Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc: Tạo những trụ cột kinh tế, nguồn thu mới cho ngân sách

GD&TĐ - Vĩnh Phúc sẽ phát triển kinh tế trên 3 trụ cột là công nghiệp, du lịch - dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng chuỗi giá trị.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Khánh Linh)
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Khánh Linh)

Đây là định hướng của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An tại hội nghị trực tuyến quán triệt một số quy định của Bộ Chính trị và thông tin về tình hình của tỉnh những tháng đầu năm 2024, tổ chức hôm 14/8.

Hội nghị được kết nối đến hơn 1.600 đại biểu tại các điểm cầu của huyện, thành phố tỉnh Vĩnh Phúc.

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị tỉnh Vĩnh Phúc có các ông: Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo chủ chốt, các trưởng, phó phòng ban, đơn vị thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể.

Kinh tế phục hồi và khởi sắc

Tại hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt các nội dung cốt lõi, trọng tâm 3 quy định của Bộ Chính trị gồm: Quy định số 142 về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ; Quy định số 145 về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và Quy định số 178 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Tu4.jpg
Quang cảnh điểm cầu Trung tâm hội nghị tỉnh Vĩnh Phúc.

Thông tin về tình hình tỉnh Vĩnh Phúc những tháng đầu năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An khẳng định, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với những nỗ lực, quyết tâm và tinh thần vượt khó của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế của tỉnh phục hồi, khởi sắc ở cả 3 khu vực kinh tế Nhà nước, tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài.

Tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm đạt 6,26%. Thu ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2024 đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Đặc biệt, Vĩnh Phúc vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Trong 7 tháng, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và tăng vốn đầu tư cho 52 dự án FDI, với tổng vốn 473 triệu USD. Cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 17 dự án DDI, với tổng vốn 3.502 tỷ đồng.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư, phát triển. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của tỉnh năm học 2023-2024 tiếp tục được nâng lên. Năm học 2023-2024 là năm thứ 2 liên tiếp Vĩnh Phúc đứng đầu cả nước về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT. Các chính sách giải quyết việc làm, giảm nghèo tiếp tục được chú trọng; công tác an sinh xã hội, bảo trợ xã hội được thực hiện tốt.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An cũng phân tích, chỉ rõ những tác động đến tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, thu hút đầu tư, phát triển ngành du lịch, dịch vụ; những khó khăn tác động trực tiếp đến đời sống Nhân dân.

Ông Dương Văn An nhận định Vĩnh Phúc là tỉnh giàu nhưng thu nhập bình quân đầu người không cao. Do vậy, tỉnh cần tính toán tạo nên những trụ cột kinh tế, nguồn thu mới cho ngân sách, tránh phụ thuộc nhiều vào một lĩnh vực để bảo đảm nguồn thu ổn định, bền vững.

Tiếp tục đổi mới hoạt động thu hút đầu tư theo hướng tăng quy mô vốn các dự án, giảm tỷ lệ thuê đất, sử dụng đất; tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, tạo nguồn kích cầu từ khu vực dịch vụ cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư công theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; quan tâm, giải quyết những bất cập trong công tác thu gom, xử lý rác thải; chú trọng công tác cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ các công trình thủy lợi.

Xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình vi phạm mốc chỉ giới, nhất là tại các hồ lớn như Đầm Vạc, hồ Đại Lải… và xây dựng hồ Đầm Vạc trở thành trái tim sinh thái, là một thành phần trong biểu trưng của TP Vĩnh Yên.

Liên quan công tác quy hoạch xây dựng, quản lý các khu đô thị, chuyển đổi số, cải cách hành chính, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cho rằng, công tác bàn giao hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị cho chính quyền địa phương thực hiện rất chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án.

Đến nay, tỉnh chưa ban hành cơ chế, chính sách liên quan về đầu tư công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các nền tảng của đô thị thông minh. Chỉ số chuyển đổi số của tỉnh năm 2022 còn thấp và nguồn nhân lực không theo kịp yêu cầu về xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số.

Công tác cải cách hành chính chưa đi vào thực chất, tình trạng chậm muộn trong giải quyết thủ tục hành chính còn nhiều; tỷ lệ nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến còn thấp.

Riêng đối với việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương và người trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp công dân phải đặt mình vào vị trí của người dân để xem xét, xử lý những vấn đề bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

002TU.jpg
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - Trần Việt Cường quán triệt quy định của Bộ Chính trị về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. (Ảnh: Khánh Linh)

Sáu bài học kinh nghiệm

Thông tin về tình hình công tác cán bộ của tỉnh sau các vụ việc đã xảy ra trên địa bàn tỉnh, ông Dương Văn An đã chỉ rõ 6 bài học kinh nghiệm mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy rút ra. Thứ nhất, phải thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối, nghị quyết, quy định của Đảng, các nguyên tắc về xây dựng Đảng.

Hai là, siết chặt công tác kiểm soát quyền lực; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cán bộ, Đảng viên.

Ba là, phát huy trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng, vai trò và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, đề cao vai trò của cấp ủy, tổ chức Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ; phải thực sự coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc.

Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng để thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Năm là, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các kết luận kiểm tra, giám sát của các cơ quan Trung ương; nghiêm túc, cầu thị, tiếp thu để tổ chức thực hiện khắc phục triệt để, kịp thời các vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra.

Sáu là, các chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phải bám sát các quy định của Trung ương, phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh.

003TU.jpg
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - Hà Quang Tiến quán triệt quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. (Ảnh: Khánh Linh)

Đa dạng hóa nguồn thu để phát triển bền vững

Về định hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An cho biết, tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế trên cả 3 trụ cột là công nghiệp, du lịch - dịch vụ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng chuỗi giá trị.

Đối với công nghiệp, do diện tích đất đai của tỉnh không rộng, do vậy cần tạo ra giá trị gia tăng cao trên diện tích đất bằng việc cơ cấu lại ngành nghề thu hút đầu tư, hướng đến các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ bán dẫn, chíp máy tính… Chú trọng hoàn thiện công tác quy hoạch và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp.

Đối với du lịch, cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cấp hạ tầng, chất lượng dịch vụ. Nghiên cứu phát triển khu du lịch Tam Đảo 2, du lịch sinh thái, du lịch hội thảo, hội nghị, du lịch văn hóa lịch sử dựa trên lợi thế của từng địa phương.

Tập trung thu hút các dự án trung tâm thương mại quy mô lớn, phát triển các trung tâm vui chơi giải trí; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người có thu nhập thấp.

Trong nông nghiệp cần nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm tốt, giá trị gia tăng cao, phát triển nông nghiệp sạch, các loại cây dược liệu, cây trồng phục vụ sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng…

Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch thông tin. Nâng cấp cơ sở hạ tầng để tăng cường liên kết vùng; phát triển du lịch, dịch vụ; đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột kinh tế số, xã hội số, chính quyền số. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Dương Văn An đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng lực, sức sáng tạo, phát huy tinh thần đoàn kết xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có nhất ở miền Bắc nước ta như lời Bác Hồ từng căn dặn khi Người về thăm Vĩnh Phúc năm xưa.

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An cũng thông tin về công tác bố trí cán bộ sau kỷ luật; quan điểm lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên dự tập huấn.

STEM 'gieo mầm sáng tạo' cho trẻ mầm non

GD&TĐ - STEAM qua các hoạt động vui chơi và trải nghiệm thực tiễn, giúp trẻ mầm non sáng tạo, kỹ năng khám phá và áp dụng kiến thức phù hợp với lứa tuổi.