(GD&TĐ) - PGS.TS Nguyễn Thế Khôi - Trưởng đoàn HS Việt Nam dự thi Olympic Quốc tế môn Vật lý và PGS.TS Mai Sĩ Tuấn - Trưởng đoàn HS Việt Nam dự thi Olympic Sinh học Quốc tế chia sẻ nguyên nhân thành công của HS Việt Nam trên đấu trường Olympic quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Thế Khôi | PGS. TS Mai Sĩ Tuấn |
Xin cho biết cụ thể thành tích của các đội tuyển Vật lý và Sinh học của Việt Nam tại các kỳ thi Olympic Quốc tế vừa qua?
PGS.TS Nguyễn Thế Khôi: Về môn Vật lý, năm nay nước ta cử hai đoàn HS dự thi. Đó là đoàn dự thi môn Vật lý châu Á tháng 5 tại Indonesia và đoàn dự thi môn Vật lý Quốc tế ở Đan Mạch tháng 7 vừa qua. Đội tuyển Vật lý châu Á chúng ta có 8 em đi thi thì đạt 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 1 huy chương đồng và 3 em đạt bằng khen.
Trong kỳ thi Vật lý Quốc tế ở Đan Mạch, chúng ta thu được 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng. Nhìn chung trong những năm gần đây kể cả kỳ thi Vật lý châu Á và Quốc tế, kết quả thành tích của các đội tuyển tương đối cao.
PGS.TS Mai Sĩ Tuấn: Năm nay, đoàn HS Việt Nam dự thi Olympic Quốc tế môn Sinh học lần thứ 24 tại Thụy Sĩ có 4 em và tất cả các em đều đạt huy chương đồng. Tuy giải thưởng không cao bằng các môn như Toán, Lý, Hóa nhưng đây là thành tích đáng ghi nhận của các em vì trong tổng số 240 thí sinh dự thi thì chỉ có 60% thí sinh đạt huy chương.
Dự thi Quốc tế Olympic môn Sinh học khó khăn với đoàn HS Việt Nam vì các em phải thi thực hành và kết quả thi thực hành được đánh giá rất cao so với kết quả bài thi. Các thiết bị thực hành và việc các em học ở nhà rất khác với việc tham gia thi thực hành tại kỳ thi Quốc tế. Hơn nữa năm nay nước chủ nhà là Thụy Sĩ, đây là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển và họ thi vào hai lĩnh vực mà chúng ta gặp nhiều khó khăn đó là lĩnh vực sinh y và lĩnh vực sinh học phân tử. Tuy vậy HS Việt Nam đã hết sức cố gắng để đạt được kết quả như vậy.
Một điều đáng ghi nhận nữa đối với HS Việt Nam đó là trước đây khi đi thi, kết quả thực hành của các em thường yếu, nhưng trong đợt thi này kết quả thực hành trong bài làm của các em tốt hơn và thường đạt từ 65% - 80% so với số điểm thi thực hành.
Vậy đâu là nguyên nhân mang lại những kết quả rạng rỡ như năm nay?
PGS.TS Nguyễn Thế Khôi: Xét cả quá trình 31 năm chúng ta tham gia dự thi môn Vật lý quốc tế và 14 năm tham gia Olympic châu Á, có thể thấy thời gian đầu khi chúng ta tham gia thì kết quả dự thi thấp, có những năm chúng ta không có giải thưởng. Nhưng càng về sau chất lượng được nâng cao, đặc biệt trong khoảng 5 năm trở lại đây đối với môn Vật lý kết quả hơn hẳn.
Thành tích của đội tuyển Vật lý được nâng cao gắn liền với khâu quan trọng nhất của việc tổ chức kỳ thi này đó là huấn luyện cho các em. Bộ GD&ĐT trong những năm gần đây đã có chủ trương tăng cường chất lượng huấn luyện đào tạo và tạo điều kiện cho việc huấn luyện đội tuyển được tốt, đó chính là một trong những nguyên nhân mà đội tuyển HSG đạt kết quả cao.
Mặt khác, những chủ trương chính sách khác của Bộ cũng góp phần vào việc nâng cao kết quả của các đội tuyển tham dự các kỳ thi. Ví dụ việc thay đổi chính sách đối với HS tham gia đội tuyển dự thi HSG Quốc tế, cho các em được vào thẳng các trường đại học. Đó là nguồn động lực rất tốt, các em yên tâm hơn khi tham gia đội tuyển và cố gắng đạt kết quả cao trong các kỳ thi.
Bên cạnh đó, Bộ đã có chủ trương tăng cường chất lượng dạy học cũng như vấn đề nâng cao việc dạy thí nghiệm của môn Vật lý đã có tác dụng thiết thực trong việc nâng cao chất lượng và trình độ chung về môn Vật lý của HS. Việc chú trọng nhiều hơn việc dạy thực nghiệm đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng đội tuyển.
Một lý do nữa là trong việc tổ chức kỳ thi HSG quốc gia và chọn đội tuyển dự thi Quốc tế đã có những cải tiến về mặt hình thức và tổ chức khiến cho việc tuyển chọn có chất lượng và tuyển được những em có tố chất nên đội tuyển của chúng ta có thành tích cao hơn trước. Trong các kỳ thi tuyển chọn HS đi dự thi Olympic và quốc tế, chúng ta phấn đấu về nội dung, hình thức và mức độ bài thi, có sự tiếp cận với trình độ quốc tế. Đó là những chủ trương đúng đắn đã góp phần tuyển chọn được HS có chất lượng tốt để tham gia vào kỳ thi.
Trước đây, việc tập huấn đội tuyển là do Bộ GD&ĐT tổ chức. Nay, Khoa Vật lý của trường ĐHSP Hà Nội đã được giao việc huấn luyện đội tuyển từ 2005, với đội ngũ cán bộ GV giỏi từ các trường ĐH và các viện nghiên cứu để tập huấn bồi dưỡng cho các em. Trường cũng đã xây được phòng thí nghiệm nhờ sự hỗ trợ về kinh phí và mọi mặt của Bộ GD&ĐT để chuyên huấn luyện cho đội tuyển. Nhờ đó việc huấn luyện được tiến hành một cách có bài bản, luôn luôn có sự rút kinh nghiệm, cải tiến về nội dung và hình thức từ đó mà nâng cao chất lượng tập huấn và thành tích của các em.
PGS.TS Mai Sĩ Tuấn: Trước hết, thời gian mà các em tập huấn phải đảm bảo điều kiện đủ chất lượng. Môn Sinh học là một môn thực nghiệm, kiến thức thực nghiệm là những kiến thức hoàn toàn mới so với HS Việt Nam. Trong những năm vừa qua, quá trình tập huấn của chúng ta đã giúp cho HS có nhiều kinh nghiệm. Trước đây khi đi thi đội tuyển Sinh học thường có giải thấp còn những năm gần đây hầu hết các em đều đạt giải và có huy chương tương đối cao. Thành tích đó có được là do công tác tập huấn có nhiều đổi mới.
Hình thức ra câu hỏi của quốc tế và Việt Nam là hoàn toàn khác nhau. Ở quốc tế đối với môn Sinh học là thi trắc nghiệm nhưng hình thức thi trắc nghiệm khác so với hình thức thi trắc nghiệm ở Việt nam hiện nay. Vì thế các em làm quen với các hình thức và nội dung thi hoàn toàn trong thời gian tập huấn.
Những năm vừa qua, Bộ GD&ĐT đã hết sức tạo điều kiện để cho các thầy cô giáo trong quá trình tập huấn giúp các em tích lũy đươc nhiều kinh nghiệm và vì vậy vài năm gần đây các đội tuyển đã đạt được những kết quả cao hơn so với các năm trước.
Trước đây Bộ GD&ĐT giao cho nhiều cơ sở tập huấn nên có nhiều cán bộ GV tham gia tập huấn đội tuyển, tuy nhiên có hạn chế là tính chuyên nghiệp chưa cao. Gần đây, Bộ GD&ĐT đã giao cho khoa Sinh học của trường ĐHSP tập huấn. Khoa đã mời được khá nhiều nhà khoa học và GV ở các viện và các trường ĐH vì vậy công tác tập huấn đã đi vào nề nếp. Song nếu Bộ giao công tác này cho Trường ĐHSP thì cũng phải lâu dài và Trường ĐHSP cũng cần phải xây dựng một trung tâm để cho các GV chuyên tâm vào công tác tập huấn cho đội tuyển HSG, tránh việc thay đổi đội ngũ GV tập huấn để hoạt động tập huấn đi vào chuyên nghiệp hơn.
Bên cạnh công tác tập huấn thật tốt, chúng ta phải thay đổi cách dạy và học môn Sinh học ở trường phổ thông để cho các em khi học ở trường phổ thông cũng đã có những kỹ năng tiếp cận và thực hành sinh học cơ bản quốc tế. Như vậy các em sẽ có kỹ năng thực hành thành thục hơn và thực hiện thí nghiệm đúng thời gian quy định.
Giáo dục mũi nhọn đã khẳng định vị thế giáo dục Việt Nam trên thế giới (Trong ảnh: Giờ thực hành Vật lý tại Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc) |
Những thay đổi của Bộ GD&ĐT những năm gần đây tách công tác quản lý nhà nước và công tác chuyên môn trong quá trình tập huấn và đưa HS dự thi Olympic Quốc tế, ý kiến của ông về vấn đề này?
PGS.TS Mai Sĩ Tuấn: Chủ trương tách công tác quản lý và công tác chuyên môn của Bộ GD&ĐT rất đúng đắn. Và ngay cả trong các công tác khác của ngành cũng cần phải thực hiện như vậy. Những ý kiến đóng góp của chúng tôi về công tác này đã được lãnh đạo Bộ lắng nghe, đã và đang được đưa vào thực hiện trên thực tế và đạt được những kết quả như mong muốn.
PGS.TS Nguyễn Thế Khôi: Chủ trương tách công tác quản lý nhà nước với công tác chuyên môn là việc làm hết sức đúng đắn và cần thiết vì nó tạo điều kiện cho các nhà chuyên môn. Trong rất nhiều năm đưa đội tuyển đi thi, các trưởng phó đoàn ngoài công tác chuyên môn còn phải lo lắng về vấn đề xin kinh phí… Khi có chủ trương tách việc quản lý và công tác chuyên môn thì chúng tôi có điều kiện tập trung vào vấn đề huấn luyện các em làm sao để đạt kết quả tốt nhất.
Tất cả sự quan tâm và những đổi mới trên của Bộ GD&ĐT đã góp phần nâng cao chất lượng GD và đặc biệt là trong công tác tập huấn đã mang lại những thành tích cao cho đội tuyển HSG Việt Nam.
Từ đầu năm 2013 đến nay, các đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic Quốc tế đều gặt hái được nhiều thành công, liên tiếp giành được nhiều Huy chương vàng Huy chương bạc. Đoàn học sinh giỏi các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học của Việt Nam tham dự Olympic quốc tế đã giành tổng số 23 tấm huy chương, trong đó có 6 Huy chương vàng, 9 Huy chương bạc và 8 Huy chương đồng. |
Hồng Việt (ghi)