Cho nên muốn trẻ phát triển tốt, ngay từ nhỏ hãy làm cho trẻ thấy những nguyên tắc đúng đắn được bạn đặt ra và thực hiện nghiêm túc.
Dưới đây là những hướng dẫn cụ thể nhằm giúp gia đình bạn có những lợi ích thiết thực và để “thiên thần bé nhỏ” của bạn được phát triển toàn diện cả về tinh thần và thể trạng.
Làm sao để trẻ phát triển toàn diện?
Muốn cho con mình phát triển toàn diện được cả về chiều cao, cân nặng và trí tuệ, các bậc phụ huynh nên lưu ý những vấn đề sau:
- Ưu tiên cho bữa ăn gia đình: Hãy lập ra thời gian biểu cố định cho các bữa ăn. Khuyến khích con trẻ tham gia đóng góp ý kiến về việc lập thời gian biểu, dắt trẻ đi chợ, khuyến khích trẻ cùng bố mẹ chuẩn bị bữa ăn để tạo hứng thú cho trẻ đối với thực phẩm trước khi ăn.
- Tạo không khí hứng thú và thoải mái cho bữa ăn: Tắt TV để dành thời gian trò chuyện và bày tỏ cảm xúc. Không kết tội hay phê bình con trong bữa ăn, cũng đừng tranh luận về thức ăn hay hành vi cư xử trong khi ăn.
Đừng phê bình hoặc có những nhận xét không hay về người khác trước mặt trẻ. Cũng đừng tự phê bình bản thân mình hoặc phê bình trẻ về những khiếm khuyết của cơ thể.
- Ăn sáng cùng con: Đây là bữa ăn quan trọng nhất của con bạn. Những đứa trẻ được ăn sáng đầy đủ thường có kết quả học tập tốt ở trường. Trẻ sẽ tập trung tốt hơn, đạt điểm bài kiểm tra cao hơn, và mau thuộc bài hơn những đứa trẻ không ăn sáng.
Các bữa ăn khác trong ngày không thể bù đắp được bữa ăn sáng nếu trẻ vì lý do nào đó mà không ăn.
- Khuyến khích trẻ tập thể dục: Tập thể dục sẽ giúp hệ thống cơ xương của trẻ phát triển. Hãy dùng những trò chơi vận động để vừa tập vừa chơi.
Mục đích của việc luyện tập giúp trẻ khỏe mạnh và sử dụng năng lượng một cách có ích, hơn là để làm ốm và tiêu phí năng lượng.
Hầu hết các trẻ em không phải là những vận động viên thể thao năng khiếu. Hãy khuyến khích chúng tham gia những trò chơi vận động và làm cho chúng cảm thấy thích thú với các trò chơi vận động.
- Giúp trẻ tự đánh giá bản thân: Hãy tôn trọng trẻ như những người khác. Hãy đánh giá cao những kỹ năng và năng khiếu của trẻ. Nhìn nhận khả năng sáng tạo, óc thông minh, sự trưởng thành về mặt cảm xúc và những khả năng thể thao hay âm nhạc.
Và đừng quên những nguyên tắc khi cho trẻ ăn
Trẻ từ trên 1 tuổi mới hình thành phản xạ ăn uống. Nếu không được củng cố, nếp ăn uống dần dần bị phá vỡ gây rối loạn tiêu hóa. Vì vậy muốn ăn đúng cách phải tuân theo những nguyên tắc sau:
- Cho trẻ ăn đúng bữa, ăn đủ, không cho trẻ ăn vặt. Trẻ càng nhỏ càng ăn nhiều bữa vì lượng dự trữ chất ngọt ở cơ thể trẻ rất ít nên chóng đói, chóng mệt, dễ hạ đường huyết. Vì vậy cho trẻ ăn nhiều bữa là cách đảm bảo đủ nhu cầu khi lượng ăn của trẻ chưa cao.
Đối với trẻ trên 1 tuổi, cho ăn theo thời gian biểu sau: 6g30: Cho ăn sáng. 10g30: ăn trưa, 14g: bữa chiều. 18g là bữa xế chiều, ăn thêm trước khi đi ngủ: 21 – 21g30".
- Lượng ăn của trẻ tăng lên thì số bữa ăn giảm dần.
- Trẻ dưới 3 tuổi cho ăn ít nhất 4 bữa/ngày, mỗi bữa cách nhau khoảng 3 giờ.
- Không nên xem bữa nào là bữa chính, bữa phụ. Tuy nhiên có thể cho trẻ ăn bữa trước khi đi ngủ là phụ. Bữa này có khối lượng ít, ăn nhanh, có thể là thức ăn sẵn, có nhiệt lượng cao tương đương hoặc bằng 70% so với bữa chính.
Không cho ăn rau quả vào bữa phụ, có thể cho trẻ ăn bánh, sữa đậu nành, hoặc bát chè vào bữa phụ. Trẻ trên 2 tuổi thì bắt đầu cho ăn cơm nát và cho ăn cơm thực sự khi trẻ trên 3 tuổi.
Đôi khi, một số trường hợp trẻ mắc phải chứng biếng ăn sau thời gian bệnh hoặc gặp phải vấn đề tâm lý nào đó, các phụ huynh cần khéo léo hơn trong xử lý hoặc sử dụng biện pháp khoa học bổ trợ.