Bình dân học vụ số: 'Xóa mù' số, 'xóa mù' ngoại ngữ

GD&TĐ - Ngành GD-ĐT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm trang bị kỹ năng ngoại ngữ, tin học cho học sinh, các tầng lớp nhân dân...

Thầy trò Trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: TG
Thầy trò Trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: TG

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về phong trào “Bình dân học vụ số”, ngành GD-ĐT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm trang bị kỹ năng ngoại ngữ, tin học cho học sinh, các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức và ứng dụng vào đời sống.

“Làm mới” chính mình

Đã hơn 50 tuổi nhưng nhà giáo Nguyễn Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn đi đầu trong phong trào tự học ngoại ngữ, tin học và động viên cán bộ giáo viên, nhân viên toàn trường phát huy năng lực tự học nâng cao trình độ, tăng hiệu quả công tác giảng dạy.

Trong “Tháng tự học ngoại ngữ” do Sở GD&ĐT Hà Nội phát động (từ 20/2 đến 20/3/2025), cô Hà đăng ký tài khoản để tự học, tích cực tham gia phong trào bằng cách phát biểu bằng tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác để khích lệ học sinh nhà trường tham gia.

Theo cô Hà, vai trò của tin học và ngoại ngữ rất quan trọng và có mối quan hệ gần gũi. Nếu giỏi ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh thì việc sử dụng các phần mềm ứng dụng không còn phức tạp. Ngược lại, người rành về tin học có thể học ngoại ngữ thông qua các phần mềm hỗ trợ, học trực tuyến tốt hơn.

“Để trở thành công dân toàn cầu, chúng ta phải nắm vững hai công cụ hỗ trợ này. Bạn có thể nắm bắt được nhiều nguồn thông tin đồ sộ từ thế giới thông qua Internet. Nhưng chỉ có những người thành thạo ngoại ngữ và tin học mới có thể khai thác triệt để được nguồn kiến thức này”, cô Hà nói.

Nhờ phong trào tự học để nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, Trường THCS Trưng Vương đã đạt nhiều thành tích tại các hội thi giáo viên dạy giỏi, ngày hội công nghệ thông tin, cuộc thi học sinh giỏi cấp quận, thành phố, quốc gia, quốc tế. Những kiến thức ngoại ngữ, tin học của giáo viên, học sinh nhà trường còn được lan tỏa trong gia đình, cộng đồng.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, tổ chức phát động phong trào “Tháng tự học ngoại ngữ” tới tất cả trường học trên địa bàn thành phố là nội dung thiết thực của ngành GD-ĐT Hà Nội nhằm tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học được nêu tại Kết luận số 91 của Bộ Chính trị.

Phong trào nhằm khuyến khích học sinh các trường phổ thông trên địa bàn thành phố nâng cao khả năng tự học, phát triển kỹ năng ngôn ngữ, đồng thời tạo ra môi trường học tập sôi nổi, hiệu quả và giàu tính sáng tạo. Bên cạnh ngoại ngữ, trong thời gian tới, sở tiếp tục phát động “Tháng tự học tin học” cùng một số môn học khác. Không chỉ dừng lại ở “tháng tự học”, mà còn mở rộng thành “năm tự học”.

Những năm qua, Trung tâm GDNN - GDTX Nguyễn Văn Tố (Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ cho nhân dân địa phương qua những lớp học phổ biến kiến thức tại trung tâm học tập cộng đồng.

Xác định nhiệm vụ quan trọng của giáo viên trong triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”, ông Phạm Đức Nam - Giám đốc trung tâm cho hay, trung tâm đã tổ chức các chương trình đào tạo liên tục về công nghệ thông tin và cập nhật kiến thức mới cho giáo viên, cán bộ quản lý, đảm bảo luôn nắm bắt được xu hướng và công nghệ mới; tạo điều kiện và khuyến khích giáo viên tự học, tham gia các khóa học trực tuyến về công nghệ giáo dục.

xoa-mu-so-xoa-mu-ngoai-ngu-1.jpg
Học sinh Trường THPT chuyên Sơn Tây (Hà Nội) trong giờ tự học. Ảnh: TG

Xây dựng xã hội học tập số

Gần 80 năm trước, phong trào “Bình dân học vụ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động là biểu tượng của lòng quyết tâm, ý chí, tinh thần đoàn kết giúp người dân thoát khỏi bóng tối mù chữ, tiếp cận tri thức. Tinh thần “bình dân học vụ” vẫn nguyên giá trị khi Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc tới trong lĩnh vực “bình dân học vụ số”.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, “Bình dân học vụ số” chính là chiến lược mới của phong trào xây dựng xã hội học tập. Ưu thế của Bình dân học vụ số so với Bình dân học vụ 1945 là xu hướng tự học và học trực tuyến. Phương pháp này ngày càng chiếm thời giờ nhiều hơn trong tổng số thời gian học tập của mỗi người.

Dù thời điểm, điều kiện khác nhau nhưng ngành Giáo dục luôn là nòng cốt của phong trào. Giáo viên ngày nay không thể hơn học viên “nửa chữ” như thời dạy các lớp “Bình dân học vụ” trước đây. Lứa thanh niên hiện nay thường đã học xong cấp THCS hoặc THPT, đòi hỏi cao nội dung đào tạo, huấn luyện. Do đó, phải đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập của người dân, trong đó có nhu cầu xóa mù về tin học và ngoại ngữ.

Với sứ mệnh của mình, hệ thống giáo dục thường xuyên cùng giáo dục chính quy cần thực hiện tốt xóa mù chức năng, trong đó tập trung vào một số mục tiêu trọng tâm như triển khai “bình dân học vụ số” “bình dân học vụ ngoại ngữ” để khắc phục một trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của đất nước về chất lượng nguồn nhân lực.

Khẳng định ngành Giáo dục có vai trò quan trọng, nòng cốt trong thực hiện “Bình dân học vụ số”, bà Nguyễn Thị Nguyệt - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, các thầy, cô giáo, nhà trường cần tiên phong trong thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”, nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân.

“Bình dân học vụ số” được xem là giải pháp đột phá, cấp bách với mục đích trong thời gian ngắn phải cung cấp kiến thức trong hoạt động số hóa theo hình thức “Bình dân học vụ”, đảm bảo tất cả tầng lớp nhân dân đều hiểu biết cơ bản và có kỹ năng ứng dụng công nghệ số vào đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội, góp phần thực hiện thành công công tác chuyển đổi số.

Với chỉ đạo “Trung tâm giáo dục thường xuyên phải làm nòng cốt, chỗ dựa cho các trung tâm học tập cộng đồng”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhắc tới những việc mới của giáo dục thường xuyên. Đó là chuẩn bị cho phong trào Bình dân học vụ số, xóa mù số, phổ cập số; cùng với toàn bộ hệ thống giáo dục triển khai Kết luận số 91 của Bộ Chính trị để từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ