Biến đổi khí hậu khiến nền nông nghiệp thay đổi thế nào?

GD&TĐ - Nóng lên toàn cầu sẽ ngày càng phá vỡ nền nông nghiệp tại hầu khắp các quốc gia, với nhiệt độ cao bất thường, hạn hán, cháy rừng và mưa lũ diễn biến phức tạp.  

Tưới tiêu trên một nông trại tại Kansas (Mỹ).
Tưới tiêu trên một nông trại tại Kansas (Mỹ).

Theo cảnh báo của Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu quốc gia của Mỹ, hiện tượng này sẽ ngày càng khiến công việc trên các trang trại Mỹ trở nên khó khăn hơn.

“Dự kiến nhiệt độ khắc nghiệt gia tăng sẽ càng làm tăng căng thẳng trong chăn nuôi gia súc và có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế lớn cho các nhà sản xuất”, theo báo cáo được công bố vào cuối năm 2018.

GS Vara Prasad, nhà nông học đến từ ĐH bang Kansas, một trong những người có nghiên cứu tổng hợp trong bản báo cáo, trao đổi rằng nhiệt độ nóng hơn và mưa thất thường ảnh hưởng tới những nơi canh tác nông nghiệp ở vùng Trung Mỹ.

Nông dân Kansas đang chứng kiến thời tiết đầu xuân sớm hơn bình thường, với nhiều đợt sóng nhiệt hơn, khoảng thời gian giữa các lần mưa kéo dài hơn và mưa đổ xuống cũng nhiều hơn bình thường.

Josette Lewis, thuộc Chương trình Nông nghiệp bền vững tại Quỹ Bảo vệ Môi trường phi lợi nhuận, nhấn mạnh nông dân có thể sẽ phải đối mặt với các loài sâu bệnh hoặc bệnh thực vật mới, khi chúng di chuyển sang các khu vực thích ứng mới do biến đổi khí hậu. Những thay đổi về cách trồng trọt sẽ làm nổ ra tranh chấp giữa thành thị và nông thôn về quyền sử dụng nước và chất lượng nước.

“Nông dân sẽ phải tính đến về những thay đổi quy mô lớn hơn trong các loại cây trồng mà họ trồng, xoay quanh lượng nước họ có thể sử dụng hoặc tìm các giải pháp sáng tạo khác”, Lewis cho biết.

Phạm vi tự nhiên của cây trồng đang có xu hướng dịch chuyển về phía Bắc để thích ứng với nhiệt độ nóng hơn - một mô hình có thể thấy trên toàn cầu. Trong khi đó tại Kansas, phạm vi tự nhiên của các loại cây chịu hạn tốt đang có xu hướng dịch về phía Tây khô nóng hơn, các loài cây cần nhiều nước thì về phía Đông.

Cho đến khi các đột phá mới xảy ra, nhà nông có thể cần phải thay đổi phương pháp trồng trọt để duy trì chất lượng đất. Canh tác ít thường sẽ tiết kiệm được nước, trong khi luân canh giữa các loại cây trồng, như đậu hoặc yến mạch với lúa mì và ngô theo mùa, hoặc thêm các loại cây trồng phi truyền thống như đậu xanh và đậu lăng, có thể giúp tăng sản lượng các mặt hàng chủ lực truyền thống của nông trại.

Các nghiên cứu khác gần đây dự báo nóng lên toàn cầu có thể sẽ tăng năng suất cây trồng ở các quốc gia nằm ở vĩ độ cao như Nga và Canada. Nhưng nó sẽ đem tới sự sụt giảm nghiêm trọng ở một số khu vực nghèo nhất thế giới như cận Sahara và Nam Á.

Trong khi thực vật tiêu thụ CO2 để sống, quá nhiều CO2 có thể ảnh hưởng tới hàm lượng dinh dưỡng của chúng đối với con người. Các nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng thuộc ĐH Harvard phát hiện rằng, cây trồng phát triển trong môi trường CO2 nồng độ cao có ít protein và các khoáng chất quan trọng như sắt và kẽm.

Trong khi nhà nông có thể thay đổi cây trồng và gia súc, một thị trường cho họ là hết sức cần thiết. Điều này chỉ khả thi khi người tiêu dùng thay đổi các lựa chọn thông thường, điều không xảy ra trong một sớm một chiều.

Trong mảng chăn nuôi, sự trợ giúp của các nhà sản xuất thực phẩm đóng vai trò quan trọng hơn trong việc giúp nông dân đa dạng hóa cây trồng, điển hình như việc khuyến khích trộn thêm các sản phẩm cây trồng mới vào hỗn hợp thức ăn cho gia súc…

Theo Seeker

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ