Hai cụ xe tăng 390 và 843 kính mến!
Hình ảnh hai cụ xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào ngày 30/4 gần 48 năm trước đã làm rúng động cả thế giới và trở thành biểu tượng đầy sức mạnh, khẳng định tinh thần quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Khoảnh khắc hai cụ phăng phăng tiến lên, loại bỏ mọi vật cản, phóng thẳng vào Dinh Độc Lập thực sự đã khiến con tim của bao thế hệ người Việt thổn thức xen lẫn tự hào vì đó là giây phút mở đầu để kết thúc hơn 20 năm cả đất nước bước vào kháng chiến đánh đuổi Đế quốc Mĩ xâm lược.
Hòa mình vào không khí đó, trong những ngày tháng 4 lịch sử, cháu viết lá thư này để bày tỏ niềm ngưỡng mộ của bản thân với các cụ và biết bao thế hệ người Việt Nam đã đứng lên để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Sau khi tìm hiểu qua sách, báo và các nguồn tài liệu khác, cháu được biết cụ 843 là xe tăng thuộc dòng T-54B thuộc Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 được điều khiển bởi Trưởng xe Bùi Quang Thận, hai pháo thủ là Thái Bá Minh, Nguyễn Văn Kỷ và lái xe Lữ Văn Hỏa.
Trong khi đó, cụ 390 mang họ T-59 và là một trong những chiếc xe được nước bạn Trung Quốc viện trợ. Làm bạn đồng hành với cụ 390 là tổ chiến đấu gồm 4 người: Chính trị viên Vũ Đăng Toàn, pháo thủ số 1 Ngô Sĩ Nguyên, pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng, lái xe Nguyễn Văn Tập.
Trước khi đến được Sài Gòn, hai cụ đã trải qua rất nhiều mặt trận, chiến dịch lớn và cùng nhau góp công sức không hề nhỏ, trong đó không thể không nhắc đến chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng, Tà Lương, A Lưới, các tỉnh miền Trung khác.
Đặc biệt, vừa hoàn thành sứ mệnh lịch sử tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, cụ 390 còn tham gia công cuộc bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ ở Campuchia sau đó lại ra Bắc, đóng quân tại Lạng Giang trước khi “nghỉ hưu” vào năm 1999.
Cả hai cụ đã cùng nhau làm nên khoảnh khắc lịch sử khi húc đổ cổng Dinh Độc Lập cũng là “mở toang cánh cửa” để đoàn quân chiến thắng đi tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đã có một khoảng thời gian dài, người ta tranh cãi cụ nào mới là người đầu tiên tiến vào Dinh cho đến khi hình ảnh của bà Francoise Demulder - phóng viên chiến trường người Pháp, và cũng là người duy nhất ghi lại những phút giây lịch sử đó được công bố.
Cuối cùng, cụ 390 được ghi nhận là chiếc xe đầu tiên húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập, sau khi băng lên trợ giúp cụ 843 bị chết máy khi húc vào cổng phụ. Tuy vậy, cháu nghĩ rằng, đối với những người chiến sĩ vận hành hai cụ thì ai là người đến trước không quan trọng bởi họ cũng như bao người đồng đội, đồng chí khác đã chia ngọt sẻ bùi, cùng ra trận để giải phóng miền Nam trong suốt một khoảng thời gian dài đằng đẵng.
Vì vậy, khi nhiệm vụ với non sông được hoàn thành họ sẽ cùng nhau sẻ chia niềm vui và vinh dự trở thành những người chiến sĩ dũng cảm tiên phong trong đoàn quân “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai...”.
Chiến tranh đã dần lùi xa gần nửa thế kỉ, những người lính năm nào tuổi còn mười tám đôi mươi nay đã trở thành các ông, bà và cả hai cụ xe tăng 390 và 843 cũng đã “nghỉ hưu” ở bảo tàng để kể lại những câu chuyện chiến đấu hào hùng cho thế hệ hôm nay.
Nếu như cụ 390 chọn Bảo tàng Binh chủng Tăng thiết giáp là điểm dừng chân mà cháu chưa được đến thì cháu đã vinh hạnh được gặp cụ 843 rất nhiều lần tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Xung quanh hai cụ chắc hẳn còn rất nhiều người bạn chiến đấu và đồng chí khác có thể cũng thuộc họ nhà tăng thiết giáp hoặc không.
Xe tăng T-54B mang số hiệu 843 được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: H.P. |
Tuy vậy, các cụ vẫn đang cùng nhau hằng ngày quảng bá hình ảnh của đất nước con người Việt Nam anh hùng, quả cảm trong chiến tranh và luôn yêu chuộng hòa bình với thế hệ trẻ Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Những tấm biển được đặt trang trọng trước mỗi cụ xe tăng, cũng như các hiện vật lịch sử như những dòng hồi kí vắn tắt về cuộc đời chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Chắc hẳn, đôi khi ngồi một chỗ trong bảo tàng ngày qua ngày các cụ nhớ thời trai trẻ năm xưa vẫy vùng tạo nên những chiến công oanh liệt bên đồng đội đồng chí lắm nhỉ? Những cháu vẫn tin rằng các cụ cũng sẽ rất vui khi được trở thành nhân chứng lịch sử chứa cả kho tư liệu đặc biệt về chiến tranh Việt Nam để có thể dìu dắt thế hệ trẻ như chúng cháu vững bước trên con đường xây dựng Tổ quốc.
Cháu là một người có niềm yêu thích đặc biệt với lịch sử và ngay từ bé tình yêu với các sự kiện theo dòng thời gian đã được thổi bùng khi được bố mẹ mua tặng nhiều cuốn sách hay và đưa đi đến nhiều danh lam, thắng cảnh.
Nhất là, cháu đã được đến tham quan nhiều di tích, vùng đất lịch sử để tìm hiểu những câu chuyện hào hùng trong quá khứ của cha ông và một trong những địa điểm cháu có cơ hội đặt chân đến chính là Dinh Độc Lập vào năm lớp 3.
Cháu đã được đặt chân vào bên trong tòa Dinh đồ sộ và sang trọng nơi cả hai cụ đã ghi lại những dấu ấn lịch sử của mình. Những phòng họp lộng lẫy được trang trí bằng ngà voi hay phòng chiếu phim thậm chí là cả một khu vườn ở trong tòa nhà lần lượt được cháu ghé thăm. Thế nhưng, thứ thu hút ánh nhìn cháu nhất chính là mô hình của hai cụ được đặt ở ngoài sân Dinh.
Với trí tưởng tượng của một cậu nhóc 8 tuổi thì hình ảnh của hai chiếc xe tăng vươn nòng pháo lên trời thật oai phong lẫm liệt. Và, khi khám phá được câu chuyện của hai cụ thì cháu thực sự càng cảm thấy khâm phục, mong bản thân sẽ chóng lớn để có thể đóng góp sức mình cho Tổ quốc thân yêu.
Cũng tại đây, cháu đã được nghe, được đọc những chiến công oanh liệt của quân dân ta để qua đó khi lớn lên càng thấm thía hơn về trách nhiệm bảo vệ nền hòa bình mà bao thế hệ ngã xuống mới giành lại được.
Nhất là, cháu có được những ký ức giá trị để có thể hình dung về ngày 30/4/1975 các cụ đã hùng dũng húc đổ cổng Dinh Độc Lập như thế nào trong biết bao niềm khâm phục và tự hào!
Thư cũng dài rồi, cháu dừng bút đây. Cháu chúc hai cụ sống lâu nghìn tuổi để mãi là biểu tượng cho sức mạnh và ý chí của con người Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Cháu sẽ sớm trở lại thăm cụ 843 ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và đến Bảo tàng Binh chủng Tăng thiết giáp để được tận mắt chiêm ngưỡng cụ 390!