Biện pháp khai thác truyện kể trong dạy học các bài triết học - Môn giáo dục công dân lớp 10

Biện pháp khai thác truyện kể trong dạy học các bài triết học - Môn giáo dục công dân lớp 10

1. Vai trò và ý nghĩa của truyện kể đối với quá trình dạy học các bài triết học trong môn GDCD lớp 10 trước hết được thể hiện ở chỗ nó tạo ra sự hứng thú và hấp dẫn cho bài học. Sự hấp dẫn ấy đến từ chính nội dung cốt truyện, từ những tình tiết, những mâu thuẫn nảy sinh và cách giải quyết các tình huống qua cách kể của người GV.

Bên cạnh đó, đối với các bài học này, truyện kể sẽ giúp cụ thể hóa được tính trừu tượng, khái quát vốn có của tri thức triết học nói chung. Nhờ đó, những đơn vị kiến thức có trong bài học sẽ được giải thích và chứng minh một cách dễ hiểu.

Ngoài ra, nếu được sử dụng một cách khoa học và nghệ thuật, truyện kể còn góp phần bồi dưỡng và phát triển các năng lực cơ bản, phát huy tính tích cực, sáng tạo của HS trong quá trình học tập.

2. Vấn đề đáng lưu ý nhất trong quá trình sử dụng truyện kể là GV cần nắm vững cách thức khai thác chúng trong trong quá trình dạy học, tức là căn cứ vào mục đích dạy học để chọn lựa cách thức khai thác, sử dụng sao cho phù hợp. Nhìn chung, truyện kể thường được khai thác theo các hướng sau đây:

2.1. Khai thác truyện kể để dẫn dắt vào nội dung bài học

Trước khi vào nội dung chính của bài học, GV thường dùng lời nói để giới thiệu về nội dung bài học mới để dẫn dắt, tạo tâm thế tiếp nhận bài học và kích thích sự hứng khởi của HS. Bên cạnh đó, người GV cũng có thể dẫn dắt HS vào nội dung bài học bằng một câu chuyện triết học cụ thể.

Thực chất đây là hình thức GV dùng câu chuyện có nội dung phù hợp với chủ đề bài học để khơi gợi vấn đề sắp được nghiên cứu. Từ nội dung câu chuyện, GV làm rõ chủ đề bài học bằng những câu hỏi có tính định hướng nhằm chuẩn bị tâm thế tiếp nhận bài học mới cho HS.

Ví dụ, để dẫn HS bắt đầu học quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng dẫn đến những sự biến đổi về chất trong bài “Cách thức vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng” (bài 5 - GDCD10), GV có thể khai thác truyện kể sau:

Gà đẻ trứng vàng

Ngày xưa, có một người lái buôn cùng với vợ và hai đứa con sống trong một ngôi làng. Gia đình ông lái buôn có một cuộc sống khá sung túc. Họ có một con gà mái với bộ lông mướt và đẹp mỗi ngày đẻ ra một trái trứng. Đây không phải trứng bình thường mà là trứng vàng.

Tuy nhiên, ông lái buôn vẫn không hài lòng. Ông muốn trở nên giàu có nhanh hơn. Ông muốn có tất cả trứng vàng trong bụng con gà liền một lúc. Ông nghĩ nếu đem con gà mái giết đi thì sẽ lấy được rất nhiều trứng vàng. Vì thế, ông quyết định giết con gà.

Ngày hôm sau, khi con gà mái vừa đẻ ra một trái trứng vàng, ông lái buôn liền bắt lấy nó mổ bụng. Nhưng ông chẳng thấy trái trứng nào trong bụng con gà cả. Ông chợt nhận ra đã phạm một lỗi lầm lớn và từ nay ông sẽ không còn có được một trái trứng vàng mỗi ngày nữa.

Cuộc sống của ông lái buôn đang từ chỗ khá giả dần trở nên nghèo khó, khổ sở và cuối cùng đi đến chỗ phải ăn xin.

Kể xong, GV có thể dẫn dắt: Câu chuyện trên kể về lòng tham của người lái buôn để rồi phải trả một giá đắt từ chính lòng tham ấy. Tuy nhiên, xét dưới góc độ triết học, truyện kể đã giúp chúng ta nhận ra về một quy luật cơ bản của triết học khi bàn về con đường, phương thức, cách thức của sự vận động, phát triển của thế giới vật chất nói chung.

Con đường đó phải luôn đi từ những sự thay đổi dần về lượng rồi mới dẫn đến những biến đổi về chất. Mọi thứ nóng vội, tham lam, hấp tấp, không biết tích lũy dần về lượng mà mong muốn có được kết quả ngay sẽ bị trả giá bởi chính quy luật khách quan này. Vậy lượng trong triết học là gì? Chất là gì? Sự biến đổi từ lượng đến chất được diễn ra ra sao? Bài học “Cách thức vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng” (Bài 5 - GDCD10) sẽ trả lời những câu hỏi thú vị đó.

2.2. Sử dụng truyện kể để minh họa nội dung tri thức

Đây là cách thức được GV sử dụng thường xuyên, đặc biệt là khi giảng dạy các đơn vị kiến thức cần nhiều dẫn chứng. GV dùng truyện kể có nội dung phù hợp để làm sáng rõ tri thức của bài. Hay nói cách khác, bên cạnh dùng lý luận để phân tích, lý giải nội dung của các bài dạy triết học, GV có thể sử dụng hệ thống truyện kể để thực hiện nhiệm vụ này. Ta lấy trường hợp sau đây làm ví dụ:

     Khi giảng dạy bài “Nguồn gốc vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng” (bài 4 – GDCD10), sau khi giảng giải nội dung về hai huynh hướng vừa thống nhất vừa bài trừ, phủ định lẫn nhau giữa hai mặt đối lập, GV có thể sử dụng truyện kể sau:

Chiếc giày đánh rơi của một thương gia

Có lần trong lúc vội bước lên xe lửa, một vị thương gia nọ đã đánh rơi một chiếc giầy xuống đường ray và không thể nào lấy lên được vì xe lửa đã lăn bánh.

Ông bèn cởi ngay chiếc giầy còn lại và ném ra xa xuống đường ray, gần chỗ chiếc giầy đã rớt, trước sự ngạc nhiên của những người trên xe. Một hành khách không nén được thắc mắc đã lên tiếng hỏi:

- Vì sao ông lại làm như vậy?

 Vị thương gia mỉm cười và đáp:

- Khi một người nghèo nào đó tìm thấy chiếc giầy thứ nhất trên đường ray thì họ cũng sẽ tìm thấy chiếc thứ hai, và như vậy họ sẽ có đủ cả đôi để mang.

Trong cuộc sống, thứ quý giá nhất không phải vật chất hay tiền bạc mà chính là tấm lòng của bạn. Cho dù bạn có khoác những thứ đắt giá đến đâu lên người thì bạn cũng chẳng thể tỏa sáng bằng một người có tâm hồn cao đẹp.

Kể xong cây chuyện, GV có thể phân tích, minh họa theo hướng: câu chuyện trên đã phản ánh một cách rất rõ ràng tính chất vừa trái ngược nhau nhưng lại vừa gắn bó, nương tựa lẫn nhau của các mặt đối lập qua hình tượng đôi giày và hành động ném chiếc giày còn lại của vị thương gia nọ.

Một đôi giày mà chúng ta đang mang có hai chiếc có khuynh hướng trái ngược nhau nhưng cũng đồng thời liên hệ, gắn bó chặt chẽ với nhau, chúng không thể tách rời nhau trong bất cứ tình huống nào.

Hành động ném chiếc giày còn lại của vị thương gia không chỉ chứa đựng một thông điệp đạo đức sâu sắc mà xét dưới góc độ triết học chính là sự vận dụng nội dung quy luật về sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập có trong bài học này.

2.3. Sử dụng truyện kể để củng cố bài học

Đây là hình thức kể chuyện được dùng sau khi kết thúc bài học. GV kể cho HS nghe câu chuyện có nội dung phù hợp với bài học. Sau đó tạo ra tình huống có vấn đề từ trong truyện kể và yêu cầu HS dựa vào những tư tri thức đã được lĩnh hội để giải quyết tình huống đó.

Theo cách này, truyện kể sẽ biến thành ngữ liệu để trên cơ sở đó, GV xây dựng thành các câu hỏi, bài tập nhằm tổ chức cho học sinh thực hiện. Quá đó, tiến hành củng cố, luyện tập và mở rộng, nâng cao. Chẳng hạn, khi dạy bài “Khuynh hướng phát triển của sự vật và hiện tượng” (bài 6 - GDCD10). Khi kết thúc GV có thể khai thác truyện kể sau để củng cố bài học:

Yết Kiêu

Giặc Nguyên xâm lược nước Đại Việt ta, Yết Kiêu đến kinh đô Thăng Long yết kiến vua Trần Nhân Tông.

Nhà vua: - Trẫm cho nhà ngươi nhận lấy một loại binh khí.

Yết Kiêu: - Thần chỉ xin một chiếc dùi sắt.

 Nhà vua: - Để làm gì?

Yết Kiêu: - Để dùi thủng chiếc thuyền của giặc vì thần có thể lặn hàng giờ dưới nước.

Nhà vua: - Ngươi là dân thường mà phi thường. Ai dạy ngươi được như thế?

Yết Kiêu: - Muôn tâu Bệ hạ, người đó là cha thần.

Nhà vua: - Ai dạy cha ngươi?

Yết Kiêu: - Ông của thần.

Nhà vua: - Ai dạy ông ngươi?

Yết Kiêu: - Vì căm thù giặc và noi gương người xưa mà ông của thần tự học lấy.

Sử dụng truyện kể trên để củng cố bài học, GV sau khi kể xong các chi tiết như trên sẽ đưa ra một bài tập với nhiệm vụ cụ thể như sau:

Em hãy cho biết lời đối đáp của Yết Kiêu trước vua Trần Nhân Tông đã phản ánh sự vận động đi lên, cái mới ra đời, kế thừa và thay thế cái cũ nhưng ở trình độ ngày càng cao hơn, hoàn thiện hơn trong trường hợp này được biểu hiện như thế nào ? Từ đó, rút ra bài học cho bản thân trong nhận thức và hành động.

Qua gợi ý và hướng dẫn của GV, HS sẽ huy động những kiến thức có được từ bài học để trả lời câu hỏi gắn liền với truyện kể.

Theo đó, HS sẽ trả lời: sự vận động đi lên, cái mới ra đời, kế thừa và thay thế cãi cũ nhưng ở trình độ ngày càng cao hơn, hoàn thiện hơn trong trường hợp này được biểu hiện ở chỗ tài năng của Yết Kiêu có được nhờ sự học tập những thế hệ cha ông đi trước và có sự phát triển cao hơn. Sự phát triển ấy trong thực tế đã giúp cho Yếu Kiêu lập được nhiều chiến công to lớn trong công cuộc chống giặc Nguyên xâm lược.

Qua đó, trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, chúng ta cần nhiều cố gắng nổ lực để ngày càng phát triển và hoàn thiện bản thân. Đó cũng chính là quá trình phủ định biện chứng.

Đây là cách củng cố bài vừa hấp dẫn vừa hiệu quả. Một khi tình huống được tạo ra từ câu chuyện, nó sẽ giúp HS liên tưởng một cách tích cực giữa tri thức bài học với ý nghĩa từ trong câu chuyện. Kết quả của việc giải quyết tình huống từ những truyện kể luôn làm cho tri thức bài học được tiếp thu một cách sâu sắc và nhớ lâu. Củng cố bài học bằng truyện kể cũng làm cho giờ học kết thúc một cách nhẹ nhàng, gây tâm lý hào hứng đón chờ giờ học tiếp theo.

Trên đây là ba cách thức khai thác truyện kể cơ bản trong dạy học các bài triết học có trong chương trình môn GDCD lớp 10. Tuỳ theo mục đích bài giảng, GV linh hoạt vận dụng các cách thức khác nhau. Trong đó, thiết lập mối quan hệ hợp lý giữa nội dung tri thức và nội dung của truyện kể là ưu tiên hàng đầu trong quá trình chọn lựa.

3. Trong hệ thống các tư liệu dạy học môn GDCD, truyện kể một khi được khai thác đúng lúc, đúng mức, đúng yêu cầu sẽ luôn đem lại hiệu quả cao, đặc biệt là đối với các bài học triết học. Điều này xuất phát từ chính giá trị của bản thân truyện kể trong việc hình hành và bồi dưỡng thế giới quan, phương pháp luận khoa học. Để khai thác hiệu quả truyện kể, lí luận và thực tiễn cho thấy rằng bên cạnh nguồn truyện kể phải đảm bảo tính thẩm mĩ, giáo dục thì kĩ năng sử dụng truyện kể của người GV gắn liền với năng lực chọn truyện, xác lập phương cách, chất giọng, cử chỉ, ngôn từ, phong cách,... đóng vai trò quyết định đến hiệu quả của việc sử dụng nguồn tư liệu đặc thù này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ