Bí thư Thành ủy chia sẻ, Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế... nên Đại hội lần này được sự quan tâm theo dõi. Thành công của Đại hội không chỉ có ý nghĩa đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội mà còn có ý nghĩa đóng góp vào thành công chung hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Nguồn "tài nguyên chất xám" lớn
Ông Vương Đình Huệ cho biết sau cuộc làm việc với tập thể Bộ Chính trị về phê duyệt văn kiện và phương hướng nhân sự Đại hội, Đảng bộ TP đã tiếp thu và có những chỉ đạo sát sao trong nhiều vấn đề.
Lần đầu tiên trong Báo cáo chính trị và dự thảo Nghị quyết đặt mục tiêu mỗi năm khám sức khỏe cho công nhân một lần. Ông Huệ cho biết Hà Nội đã thực hiện khám sàng lọc ung thư đại tràng cho người trên 40 tuổi, nhưng về chỉ tiêu ít nhất một năm khám sức khỏe định kỳ cho công dân một lần phải quyết tâm thực hiện.
Về tuổi thọ, TP xác định tuổi thọ người dân Hà Nội hiện cao hơn bình quân cả nước 1,5 tuổi, TP đặt mục tiêu đến 2025, tuổi thọ trung bình ở TP là 76-76,5 tuổi - cao hơn tuổi thọ cả nước 2 tuổi, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đề cập tới điểm mới về nguồn nhân lực và đào tạo cán bộ trẻ, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, TP xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Thủ đô” để kết nối toàn bộ tri thức trên kho tàng tri thức trên địa bàn Hà Nội.
Hà Nội có kho tàng, nguồn “tài nguyên chất xám" và nguồn lực trí thức rất lớn. Trong mạng lưới đó sẽ xuất hiện tài năng, nhân tố trẻ để bồi dưỡng, đào tạo qua thực tiễn.
Sắp xếp cán bộ theo năng lực, sở trường
Thông tin về tỷ lệ cán bộ trẻ và cán bộ nữ, người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội cho biết khóa XVI, Hà Nội có tỷ lệ nữ là 12% nhưng nhiệm kỳ này tăng lên 21%. Riêng trong Ban Thường vụ Thành ủy, tỷ lệ cán bộ nữ là 25% với 4/16 ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy là nữ. Theo ông Huệ, tỷ lệ này là rất cao.
Trước câu hỏi của báo chí liên quan đến việc sắp xếp nhân sự trong khóa mới, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết việc sắp xếp Trưởng Ban Dân vận và Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cần phải có quá trình.
Trước đó, tại phiên họp thứ nhất BCH Đảng bộ TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo và bà Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban Dân vận được bầu làm Phó bí thư Thành ủy.
“Việc sắp xếp cán bộ trong thời gian tới phải phát huy được năng lực, sở trường của từng người. Nhưng dứt khoát phải có một đồng chí làm Phó bí thư Thường trực Thành ủy và một Phó bí thư làm công tác xây dựng Đảng”, Bí thư Hà Nội nói.
Theo ông Huệ, trong báo cáo kiểm điểm của BCH Đảng bộ TP Hà Nội khoá XVI đã nhận thức rõ các khuyết điểm trong công tác cán bộ. Do đó, tại nhiệm kỳ này, BCH Đảng bộ TP nêu rõ việc tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát của Đảng.
“Công tác này không chỉ gói gọn trong hoạt động của Ủy ban kiểm tra các cấp, mà cấp ủy và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, đồng thời tăng cường thêm vai trò giám sát của quần chúng nhân dân, các đoàn thể chính trị và toàn thể xã hội, tăng cường xử lý đơn thư, tố cáo, giải quyết bức xúc của nhân dân”, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Trả lời về các vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, ông Vương Đình Huệ nêu, TP đã ban hành các chương trình hành động chi tiết, tới đây sẽ bổ sung. Để xử lý rác thải, TP sẽ dần chuyển từ chôn lấp sang công nghệ đốt phát sinh điện. Tuy nhiên, quy hoạch các nhà máy đốt rác đã có nhưng nếu chưa có quy hoạch về điện thì không triển khai được.
Do đó, trong cuộc làm việc với Bộ Công Thương, Bộ trưởng Công Thương đã nhất trí với đề xuất của Hà Nội về phát triển nhà máy đốt rác tạo ra điện và sẽ ưu tiên phê duyệt quy hoạch cho Hà Nội cho năm nay.
“Chúng ta phải giảm lượng xe máy dần dần. Cùng với đó, phải tăng ngay năng lực của giao thông công cộng. Năng lực của giao thông công cộng hiện mới được 19%. Những chuyện đó là quá trình bền bỉ, lâu dài, chúng ta phải cương quyết làm”, ông Huệ nói.
Đặc biệt, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh nhiệm kỳ tới Hà Nội sẽ phấn đấu nâng cao thu nhập của của người dân với mục tiêu đến năm 2025 đạt từ 8.300 - 8.500 USD/người/năm.
Sở dĩ thu nhập đầu người Hà Nội còn thấp vì nông nghiệp chỉ chiếm 2,06% trong cơ cấu kinh tế, nhưng lao động nông nghiệp còn trên 14%...
“Quan trọng nhất là người dân Thủ đô phải được hưởng đầy đủ thành quả của quá trình xây dựng, phát triển TP”, ông nói.