế xã hội thấp hơn, nếu việc tiếp cận công nghệ ảnh hưởng đến cơ hội nhận được việc làm của họ.

Công nghệ như AI cũng có thể được các công ty triển khai để phân tích ứng viên thông qua cuộc phỏng vấn trực tuyến. Điều này cũng gây ra những tranh cãi.

Bởi, AI có thể đưa ra quyết định không đúng, nếu “học” từ dữ liệu sai lệch. Trong một nghiên cứu của Viện Công nghệ Georgia, robot ít có khả năng chọn phụ nữ hơn khi được yêu cầu tìm kiếm trong danh mục “bác sĩ”. Lý do là bởi, phụ nữ hiện chiếm một tỷ lệ rất ít trong số các bác sĩ hành nghề.

Bên cạnh đó, không phải tất cả ứng viên đều cảm thấy thoải mái trước máy quay. Điều đó làm tăng thêm sự căng thẳng vốn có khi họ tham gia phỏng vấn xin việc. Trong khi đó, phỏng vấn trực tiếp có thể là cơ hội để ứng viên tiếp xúc với văn hóa công ty. Điều này cho phép ứng viên đánh giá tốt hơn về việc, liệu vai trò và văn hóa công ty có phù hợp với họ hay không.

Tương tự, nhà tuyển dụng có thể tìm hiểu thêm về thái độ và tính cách của ứng viên từ một cuộc phỏng vấn trực tiếp, hơn là qua màn hình. Cách họ cư xử, tương tác với lễ tân và nhân viên hỗ trợ,... là manh mối quan trọng cho thấy ứng viên sẽ hòa nhập như thế nào.

Trong thế giới hậu Covid-19, có lẽ, sẽ không có gì ngạc nhiên khi ngày càng xuất hiện nhiều hoạt động tuyển dụng kết hợp hơn. Các doanh nghiệp có thể kết hợp các cuộc phỏng vấn trực tuyến với trực tiếp.

Như vậy, họ có thể sàng lọc sự phù hợp và năng lực, cũng như các khía cạnh khác của ứng viên. Dù là trực tuyến hay trực tiếp, những công ty luôn lấy con người làm trung tâm sẽ có khả năng thắng cao hơn trong cuộc chiến giành nhân tài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ