'Biệt đội' nấm lim xanh

GD&TĐ - Vườn Quốc gia Sông Thanh có đến hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm.

Hai cây nấm lim xanh đã được một tổ tuần tra của Vườn Quốc gia Sông Thanh đánh dấu từ trước, đến thời điểm hiện tại đã đủ chuẩn để thu hoạch đem về nghiên cứu. Ảnh: Hoàng Vinh
Hai cây nấm lim xanh đã được một tổ tuần tra của Vườn Quốc gia Sông Thanh đánh dấu từ trước, đến thời điểm hiện tại đã đủ chuẩn để thu hoạch đem về nghiên cứu. Ảnh: Hoàng Vinh

Không chỉ bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Sông Thanh (tỉnh Quảng Nam), “biệt đội” còn kiêm luôn nhiệm vụ tìm và thu hái nấm lim xanh, phục vụ cho việc nghiên cứu nhân giống và cấp lại cho người dân để tạo sinh kế.

Theo chân người giữ rừng

Là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích lớn nhất Việt Nam, Vườn Quốc gia Sông Thanh có đến hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm. Một trong những loài có giá trị lớn đó là cây lim xanh và nấm mọc trên cây lim gọi là nấm lim xanh.

Đại diện phụ trách Vườn Quốc gia Sông Thanh cho biết, kể từ cuối năm 2020, Sông Thanh được công nhận là Vườn Quốc gia nên việc bảo vệ được thực hiện nghiêm ngặt. Người dân không được vào rừng như trước. Tuy nhiên, để hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng xung quanh, Ban Quản lý Vườn đã lập đề tài nghiên cứu trồng nấm lim để cung cấp giống miễn phí cho người dân. “Biệt đội” tìm nấm lim xanh được ra đời từ lúc đó.

Dẫn chúng tôi đi theo vào rừng, những thành viên trong đội bảo vệ liên tục dừng để thu hoạch nấm. Chỉ tay vào 10 chồi nấm cao khoảng 2 - 4cm, Bhnước Yên (25 tuổi, người xã Tà Bhing, huyện Nam Giang) – thành viên trong đội bảo vệ cho hay, đây được xem là một mạch nấm, và những cây nấm này mọc thành hàng dài theo rễ lim sau trận mưa giông vừa qua.

Theo lời Bhnước Yên, mỗi khi tới mùa mưa giông, nấm sẽ mọc lên từ vỏ rễ hoặc thân gốc của cây lim xanh đã chết. Đối với những cây đã chết quá lâu, mất lớp vỏ đi thì sẽ không tạo ra nấm nữa.

“Những lần đi như thế này, tổ bảo vệ rừng đều bấm tọa độ GPS lưu trữ địa điểm nào có nấm, ghi chép lại khu vực nào tập trung có nấm già, nơi nào có nhiều nấm mới mọc. Đối với những cây nấm chưa đến ngày khai thác được đánh dấu để anh em đi chuyến sau đến ngày để lấy về”, Bhnước Yên cho hay.

Đi khoảng 1 giờ đồng hồ với ước chừng 5km cắt rừng, chúng tôi đến được chốt bảo vệ rừng Khe Giữa bên dòng suối Nước Trong. Đây là trạm dừng chân dự trữ lương thực, nghỉ ngơi của anh em bảo vệ rừng khi đi tuần tra cũng như thu hái nấm.

Trời dần về trưa, 3 người đàn ông chia nhau nhóm lửa, vo gạo để chuẩn bị cơm trưa. Bữa trưa đi tuần giữa rừng đơn sơ với quả trứng gà chiên, mấy gói mì tôm nấu thật nhiều nước để làm canh. Ấy thế mà lại ngon lạ kỳ.

Bữa cơm trưa cùng với “Biệt đội” tìm và bảo vệ nấm lim xanh. Ảnh: Hoàng Vinh

Bữa cơm trưa cùng với “Biệt đội” tìm và bảo vệ nấm lim xanh. Ảnh: Hoàng Vinh

Mang sinh kế về cho dân nghèo

Mang những thắc mắc vào trong bữa cơm, tôi đặt câu hỏi, bấy lâu nay bà con vùng đệm sống dựa vào rừng, đến mùa lại vào hái nấm. Bây giờ, việc thu hái lâm sản là trái phép mà người của Vườn lại được phép. Mất nguồn thu như trước thì sao bà con đồng ý?

Nghe đến đây, anh Tal Ngôn Lực (33 tuổi, trú xã Đắc Pre) thành viên đội tuần tra, bảo vệ rừng cho hay, nếu gặp người dân, đội tuần tra sẽ yêu cầu người dân ra khỏi khu vực.

“Chúng tôi tuyên truyền để bà con biết là Vườn Quốc gia hái nấm không phải để bán mà đem về để nghiên cứu trồng nấm tại nhà. Sau này phát cho bà con trồng, không phải vào rừng nữa mà vẫn có nấm để bán kiếm tiền mua gạo, mua thịt. Mình nói tại rừng rồi đi tuyên truyền các thôn bản liên tục rồi bà con cũng hiểu ra và hợp tác”, Tal Ngôn Lực nói.

Bữa trưa ăn rồi trò chuyện được tầm 30 phút, bầu trời đang nắng như đổ lửa bỗng gió rít qua khe đá, rồi mây đen ập đến. Bhnước Yên nói chúng tôi mau thu xếp đồ đạc rồi di chuyển trở về vì mưa giông sắp ập tới. Dù vội nhưng Yên vẫn không quên đưa cho chúng tôi vài bao nilong để bảo vệ máy ảnh, điện thoại. Ra đến bìa rừng thì mưa đổ như trút kèm giông sét, Yên cười bảo chúng tôi “hên” chứ không sẽ ở lại trong rừng một đêm.

Về đến trụ sở, ông Phạm Hữu Nghĩa - cán bộ Vườn Quốc gia Sông Thanh chỉ tay về dãy phòng làm việc “khoe” các máy móc nghiên cứu để nuôi cấy nấm lim đã được nhập về để thực hiện đề án. Số nấm lim thu hoạch được sẽ được phân tách bào tử, tạo men nấm và nghiên cứu cấy lên giá thể là chính cành, thân của cây lim bản địa. “Việc cấy nấm lên giá thể là chính cây lim xanh sẽ cho chất lượng, hàm lượng dược liệu gần đúng nhất so với nấm lim tự nhiên. Vì từ trước đến nay, đa số nấm lim nuôi trồng nhân tạo trên thị trường hiện tại chủ yếu là mùn cưa của cây cao su, keo lá tràm”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng cho biết thêm, đề tài đến nay triển khai nghiên cứu được 2 năm, đã có những kết quả khả quan ban đầu. Sau khi nghiên cứu thành công, đơn vị sẽ nhân rộng mô hình và cung cấp cho người dân có nhu cầu nuôi trồng và chuyển giao kỹ thuật. Cùng với đó, đơn vị cũng sẽ liên hệ với các bên thu mua để lập chuỗi thu mua bao tiêu sản phẩm.

Với giá một ký nấm lim trồng hiện tại hơn 1 triệu đồng, bà con vùng đệm sẽ có được một nguồn thu bền vững mà không cần tác động vào rừng. Từ đó bà con sẽ cùng chung tay với chúng tôi giữ rừng, giữ sự đa dạng sinh học của khu vực.

Cùng với việc nghiên cứu nấm lim xanh, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh đến nay đã trồng được 400.000 cây Ươi bản địa hơn 1 năm tuổi. Ban Quản lý đang triển khai cho người dân trên địa bàn 8 xã vùng đệm (địa bàn huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) đăng ký để nhận giống Ươi về trồng phân tán theo chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.

Nếu sinh trưởng tốt, thời tiết thuận lợi thì đến năm thứ 7 - 8 sẽ cho hạt. Cây Ươi là một cây có giá trị kinh tế cao với giá thành 200.000 đồng/kg hạt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.