Biến dạng tay do tự ý bó thuốc nam sau ngã

GD&TĐ - Các bác sĩ khuyến cáo người dân, khi bị những chấn thương tổn thương đến xương khớp cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định và đã được xuất viện. Ảnh: BVCC
Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định và đã được xuất viện. Ảnh: BVCC

Mới đây, khoa Ngoại Tổng hợp - Chuyên khoa tại Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết đã tiếp nhận bệnh nhân L.V.T, 46 tuổi (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng 1/3 dưới cẳng tay phải sưng nề biến dạng, lệch trục chi, vận động cẳng tay phải hạn chế.

Theo lời kể, Trước khi vào viện 2 tháng, bệnh nhân bị ngã chống tay phải xuống nền cứng. Sau ngã, bệnh nhân đã chụp phim và phát hiện gãy xương quay phải. Tuy nhiên, thời điểm đó, người bệnh không đi viện điều trị mà đã ở nhà tự bó thuốc nam. Một tuần nay, tay phải của bệnh nhân biến dạng, đau nhức, hạn chế vận động. Do đó, bệnh nhân quyết định đến khám và điều trị.

Qua thăm khám và kết quả chụp phim, bệnh nhân được chẩn đoán lệch 1/3 dưới xương quay phải. Chỗ xương gãy bị sưng viêm, buộc phải phẫu thuật. Người bệnh được chỉ định tiến hành phẫu thuật chỉnh chục lệch đầu dưới xương quay. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định và đã được xuất viện.

Chia sẻ về trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Văn Huê - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp - Chuyên khoa cho biết: “Với tổn thương của người bệnh, nếu đến viện kịp thời, có thể điều trị kéo nắn bó bột hoặc phẫu thuật kết hợp xương tùy chỉ định.

Tuy nhiên, phần do tâm lý ngại đến viện hoặc chủ quan xem nhẹ, không hiểu biết về bệnh và thường nghe theo các bài thuốc nam không có cơ sở khoa học khiến tình trạng không được cải thiện mà càng trở nên nghiêm trọng hơn”.

Do đó, khi đến viện, phần đầu dưới xương quay trái của bệnh nhân đã bị lệch. Theo bác sĩ Huê, trong trường hợp này, người bệnh bắt buộc phải trải qua cuộc phẫu thuật để điều trị.

Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi bị những chấn thương tổn thương đến xương khớp cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Không nên tự điều trị tại nhà vì rất có thể sẽ khiến tình trạng bệnh không được cải thiện mà còn trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng thời, có thể gây ra tình trạng chấn thương nặng, có thể gây biến chứng cong vẹo, lệch trục chi gây ảnh hưởng vận động.

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo nhưng tình trạng người bệnh sử dụng các loại lá cây, thuốc nam để đắp lên vết thương, chữa gãy xương vẫn khá phổ biến, gây biến chứng nặng nề.

Trước đó vào tháng 5, Trung tâm Y tế huyện Tân Lập cũng đã cấp cứu cho một người đàn ông bị thủng dạ dày tự uống thuốc chữa xương khớp. Cụ thể, ông đã tự mua thuốc được quảng cáo điều trị đau xương khớp về uống, dẫn đến tình trạng viêm dạ dày biến chứng thủng dạ dày.

Các bác sĩ cho biết, việc tự ý dùng thuốc chữa bệnh có thể gây nguy hiểm do người bệnh không được chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ, dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày tá tràng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Do đó bác sĩ khuyến cáo, nếu mắc bệnh lý xương khớp, bệnh nhân phải đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Các bệnh nhân bị bệnh lý dạ dày, tá tràng, phải được thăm khám định kỳ, điều trị kịp thời, phòng nguy cơ bị viêm phúc mạc toàn thể, dẫn đến bị sốc nhiễm trùng, nguy hiểm hơn có thể tử vong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ